Triển khai Quyết định của Thủ tướng về Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao:

Hỗ trợ đầu tư các trường có năng lực đào tạo

Thứ Ba, 24/06/2014, 09:49
Ngày 23/6, hội nghị triển khai Quyết định 761/QĐ/TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao (CLC) đến năm 2020 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại Hà Nội, đã thu nhận nhiều ý kiến đóng góp, trăn trở của các trường nghề của nhiều địa phương trên cả nước trong lộ trình xây dựng 40 trường nghề CLC đủ năng lực đào tạo một số nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN và quốc tế công nhận, góp phần đổi mới toàn diện đào tạo nghề ở Việt Nam và đáp ứng yêu cầu nhân lực CLC cho phát triển kinh tế, xã hội trong nước.

Theo ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH, đến thời điểm này đã có 45 trường cao đẳng nghề (CĐN) đăng ký, được lựa chọn để xây dựng trường nghề CLC. Tuy nhiên theo lộ trình đến năm 2020, trường nào trong danh sách này không đáp ứng đủ 6 tiêu chí của trường nghề CLC theo Quyết định 761 cũng phải nhường cho trường khác đủ điều kiện.

Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao cũng phát triển theo hướng mở, có vào, có ra. Đặc biệt là tạo cơ hội bình đẳng giữa trường công lập và ngoài công lập. Theo lộ trình, giai đoạn 2014-2016, sẽ thí điểm 34 nghề theo chương trình chuyển giao. Năm 2016, có 16 trường được đánh giá, công nhận trường CLC. Giai đoạn 2017-2020, từng bước mở rộng các nghề đã thí điểm, có học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp, được công nhận văn bằng chứng chỉ. Năm 2019 có thêm 15 trường được công nhận trường CLC; năm 2020 phấn đấu có 40 trường được đánh giá, công nhận trường CLC.

Với sự thông thoáng của Đề án này, nhiều trường nghề ngoài công lập có tiềm lực đã tỏ ra hồ hởi chuẩn bị đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo để có cơ hội được đánh giá, công nhận là trường nghề CLC. Ông Đặng Phước Sinh, Hiệu trưởng Trường CĐN Việt-Úc TP Đà Nẵng cho biết, nhà trường đã xây dựng đề án mở rộng quy mô và chất lượng.

Dự kiến, dự án được mở rộng vào năm 2015, kết thúc vào 2016. Tuy nhiên có một khó khăn lớn nhất của trường ngoài công lập trong việc đáp ứng đủ 6 tiêu chí của trường nghề CLC là đảm bảo tiêu chí về quy mô. Rào cản lớn nhất của trường tư thục là vấn đề học phí, thường cao hơn trường công lập ít nhất là 2,5 lần (4,5-6 triệu đồng/học kỳ). Nhiều học sinh biết được chất lượng đào tạo của Trường  CĐN Việt-Úc Đà Nẵng một trường tư thục nhiều uy tín, nhưng cũng còn phải tính toán, cân đối tài chính.

Được biết, Trường CĐN Việt-Úc Đà Nẵng là một trong 5 trường ngoài công lập được Bộ LĐ-TB&XH lựa chọn được vay nguồn vốn ODA (khoảng 3,5 triệu USD) trong tổng số tiền 147 tỷ đồng đầu tư trong giai đoạn tới.

Hai tiêu chí được nhiều trường băn khoăn là tiêu chí về quy mô đào tạo và tỷ lệ có việc làm sau đào tạo. Theo ông Hảo, Hiệu trưởng Trường CĐN Dầu khí thì việc làm còn phụ thuộc vào sức khỏe của nền kinh tế.

Ông Hảo cho rằng cần phải xem xét lại, không cần quy mô tuyển sinh nhiều. Nếu các trường ký đào tạo với DN thì 100% học sinh ra trường là đi làm. Hiện rất nhiều trường nghề có cam kết với học sinh và phụ huynh về việc làm sau ra trường như Trường CĐN Cơ điện Hà Nội cam kết đầu ra 100% có việc làm.

Ông Nguyễn Duy Nam, Hiệu trưởng Trường CĐN Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc (Nghệ An) khẳng định có đến trên 90% học sinh của trường ra trường có việc làm do trường có sự kết nối chặt chẽ với các DN Hàn Quốc tại Việt Nam, nhiều DN khác cũng tìm đến đặt hàng đào tạo. 

Hiệu trưởng Trường CĐN Đà Lạt nhấn mạnh đến tính cấp thiết của việc kết nối thông tin thị trường lao động. 45 trường đang được chọn để định hướng xây dựng trường CLC và hệ thống các trường nghề cần có được thông tin về thị trường lao động để cùng với nguồn lực của địa phương, tạo việc làm. “Trình độ của giáo viên, đặc biệt là ngoại ngữ và việc làm cho học sinh sau khi học xong là vấn đề rất lo lắng”, là ý kiến của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái

Thu Uyên
.
.
.