Lũ đổ dồn về các tỉnh phía Bắc, nhiều nơi bị cô lập

Thứ Tư, 11/10/2017, 17:42
Hòa Bình ban bố tình trạng khẩn cấp và mở 8 cửa xả đáy nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Yên Bái nhiều nơi bị cô lập. Còn tại Thanh Hóa, hàng nghìn hộ dân được di dời và cấp lương thực.


Tại Hòa Bình: Nhiều nơi chìm sâu trong biển nước, công bố tình trạng khẩn cấp

16h20' PV Báo CAND có mặt tại thị trấn huyện Lương Sơn, Hòa Bình khu vực thị trấn và bãi Lạng ngập sâu trong biển nước.

Thiếu tá Bùi Đức Huyên, Trưởng Công an huyện Lương Sơn cho biết, những ngày qua mưa nhiều đã gây ngập úng khu vực thị trấn Lương Sơn,
bãi Lạng, 100% CBCS Công an huyện trực chiến để cứu các hộ dân bị nước cuốn trôi và phối hợp với các lực lượng phân luồng, điều tiết giao thông.

Trong ngày 10 và 11-10, Công an huyện phối hợp với trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang cứu được 36 người  bị lũ cuốn trôi, di dời 700 gần dân ra khỏi khu vực nguy hiểm thuộc xã Nhuận Trạch, xã Tân Vinh, thị trấn Lương Sơn.

Đêm nay, Công an huyện sẽ thức trắng để hỗ trợ người dân vùng ngập lũ và phân luồng giao thông bởi đến nay khu vực từ huyện  Kỳ Sơn đến thị trấn Lương Sơn vẫn ùn tắc xe ô tô kéo dài hàng km.

Theo thống kê sơ bộ ban đầu, trên địa bàn toàn tỉnh mưa, lũ đã làm 10 người chết, 4 người mất tích, 4 người bị thương, ngập hỏng hàng ngàn ha lúa hoa màu, hàng trăm lồng bè, ao nuôi cá, chết hàng ngàn con gia cầm…

Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở 8 cửa xả đáy làm nước sông dâng cao, chảy siết.

Tại Hồ Thủy điện Hòa Bình lượng nước dồn về rất lớn (12.960m3/s), đến 12h trưa ngày 11-10, Nhà máy thủy điện Hòa Bình quyết định mở 8 cửa xả đáy, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân vùng hạ lưu sông Đà. 

Lực lượng Công an tỉnh Hòa Bình giúp dân vùng hạ lưu sông Đà neo đậu tàu, thuyền, vận chuyển người và tài sản đến nơi an toàn. 

Lực lượng Công an tỉnh Hòa Bình tiếp tục ứng trực 100% quân số các đơn vị để phòng chống mưa, lũ 24/24h đảm bảo an ninh trật tự và đảm bảo an toàn giao thông trên toàn địa bàn tỉnh; phân luồng, cảnh báo, hướng dẫn, kiểm soát giao thông tại các khu vực ngầm, đường bị ngập, nơi sạt lở nguy hiểm, không cho người và phương tiện di chuyển khi không đảm bảo an toàn.

Tại Yên Bái: Nhiều nơi bị cô lập, chia cắt

Hơn 12h trưa nay, sau tiếng động lớn, một mố cầu và hai nhịp cầu Ngòi Thia nằm trên quốc lộ 32, thuộc thị xã Nghĩa Lộ, bị dòng lũ đỏ ngầu cuốn sập. Nhiều người bị lũ cuốn trôi, trong đó có một phóng viên.

Theo chia sẻ của đồng nghiệp, anh Đinh Hữu Dư (29 tuổi, quê Ninh Bình) cùng một phóng viên ảnh của TTXVN, phân xã Yên Bái, tới ghi nhận tình hình lũ lụt tại cầu Ngòi Thia, bắc qua dòng suối Thia. Phóng viên ảnh đứng ở đầu cầu chụp, còn anh Dư đến giữa cầu, bất ngờ bị lũ cuốn cùng nhiều người khác.

