Hóa chất vạn năng biến quả xanh thành chín

Thứ Bảy, 22/11/2008, 09:02
Sau khi "tắm" thuốc, đu đủ ương được vớt ra, dùng khăn lau khô và xếp lại, phủ chăn, bao tải kín lên. Vài tiếng sau, quả đu đủ sẽ từ xanh chuyển sang màu vàng tươi. Đặc biệt, vỏ trơn nhẵn, láng bóng, chứ không xù xì như đu đủ thường. Hóa chất "vạn năng" này được dùng để ủ chín tất cả các loại quả như đu đủ, chuối, hồng ngâm, cà chua…
>> Các phân biệt rau nhập từ Trung Quốc
>> Thuốc "tăng trưởng mạ" là thuốc gì? 

Vài tháng trở lại đây, thông tin về một loại hóa chất "vạn năng" có tác dụng chỉ sau vài tiếng biến trái cây từ xanh thành chín vàng với màu sắc đẹp mắt, không dập nát khi vận chuyển rộ lên và được nhiều người nông dân, lái buôn ở Hà Nội sử dụng để giấm chín hoa quả.

Loại thuốc này có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng trên vỏ hộp có hẳn hướng dẫn sử dụng, địa chỉ nơi sản xuất bằng tiếng Việt. Đáng lo ngại là thuốc được nhập lậu vào Việt Nam, không được phép sử dụng và trên bao bì ghi rõ thuốc có độc.

Chúng tôi tìm đến thôn Thu Quế, thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng, Hà Nội) nơi phần lớn người dân sống bằng nghề trồng đu đủ, chuối và buôn bán hoa quả về nội thành Hà Nội.

Cứ sáng sớm, người dân trong thôn lại tấp nập chở chuối, đu đủ bằng xe thồ, xe máy mang vào nội thành bán buôn cho các quầy hoa quả. Thậm chí, nếu đúng vụ, người dân còn bán buôn cả xe ôtô tải các loại trên tiêu thụ cho các tỉnh xung quanh.

Nhưng có một điều rất lạ là tuy trồng và bán hoa quả đi các nơi khác nhưng người dân ở đây không bao giờ mua hoa quả ở chợ về ăn, nhất là các loại quả khi chín có màu vàng. Điều này cũng dễ hiểu bởi hầu hết hoa quả tại đây đều được ngâm một loại hóa chất lạ để ủ chín hoa quả.

Không giấu giếm, những người dân khi được hỏi đều trả lời biết và có sử dụng loại thuốc này. Theo bà Oanh, một người bán nước ở đầu thôn, dân trong làng đã dùng loại thuốc này từ hai năm nay. Trước đây, nếu dùng phương pháp thủ công như ủ kín và đốt hương hoặc dùng đất đèn, chuối và hoa quả chín không đều, dễ bị nẫu và dập nát khi vận chuyển. Đặc biệt là dùng bằng đất đèn, quả chuối ăn có mùi lạ, hắc rất khó chịu.

Bà Oanh cho biết, loại thuốc ủ chín của Trung Quốc rất dễ sử dụng. Đu đủ ương được cắt xuống rồi gói cẩn thận trong giấy báo để tránh nhựa từ cuống chảy vào quả tạo thành những vết ố nâu. Sau đó, thuốc được pha vào thùng, chậu với nước rồi nhúng quả đu đủ vào. Sau khi được "tắm" thuốc, quả đu đủ sẽ được vớt lên, dùng khăn lau khô và xếp vào thùng hoặc góc nhà.

Sau đó chỉ việc phủ chăn, bao tải kín lên. Sau vài tiếng, quả đu đủ sẽ từ xanh chuyển sang màu vàng tươi. Đặc biệt, vỏ trơn nhẵn, láng bóng, chứ không xù xì như đu đủ thường. Hóa chất "vạn năng" này được dùng để ủ chín tất cả các loại quả như đu đủ, chuối, hồng ngâm, cà chua…

Loại thuốc ủ chín hoa quả đang được sử dụng lén lút ở nhiều nơi (Ảnh: N.Y).

Bà Oanh cho biết, dù người dân trong thôn sử dụng thuốc lạ để giấm chín hoa quả nhưng tuyệt đối không ai trong làng ăn những quả được ngâm bằng hóa chất này. Hoa quả để ăn sẽ được để riêng, giấm chín theo cách thông thường.

