Hồ Ba Bể - “nàng tiên xanh” đang kêu cứu

Thứ Sáu, 14/07/2006, 08:34
Hồ Ba Bể đang đứng trước nguy cơ bị xâm thực, bồi lấp mạnh mẽ bởi phù sa của các con sông đổ vào hồ. Lòng hồ đang dần bị thu hẹp. Cái tin hồ Ba Bể chẳng bao lâu nữa sẽ biến mất làm không ít người bàng hoàng, lo lắng.

"Hiện nay, hồ Ba Bể là một trong 3 địa danh của Việt Nam (cùng với chùa Hương Tích và bãi đá cổ Sa Pa) đang được UNESCO xem xét công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới.

Cách Hà Nội 240 km, từ lâu hồ Ba Bể đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Hồ Ba Bể cùng với quần thể Vườn Quốc gia Ba Bể ẩn chứa những điều kỳ bí hoang sơ và những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại. Một dòng sông Năng êm đềm, một động Puông huyền bí, một Ao Tiên thơ mộng, một thác Đầu Đẳng hùng vĩ, một Pò Giả Mải lung linh huyền tích về lòng nhân ái.

Nhưng tuyệt hơn cả vẫn là làn nước xanh êm đềm màu ngọc bích của hồ. Không gợn sóng, không ào ạt vỗ bờ, quanh năm hồ Ba Bể chỉ phẳng lặng một màu nước xanh ngăn ngắt, trong leo lẻo in hình những vách đá dựng đứng cao ngất trời đầy thơ mộng.

Ba Bể là hồ tự nhiên lớn nhất nước ta, là một trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất trên thế giới cần được bảo vệ. Hồ có diện tích mặt nước gần 600 ha, dài gần 9km, rộng từ 200 đến 1.200m, dung tích gần 90 triệu m3. Hồ nằm ở độ cao 145m so với mực nước biển, độ sâu trung bình từ 20 đến 30m.

Có 3 con sông trực tiếp chảy vào hồ là sông Tà Han, Bò Lù và Chợ Lèng. Bình thường, những con sông này nước trong veo và xanh ngắt. Sông đổ vào hồ, giữ cân bằng hệ sinh thái và làm cho cảnh quan hồ thêm thơ mộng. Nhưng cũng chính các con sông này là “thủ phạm” làm cho lòng hồ bị thu hẹp.

Ông Triệu Đức Luật, dân tộc Tày, hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nam Mẫu, sinh sống tại thôn Pác Ngòi đã hơn 60 năm nay. Ông nhớ lại, xưa kia, hồ rộng tới tận cửa nhà ông bây giờ. Hơn nửa thế kỷ qua, sông Chợ Lèng đã bồi lấp phù sa dài hơn một cây số. Nơi nào phù sa lấn sông lấn biển để mở rộng đất đai cũng đem lại niềm vui, niềm hy vọng mở mang bờ cõi, nhưng ở đây, phù sa lấn hồ lại là nỗi đau của bà con bản địa khi năm lại năm, bãi cứ dài ra, lấn mặt nước.

Qua đo đạc các bãi bồi sau năm lũ (2002), Viện Khoa học Thủy lợi (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) xác định lượng bồi lấp tại các cửa sông là: cửa sông Chợ Lèng: 18,37 vạn m3, cửa sông Bó Lù: 11,06 vạn m3, cửa sông Tà Han: 9,70 vạn m3, cửa hồ giáp sông Năng: 3,04 vạn m3. Tổng lượng bồi lấp năm 2002 là 42,17 vạn m3. Bãi bồi lấp hồ mỗi năm từ 10 đến 60m, nâng đáy hồ lên trung bình 30cm.

Theo các số liệu ấy, Viện Khoa học Thủy lợi tính toán mỗi năm có 70 vạn tấn phù sa bồi lấp vào lòng hồ. Con số này có nguy cơ tăng dần. Nếu không có biện pháp khắc phục từ bây giờ thì không đầy 100 năm nữa, hồ Ba Bể đầy thơ mộng hiện nay biến thành sa mạc.

Dự án cứu hồ vẫn chưa được khởi động

Tháng 7/1999, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến làm việc với tỉnh Bắc Kạn. Qua thị sát thực địa tại hồ Ba Bể, Bộ trưởng đã chỉ thị cho Viện Khoa học Thủy lợi nghiên cứu các giải pháp chống bồi lấp hồ Ba Bể. Năm 2002, Viện Khoa học Thủy lợi đã hoàn thành “Dự án điều tra cơ bản xác định thực trạng, nguyên nhân và định hướng giải pháp chống bồi lắng tại các cửa sông đổ vào hồ Ba Bể”.