Phóng viên Dư nằm trong số 10 người mất tích do lũ cuốn ở Yên Bái. 

Tính đến 14h ngày 11-10, mưa lũ tại Yên Bái đã làm 3 người chết, 10 người mất tích và 7 người bị thương. Trong đó, 3 người chết đều ở huyện Trạm Tấu; 10 người mất tích do lũ cuốn trôi (gồm Văn Chấn 4 người, Trạm Tấu 5 người, thị xã Nghĩa Lộ 1 người).

Một số khu vực trên địa bàn thuộc thị xã Nghĩa Lộ bị cô lập hoàn toàn.

Mưa lũ đã làm 739 nhà bị thiệt hại, trong đó 30 nhà bị sập, trôi hoàn toàn; 153 nhà phải di rời người và tài sản; 533 nhà bị ngập nước; 2000 m kè bị sạt lở; cầu Ngòi Thia, thị xã Nghĩa Lộ bị sập 2 nhịp và sạt lở taluy tại khu vực ga Lâm Giang, huyện Văn Yên. Một số khu vực trên địa bàn thuộc thị xã Nghĩa Lộ bị cô lập hoàn toàn.

Tại khu vực TP Yên Bái, nước sông Hồng đã dâng ngập một số tuyến đường giao thông. Công an tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các đơn vị triển khai biện pháp phòng chống mưa lũ. 

Trước hết là thực hiện 4 tại chỗ, khi cần sẽ huy động thêm lực lượng. Hiện tại thông tin, liên lạc vào các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn đã bị gián đoạn.

Công an Yên Bái tham gia giúp đỡ người dân.

Sáng 11-10, Đoàn công tác của tỉnh Yên Bái do đồng chí Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - cứu nạn, cứu hộ đã trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn. Lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan đã trực tiếp đến kiểm tra, chỉ đạo các lực lượng chức năng của tỉnh.

Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái đang chỉ đạo các lực lượng Công an, tổ chức công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, giúp dân tại các địa bàn bị thiệt hại do mưa lũ.

Các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ lực lượng Công an phối hợp với chính quyền và người dân địa phương, thực hiện công tác tìm kiếm người bị mất tích, chữa trị cho những người bị thương, bố trí chỗ ở cho các nhà bị lũ cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn; dọn dẹp vệ sinh môi trường, khai thông dòng chảy... Đồng thời tập trung máy móc, thiết bị để khắc phục giao thông các khu vực sạt lở trên tuyến quốc lộ 32, đường tỉnh 166, đường tỉnh 174.

Thiệt hại nặng nhất ở tỉnh Yên Bái là thị Nghĩa Lộ. 24 tổ dân phố và thôn bản bị ngập nước, 300 hộ gia đình bị ngập nước, trong đó có có 2 người bị thương, 1 người mất tích. 

Sau khi sự việc xảy ra, Công an thị xã Nghĩa Lộ đã huy động 100 % cán bộ, chiến sỹ tham gia ứng cứu người và tài sản của nhân dân trên địa bàn; đã đưa 50 người dân, chủ yếu là người già và trẻ em ra khỏi điểm nguy hiểm có nguy cơ sạt lở.

Được biết, vào thời điểm này, Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái đang chỉ đạo các lực lượng Công an, tổ chức công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, giúp dân tại các địa bàn bị thiệt hại do mưa lũ; phân luồng giao thông, phối hợp với chính quyền địa phương khắc phục hậu quả tại Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ. Bên cạnh đó, đảm bảo công tác an ninh trật tự, không để các đối tượng xấu lợi dụng, thực hiện hành vi trộm cắp tài sản.

