Hộ khẩu - quản lý bằng hình thức nào?

Thứ Sáu, 20/05/2005, 08:27
Tuy trong các điều luật của Bộ luật Dân sự (sửa đổi) vừa được thông qua, quy định nơi cư trú không nói rõ về hộ khẩu nhưng đây đang là vấn đề bức xúc được dư luận đặc biệt quan tâm.

Ông Phạm Hưng (nguyên Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam): Quan trọng là cách quản lý của chúng ta thế nào

Mục đích của hộ khẩu là để làm tốt công tác quản lý con người. Nhưng do cách làm của ta ở nhiều nơi còn biểu hiện quan liêu, gây khó khăn, phiền hà cho dân nên mới phát sinh những bức xúc từ chuyện hộ khẩu. Bỏ hộ khẩu thì phải trả lời được câu hỏi: Chúng ta có cách quản lý nào tốt hơn quản lý bằng hộ khẩu không? Còn nếu bỏ mà không có cách quản lý tốt hơn thì tất nhiên không thể được.

Bỏ nhưng không thể buông lỏng quản lý, còn phương pháp quản lý đó là gì thì chúng ta phải tính toán chặt chẽ, đảm bảo phù hợp, thuận lợi. Nếu không, khi bỏ hộ khẩu sẽ không quản lý được tình hình cư trú của người dân dẫn đến sự lợi dụng việc này gây ra các vấn đề phức tạp.

Có người chuyển đến thành phố làm ăn hàng chục năm mà vẫn không cho đăng ký hộ khẩu, không coi họ được cư trú hợp pháp ở thành phố. Cho nên khi tính việc bỏ hay không bỏ hộ khẩu thì vấn đề quan trọng là cách quản lý của chúng ta thế nào.

Đại tá Đậu Quang Chín (Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên): Trong trường hợp nào cũng phải giữ hộ khẩu

Đã là công dân phải có hộ khẩu, có nơi sinh, nơi ở. Để quản lý từng con người trong cộng đồng xã hội thì phải nắm được hộ khẩu của họ. Việc quản lý bằng hộ khẩu là cần thiết nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời tạo điều kiện để họ yên tâm lao động, sản xuất. Quản lý hộ khẩu còn phục vụ cho việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như từng địa phương.

Nếu không nắm được hộ khẩu, nhân khẩu thì chúng ta không thể ổn định được đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là vấn đề an ninh. Thông qua quản lý hộ khẩu, chúng ta nắm hộ, nắm người, biết được người nào chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, người nào vi phạm… từ đó ngay trong cộng đồng dân cư tạo ra sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, chính quyền có phương pháp quản lý, giáo dục những người có vi phạm…

Vấn đề là cần đổi mới cách quản lý hộ khẩu, phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân có hộ khẩu tại nơi cư trú của mình. Việc lấy hộ khẩu để đưa ra các yêu cầu khắt khe như có hộ khẩu mới được mua nhà, chuyển nhượng đất; có hộ khẩu mới được học đúng trường, đúng tuyến… là bất hợp lý.

Chỉ có những thành phố lớn đưa ra các quy định này mới gây bức xúc chứ các địa phương khác như Điện Biên, nhân dân không đề cập chuyện này. Do đó, tôi khẳng định, dứt khoát trong trường hợp nào cũng phải giữ hộ khẩu, quản lý tốt hộ khẩu. Nhưng muốn quản lý tốt thì phải cải cách hành chính về hộ khẩu, đảm bảo gọn hơn, phục vụ thiết thực hơn cho nhân dân.

Ông Nguyễn Tài Lương (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các hội KHKT Hà Nội): Bỏ hộ khẩu là hợp lý và không lo ngại gì

Hộ khẩu là cái cũ rồi, nó sinh ra cùng thời với tem phiếu và cũng chỉ phù hợp với thời kỳ bao cấp. Đời sống xã hội hiện nay đòi hỏi phải đổi mới. Tôi thấy quy định hộ khẩu cũng chỉ hình thức thôi. Vấn đề là phải làm sao để nhân dân không gặp những vướng mắc về hộ khẩu như hiện nay.

Trong thời chiến, chúng ta cần hộ khẩu để quản lý, phòng ngừa kẻ gian. Còn hiện nay, chính quyền địa phương, các tổ dân phố, rồi Công an hoạt động tốt, trình độ dân trí khác trước rất nhiều, ta không cần hộ khẩu nữa

Đăng Trường (thực hiện)
.
.
.