Trên cơ sở đó, Viện đã thành lập Dự án tiền khả thi hệ thống công trình thủy lợi chống bồi lấp hồ Ba Bể với 2 nội dung chính: Xây dựng cụm công trình thủy lợi trên sông Bó Lù và Tà Han để chặn giữ bùn cát vào hồ và xả bùn cát ra sông Gâm, giảm 2/3 lượng bùn cát lấp hồ; xây dựng cụm công trình thủy lợi trên sông Chợ Lèng với mục đích ổn định luồng lạch cửa sông, hút phù sa ở cửa sông, trả lại diện tích mặt nước cho hồ.

Tổng kinh phí để thực hiện 2 cụm công trình này là 263,5 tỉ đồng. Dự án này được hoàn thành vào tháng 2/2003. Vườn Quốc gia Ba Bể đã trình lên UBND tỉnh Bắc Kạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhưng đến thời điểm này, theo ông Bùi Văn Định, Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Bể, vì nhiều lý do, dự án ấy vẫn chưa được khởi động.

Trước tình hình ấy, những việc làm được, Vườn Quốc gia Ba Bể đã làm ngay như tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn đối với bà con trong vùng, vì giảm được nạn phá rừng đồng nghĩa với việc giảm sự sạt lở, bào mòn đất, giảm được lượng phù sa hàng năm vẫn bồi lấn vào lòng hồ.

Tại Hội xuân Ba Bể năm 2006, tôi được tận mắt chứng kiến một cuộc thi vẽ tranh do Vườn Quốc gia Ba Bể cùng với PARC - một tổ chức phi chính phủ về môi trường đang hoạt động tại Bắc Kạn phối hợp tổ chức. Đây là cuộc thi vẽ tranh dành cho thiếu nhi với chủ đề bảo vệ môi trường sinh thái.

Những bức tranh do các em vẽ mang đậm dấu ấn quê hương Ba Bể: Những bóng áo chàm đang chèo thuyền độc mộc; dãy Phia-bjooc cao ngất trời đằm mình soi bóng mặt nước hồ xanh ngắt... Nhưng nổi bật nhất là tranh của Nguyễn Viết Tuân - học sinh Trường THCS Chợ Rã. Tuân vẽ những cánh rừng nguyên sinh bị tàn phá và những xác cá lập lờ trên mặt nước hồ Ba Bể đục ngầu và trơ cạn.

Ban giám khảo đánh giá cao bức tranh về mặt ý tưởng cảnh báo thảm họa đối với hồ và không ngần ngại trao cho Tuân giải nhất. Kết thúc cuộc thi, tranh được triển lãm ngay tại Hội xuân Ba Bể để bà con thập phương đến dự hội chiêm ngưỡng. Ông Nông Thế Diễn - Phó giám đốc Vườn Quốc gia Ba Bể, khi đó là Trưởng Ban giám khảo đã rất hào hứng khi thấy ý thức giữ gìn hệ sinh thái của thế hệ măng non. Ông Diễn còn tự hào rằng, qua những cuộc thi như thế, ý thức bảo vệ môi trường đã được nhân rộng.

Ngoài sự bồi lấp tự nhiên, vùng hồ Ba Bể còn phải đối mặt với tình trạng di dân tự do, nạn xâm thực hệ sinh thái lõi vườn làm giảm diện tích rừng nguyên sinh. Trước tình trạng đó, tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt dự án 46 tỉ đồng để di chuyển 74 hộ dân trong lõi vườn và 108 hộ trong khu vực cấm của vườn lên khu định cư mới Đồn Đèn. Di dân khỏi vùng rừng đầu nguồn là một cách để ngăn chặn tình trạng phá rừng làm nương rẫy - một tập quán cố hữu của bà con các dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, để bảo vệ hồ, để ngăn chặn tình trạng xâm thực, bồi lấp, sa mạc hóa đang diễn ra từng ngày, từng giờ thì cần phải có một dự án quy mô hơn và cần phải thực hiện ngay. Bởi, nếu cấp trên không sớm quan tâm đầu tư thì công việc này sẽ ngày càng khó khăn và hồ sẽ mất dần vẻ đẹp tự nhiên vốn có.

Mùa mưa năm nay lại đến. Sẽ có thêm lượng bùn cát đổ vào hồ, nhưng chưa biết đến bao giờ dự án cứu hồ Ba Bể mới được khởi động?

Nguyễn Lan Hiển
.
.
.