Chúng tôi ngỏ ý muốn mua thuốc về để giấm chín hoa quả bán hàng, bà Oanh chỉ ngay ra cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đầu làng. Bà còn căn dặn, nếu không mua được thì ra đường 32, ở cửa hàng bán phân đạm sẽ có.

Chẳng khó khăn khi mua loại hóa chất này. Điều bất ngờ là chúng được bán với giá rất "bèo", 800 đồng/lọ. Theo lời hướng dẫn của người bán, mỗi lọ được pha với 2 lít nước, số lượng này có thể nhúng được vài tạ hoa quả. Sau khi trả tiền, người bán còn cẩn thận đưa cho chúng tôi một chiếc găng tay nilon để không chạm vào thuốc.

Mỗi hộp có 10 lọ nhỏ màu trắng đục. Trên vỏ hộp có ghi cả tiếng Trung và tiếng Việt. Thuốc có tên Ethrel. Công dụng làm quả chín nhanh, đảm bảo không bị thối nát…

Theo phần ghi trên vỏ hộp thì loại thuốc này do Công ty TNHH hóa chất Phùng Xuân, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc sản xuất. Đáng lo ngại là thuốc này còn ghi rõ có độc, ăn mòn tay, chân cần tránh tiếp xúc trực tiếp bằng tay, chân.

Ông chủ bán hàng còn khẳng định, thuốc có tác dụng với tất cả các loại quả cần kích thích chín nhanh, không mất nhiều thời gian. Cà chua sau khi thu hoạch cũng được nhúng loại thuốc này và có thể để cả tuần không hỏng, màu sắc vẫn đỏ tươi, nhẵn bóng. Ngay những loại hoa quả như dứa, xoài cũng được giấm chín bằng hóa chất này.

Với hộp thuốc mua được từ thôn Thu Quế, chúng tôi đã mang đến nhờ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) phân tích. Theo ông Trịnh Công Toản, Chánh Thanh tra Cục BVTV, đây là loại thuốc nằm ngoài danh mục các loại thuốc BVTV được sử dụng và lưu hành tại Việt Nam.

Theo ông Khanh, có thể đây là loại thuốc thuộc nhóm kích thích sinh trưởng, thay thế được cho đất đèn vì chất này cũng có khả năng sản sinh ra khí ethynel với tác dụng làm chín quả trong thời gian ngắn. Thực tế, cơ quan quản lý cũng đã biết có loại thuốc này trên thị trường và được nông dân một số nơi sử dụng. Tuy nhiên, do đây là chất sinh ra khí nên rất khó phân tích các thành phần hóa học, do vậy Cục chưa thể công bố kết quả.

Ông Toản cũng khẳng định, về nguyên tắc, thuốc nằm ngoài danh mục thì không được sử dụng, buôn bán và vận chuyển. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều loại thuốc BVTV ngoài danh mục khác, thuốc ủ chín hoa quả được bán lén lút nên việc phát hiện, tịch thu gặp nhiều khó khăn. Trước đây, Cục BVTV đã từng thu được những loại thuốc ủ chín hoa quả tương tự có tên gọi "Hoa quả thúc chín tố".

Theo các chuyên gia trong ngành BVTV, hoạt chất ethrel là một chất có trong danh mục thuốc điều hòa sinh trưởng nhưng chỉ dùng để kích thích mủ cao su. Chất ethrel có chung gốc là etylen, một loại chất độc, hàm lượng cho phép sử dụng rất nhỏ. Ở nhiều nước, chất này đã bị cấm sử dụng với mục đích làm chín hoa quả. Thậm chí, nếu etylen tác dụng với thành phần nitơrat trong quả sẽ tạo ra chất etylenglycol dinitrat, một chất rất độc, hàm lượng cho phép là dưới 0,3mg/m3.

Với cách thức cho hoa quả chín bằng loại hóa chất trên, chắc chắn khi người tiêu dùng ăn phải sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Cách duy nhất để phân biệt hoa quả chín tự nhiên và hoa quả bị ngâm thuốc là màu sắc, độ cứng và đặc biệt là nên cảnh giác với những loại quả có vỏ bóng nhẵn, không tì vết

Chi Linh
.
.
.