Công điện chỉ đạo của Bộ Công an về việc ứng phó với mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất

Ngày 11-10-2017, Ban ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Bộ Công an vừa có công điện số 13 do Thứ trưởng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an vừa ký gửi Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Công an; Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Sơn La, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN: Tổng cục VIII, K20; C66, C67 yêu cầu chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa, lũ. Công điện nêu rõ:

Để chủ động ứng phó với các tình huống của mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn công trình hồ chứa, đê điều, Ban Chỉ đạo ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Bộ Công an đề nghị Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Công an, Cảnh sát PCCC các đơn vị, địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Thực hiện nghiêm túc Công điện 1533/CĐ-TTg hồi 12h30 ngày 11/10/2017của Thủ tướng Chính phủ, Công điện 77/CĐ-TW hồi 11 giờ ngày 11/10/2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và chỉ đạo của chính quyền địa phương về đối phó với diễn biến của mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn công trình hồ chứa, đê điều. Theo dõi chặt diễn biến của mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất để chủ động ứng phó.

 Phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát các hộ dân đang sinh sống  tại các khu vực ven sông, suối, vùng trũng, thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng triển khai phương án sơ tán nhân dân đến nơi an toàn. Bằng mọi biện pháp tiếp cận các khu dân cư còn bị cô lập do ngập sâu, hỗ trợ sơ tán bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói.

Đối với Công an các địa phương ở hạ lưu hệ thống sông Hồng, đặc biệt là các tỉnh, thành phố sau đập thủy điện Hòa Bình cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ và kế hoạch xả lũ của các hồ thủy điện; Phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai ngay phương án phòng, chống lũ theo cấp báo động, tập trung bảo vệ hệ thống đê điều, nhất là tại các khu vực trọng điểm xung yếu; bằng mọi biện pháp thông báo kịp thời thông tin mưa lũ đến người dân sinh sống hoặc có các hoạt động trên sông, ven sông để chủ động phòng, chống.

Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (K20) chỉ đạo các Trung đoàn cảnh sát cơ động đóng quân trên địa bàn bị ảnh hưởng của mưa, lũ (E22, E24, E26) tăng cường lực lượng, phương tiện phối hợp với Công an các địa phương nơi đơn vị đóng quân giúp dân thu hoạch hoa màu, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, chia cắt và giúp dân khăc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra. 

Triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông, kịp thời giải tỏa ách tắc giao thông khi cần thiết; bố trí lực lượng để tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông tại các khu vực ngầm, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc, nơi sạt lở nguy hiểm. Kiên quyết không cho người và phương tiện di chuyển khi không đảm bảo an toàn. Đảm bảo tuyệt đối an toàn trụ sở cơ quan, doanh trại, nơi giam giữ; các mục tiêu kinh tế, chính trị trọng điểm… do lực lượng Công an canh gác, bảo vệ. Chủ động triển khai phương án bảo vệ an toàn hồ sơ, tài liệu, phương tiện, trang thiết bị làm việc của Công an các đơn vị, địa phương để tránh thiệt hại do mưa, lũ gây ra.  

Duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu, di dời sơ tán dân, giúp dân khắc phục hậu quả khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, thực hiện chế độ thông tin báo cáo hàng ngày về Ban Chỉ đạo ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Bộ Công an (qua Văn phòng Thường trực, SĐT 069.23.201.66, 069.23.201.52, Fax 069.23.201.52, 069.23.201.60)


Tại Thanh Hóa: Di dời và cứu trợ hàng nghìn hộ dân

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn kéo dài trên diện rộng khiến cho nhiều xã, thị trấn trên địa bàn 2 huyện Nông Cống và Tĩnh Gia bị ngập lụt, hàng nghìn hộ dân phải sơ tán…

Trước tình hình trên, trong 2 ngày 10 và 11-10, Công an 2 huyện Nông Cống và Tĩnh Gia đã huy động 100% CBCS sử dụng xuồng máy trực tiếp xuống cứu hộ tại địa bàn các xã bị nước lũ cô lập.

Lực lượng Công an 2 huyện Tĩnh Gia và Nông Cống đưa dân ra khỏi vùng ngập lụt và cấp phát lương thực cho nhân dân.

