Hỗ trợ tối ưu ngư dân ra khơi

Thứ Ba, 17/05/2016, 08:12
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, đến thời điểm này, mới chỉ có 50% tàu cá đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh được mua bảo hiểm. 

Trong khi đó, theo Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản thì ngư dân được hỗ trợ 70% chi phí mua bảo hiểm cho tàu cá có công suất từ 90CV đến dưới 400CV; 90% cho tàu cá có công suất từ 400CV trở lên.

Do đó, đề nghị tỉnh Quảng Nam xem xét hỗ trợ phần còn lại để tất cả chủ tàu đều có thể mua bảo hiểm cho tàu cá. Đồng tình với quan điểm của Sở NN&PTNT, ông Trần Quang Kiến, đại diện Hội Nghề cá Quảng Nam, cho rằng với cơ chế hiện tại thì ngư dân trên địa bàn sẽ không được nhận bảo hiểm tối đa trong nhiều trường hợp.

Ví như, bảo hiểm chỉ thực hiện trách nhiệm khi ngư lưới cụ của ngư dân bị mất hoàn toàn, hỏng hoàn toàn; chứ không bồi thường khi hỏng hoặc mất một nửa, một phần.

Theo ông Kiến, trong trường hợp này, ngư dân được xét hỗ trợ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; ngư dân sẽ được hỗ trợ 50% thiệt hại ở mức không quá 200 triệu đồng. Vì vậy, tỉnh nên xem xét để hỗ trợ thêm phần còn lại cho ngư dân…

Một tàu cá xa bờ của ngư dân tỉnh Quảng Nam bị tấn công cướp tài sản, phá ngư lưới cụ trên biển Hoàng Sa.

Trao đổi thẳng thắn với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, ngư dân Trần Bẹn (trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành) cho rằng, vấn đề hỗ trợ bảo hiểm cho tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ còn nhiều vướng mắc. 

Cụ thể, thủ tục mua bảo hiểm rườm rà mà ngư dân lại bám biển quanh năm, rất ít có thời gian để tìm hiểu kỹ các nội dung, quy định. Nhiều tàu cá sau khi gặp nạn đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thanh toán bảo hiểm.

“Ví như tôi có 1 tàu cá trị giá khoảng 2 tỷ đồng. Sau vài năm tôi vay tiền để cải hoán, nâng cấp con tàu lên thành 5 tỷ đồng. Song, khi mua bảo hiểm thì nhân viên bảo hiểm chỉ tính giá trị con tàu của tôi là 2 tỷ đồng, chứ không tính theo giá trị hiện tại của con tàu. Mà theo quy định thì tàu càng cũ thì tiền bảo hiểm càng cao, song tiền đền bù bảo hiểm khi tàu gặp sự cố thì thấp. Do đó, tôi mong sao lãnh đạo các cấp xem xét lại chỗ này cho ngư dân chúng tôi”, ông Bẹn chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, giao Sở NN&PTNT tỉnh làm việc lại với đơn vị bảo hiểm rồi có câu trả lời thỏa đáng cho các ngư dân. Cũng theo ông Thanh, Quảng Nam là địa phương thành lập Quỹ hỗ trợ ngư dân từ sớm nhằm giúp ngư dân yên tâm bám biển.

Trước việc có ý kiến cho rằng Quỹ hỗ trợ ngư dân cần xem xét lại cơ chế hoạt động để tránh tình trạng đây như một “ngân hàng chính sách thứ hai, cho ngư dân vay lãi suất thấp” chứ không còn mang ý nghĩa hỗ trợ ngư dân nhiều nữa, ông Thanh đồng tình với quan điểm này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Nam hiện có 56 tỷ đồng trong tài khoản, trong đó tiền ngân sách của tỉnh là 41 tỷ đồng, 15 tỷ đồng còn lại được huy động từ nhiều nguồn khác. Ban đầu Quỹ này được lập nên nhằm cho ngư dân vay đóng tàu, cải hoán tàu cá và đã có 34 tàu cá được hỗ trợ.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, thời gian tới, các đơn vị liên quan sẽ xem xét hình thành cơ chế hoạt động mới cho Quỹ hỗ trợ ngư dân nhằm có thể trích quỹ để hỗ trợ một phần đóng bảo hiểm cho tàu cá; hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân vươn khơi; hỗ trợ không hoàn lại các trường hợp như tàu bị cháy, hỗ trợ người chết, người bị thương khi đang đánh bắt trên biển… Đặc biệt, Quỹ hỗ trợ ngư dân sẽ xem xét hỗ trợ các tổ, đội đoàn kết đánh bắt trên biển.

Trên thực tế, nhiều trường hợp ngư dân đã bỏ cả chuyến biển để trợ giúp phương tiện khác bị nạn, do đó cần được hỗ trợ kịp thời, vừa giúp họ có kinh phí trang trải vừa động viên họ tiếp tục có nghĩa cử cao đẹp. Trên biển, khi gặp nạn, trước hết là các tàu cá trong các tổ, đội đoàn kết sản xuất trợ giúp nhau vượt qua hoạn nạn.

Nên chăng, tỉnh Quảng Nam xem xét hỗ trợ cho thuyền trưởng và các thuyền viên trên tàu cá cứu hộ, cứu nạn bằng cách tính theo ngày công lao động phổ thông cũng như bù lại phần nhiên liệu hoạt động. Họ mất bao nhiêu ngày để cứu nạn thì nhân lên theo ngày công lao động thông thường, bù lại công sức cho họ.

Đến thời điểm này, ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tham gia sản xuất ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa đã tiếp cận được nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực của Trung ương và của tỉnh. Đáng kể nhất là được hỗ trợ vốn vay ưu đãi để đóng tàu công suất lớn hoạt động trên các vùng biển xa.

Ông Lê Trí Thanh khẳng định, lãnh đạo tỉnh sẽ cụ thể hóa việc hỗ trợ nhân đạo, hỗ trợ về sức khỏe của ngư dân, hỗ trợ khi tàu cá không may bị chìm, bị cháy… nhằm thể hiện sự đồng hành, sát cánh cùng ngư dân vươn khơi bám biển sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước.

Ngọc Thi
.
.
.