Chỉ tính trong đêm ngày 10 và rạng sáng ngày 11-10, Công an huyện Nông Cống và Tĩnh Gia đã di chuyển tài sản và sơ tán gần 200 người dân trong đó có trẻ em, phụ nữ và người già từ vùng ngập lũ đến nơi an toàn.

Đồng thời, sử dụng cano, xuồng máy đến từng hộ dân để cấp mì tôm, lương thực và nước ngọt cho nhân dân.

Phát biểu tại cuộc họp khẩn cấp đối phó với mưa lớn, lũ lụt, không khí lạnh và áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão ngày 11-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc mưa lớn kỷ lục, dồn dập trong thời gian ngắn đã gây ra những thiệt hại rất lớn cho tính mạng, tài sản của người dân. Cùng với đó, tình huống áp thấp nhiệt đới ngoài khơi mạnh lên thành bão đổ bộ trong những ngày sắp tới là cực kỳ nguy hiểm.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Các bộ, ngành, địa phương và mỗi người dân cần đặc biệt cảnh giác để tích cực chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với tình hình mưa lũ đang diễn ra tại các tỉnh Trung Bộ, Bắc Trung Bộ cũng như tình huống bão đổ bộ trong một số ngày tới”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương, cơ quan có liên quan triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ, hạn chế thiệt hại cho người dân, thực hiện nghiêm túc công điện chỉ đạo số 1533/CĐ-TTg ngày 11/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó tập trung sơ tán khẩn cấp người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, ven sông suối; kiểm soát, hướng dẫn việc đi lại trong vùng lũ, nhất là các khu vực ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết; tiếp cận các khu dân cư còn bị cô lập, hỗ trợ sơ tán bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói.

“Trước mắt cần tập trung sơ tán người dân đến nơi an toàn, tìm kiếm người mất tích. Tổ chức thăm hỏi những gia đình có người chết, mất tích, hỗ trợ kịp thời lương thực, thực phẩm, thuốc men cho người dân, bảo đảm người dân không bị đói, dịch bệnh”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu phải bảo đảm vận hành an toàn các công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Cụ thể, yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì điều phối, chỉ đạo bảo đảm an toàn hồ chứa thủy lợi, đặc biệt chú ý những hồ đã đầy nước, các hồ yếu, xuống cấp nguy hiểm. Đối với 31 hồ thủy điện khu vực Bắc Trung Bộ, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng kiểm tra, rà soát thường xuyên, bảo đảm vận hành an toàn công trình, an toàn cho hạ du.

Bộ Công Thương chủ động bảo đảm an toàn mạng lưới điện cho sản xuất và sinh hoạt; Bộ Giao thông vận tải huy động lực lượng khắc phục sự cố các công trình giao thông, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt; hướng dẫn người dân tham gia giao thông an toàn trong mưa lũ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu triển khai lực lượng để bảo vệ an toàn cho các công trình hạ tầng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, đặc biệt là các công trình, nhà máy thiết yếu.

Đối với cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, yêu cầu phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến, kịp thời thông tin đến người dân.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt biểu dương các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng vũ trang đã tích cực hỗ trợ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Cùng với đó, biểu dương phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, đến nơi nguy hiểm nhất để đưa thông tin kịp thời về diễn biến, thiệt hại của thiên tai, giúp các cơ quan chức năng chủ động trong chỉ đạo điều hành và nâng cao ý thức chủ động phòng tránh của người dân.

Tại Nghệ An: Nước sông, suối, hồ dâng cao, nhiều địa bàn bị cô lập

Theo Báo cáo từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, tính đến 16h, ngày 11-10 trên địa bàn tỉnh Nghệ An có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 150-350mm. Trong đó, Nghĩa Đàn 200mm; Nam Đàn 329mm; Vinh 341mm; Quỳ Hợp 177mm, Thanh Chương 369 mm; Quỳnh Lưu 393mm… Mưa lớn đã gây lũ trên sông Cả, mực nước tại trạm thủy văn Nam Đàn lúc 13h ngày 11-10 là 5,79m (trên báo động I là 0,39m). Nhiều địa bàn bị ngập sâu, giao thông bị chia cắt; ít nhất 735 hộ có nhà bị ngập nước, có hộ nước ngập gần đến nóc nhà, đe dọa an toàn các gia đình.

Lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh Nghệ An tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trong mưa lũ.

Trên địa bàn các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong và thị xã Thái Hòa đã xảy ra mưa lớn làm mực nước sông suối, hồ đập dâng cao, nhiều cầu, cống tràn bị ngập, cuốn trôi.

Đặc biệt, ngôi nhà sàn của ông Lang Thanh Yên, bản Mường Piệt, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong bị sập hoàn toàn vào lúc 3h sáng 11-10. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua khiến đất đá từ trên núi sụt lở, đè xuống ngôi nhà, rất may không có người thiệt mạng.

Tại nhiều vùng dân cư trong tỉnh Nghệ An đến chiều 11-10 vẫn còn tình trạng nước ngập, có nơi nước đang ngập sâu, chia cắt giao thông, chia cắt các xóm làng. Thống kê của các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh Nghệ An, đợt mưa lũ vừa qua, ít nhất 735 hộ có nhà bị ngập nước, có hộ nước ngập gần đến nóc nhà, đe dọa an toàn các gia đình, trong đó nhiều gia đình có em nhỏ, người già, không có khả năng bơi lội. Nhiều gia đình chưa chuẩn bị sẵn phương tiện bảo vệ an toàn trong mùa bão lũ, chưa tích trữ sẵn lương thực, thực phẩm.

Cán bộ chiến sỹ Công an huyện Quỳnh Lưu tăng cường bám trụ vị trí xung yếu, hỗ trợ nhân dân di dời đến nơi an toàn.

Ở huyện Quỳnh Lưu, có khoảng 1.100 nhà dân bị ngập sâu, nước tràn vào nhà và buộc phải di dời người, đồ đạc; hàng trăm ha rau màu và nhiều công trình thủy lợi cũng bị hư hỏng nặng. Một số khu vực ở thị trấn Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu) bị cô lập trong biển nước; xã Quỳnh Thắng mực nước hồ Vực Mấu đạt cao ở mức báo động 3, một số nhà dân ở vùng lòng hồ bị ngập sâu từ 1-2 mét.

Theo thống kê, tại huyện Thanh Chương đến cuối ngày 11-10 có 4 nhà bị sập, hư hỏng nặng do lở đất; 15 nhà dân, 23 chuồng trại bị ngập; 364 m bờ rào: 250 m kênh mương bị sập đổ, trôi 120 cống nội đồng. Hơn 539 ha cây màu vụ đông và cây ăn quả bị ngập úng; 277 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bị ngập; 204 con gia súc 2.210 con gia cầm bị chết...

Tính đến chiều 11-10, toàn tỉnh Nghệ An có 8 người chết và mất tích do mưa lũ. Trước tình hình diễn biến thời tiết bất thường cũng như những thiệt hại mà người dân phải chịu, lực lượng Công an tỉnh Nghệ An, Cảnh sát PCCC tỉnh Nghệ An đã huy động hàng trăm cán bộ chiến sỹ toả ra các địa bàn bám trụ, tăng cường tại các vị trí xung yếu, ngập sâu để hỗ trợ nhân dân di dời đến nơi an toàn, bảo đảm tính mạng và tài sản; đồng thời giúp nhân dân khắc phục thiệt hại, tìm kiếm người mất tích, cứu hộ cứu nạn…


Anh Hiếu - Xuân Mai - Quỳnh Vinh - Đỗ Tuấn - Thanh Tuyền - Thái Thanh - H. Lương - Tâm Minh
.
.
.