Hình phạt nào cho những nhà thầu thi công ẩu?

Chủ Nhật, 04/01/2009, 13:49
Chưa có cá nhân, nhà thầu nào của công trình khi công trình xảy ra sự cố chết người bị phạt, rút giấy phép thi công và cũng chưa có ai bị khởi tố hình sự, phải vào tù vì công trình mình gây ra. Một số người dân đặt câu hỏi tại sao công trình thi công ẩu gây chết người nhưng chưa thấy một cơ quan tố tụng nào truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp gây ra chết người này. Phải chăng chế tài chưa đủ mạnh, sức răn đe chỉ mới là bồi thường thiệt hại?
>> Một "xiếc nhí đường phố" gặp nạn

14h ngày 3/1, thi thể của cháu bé 7 tuổi Ngô Hoàng Võ được đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa theo nguyện vọng của gia đình hay nói đúng hơn là gia đình quá nghèo khó để kiếm một miếng đất làm nơi yên nghỉ cho cháu.

Nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt ngây thơ của người anh Ngô Thanh Văn (9 tuổi) cố đưa những cục than rực lửa vào miệng nuốt vội để biểu diễn lần cuối cùng đám bạn bên quan tài của Võ để em được nhìn lần cuối cái nghề mà do quá nghèo nên hai anh em Văn, Võ phải tự học để kiếm tiền mưu sinh mà ai chứng kiến cũng không cầm được nước mắt.

Sự tắc trách của nhà thầu các công trình đã dẫn đến những vụ tai nạn đáng tiếc trong thời gian qua nhưng dường như chưa thấy nhà thầu, thi công nào chịu trách nhiệm hình sự và vụ việc cứ trôi dần vào quên lãng.

"Cố ơi! Giờ còn mình con thôi! Đừng bỏ con về!"

Nhà tang lễ An Bình dường như nhòa đi bởi tiếng khóc than của những đứa trẻ, những người thân của cháu Ngô Hoàng Võ (7 tuổi), một số người trong đám tang kế bên ai cũng phải rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh cậu bé Ngô Thanh Văn trong bộ đồ biểu diễn xiếc gắp từng cục than hồng đưa vào miệng biểu diễn trong hai hàng nước mắt.

Ở một góc nhà tang lễ, cụ Nguyễn Thị Nguyệt hơn 80 tuổi cứ nấc lên từng hồi, chiếc áo bà ba bạc màu, đôi tay gầy guộc liên tục đưa lên chùi nước mắt. Cậu bé Văn cứ đi qua đi lại giữa quan tài và bà cụ, choàng tay qua đôi vai gầy run run của bà, miệng thì thầm: "Em bỏ con đi rồi! Giờ cố còn mình con thôi! Cố đừng về nhà nha ở lại đây với con và em!".

Nước mắt lăn trên đôi má nhăn nheo, bà cố của Văn kể cho chúng tôi mà giọng nói cứ lạc dần: Mẹ chúng đang thụ án tù 6 năm, cha thì mới đi tù về nên từ lúc 1-2 tháng tuổi chúng đã về ở với cố. Đêm nào hai anh em cũng giành nhau ôm cố. Nhà thì nghèo, ông ngoại hai đứa bị cụt chân không đi làm gì được, dì nó thì 4 đứa con thơ nên 8 người chui rúc trong một căn nhà mướn ở quận 7, làm đủ thứ để kiếm miếng ăn qua ngày.

Thằng Văn theo nhóm xiếc đi biểu diễn rồi học được nghề về chỉ lại cho thằng Võ. Học được vài món, Võ cứ nằng nặc đòi đi biểu diễn. Thế là đêm nào hai đứa cũng chuẩn bị đồ nghề đi biểu diễn. Những buổi sáng trở về, những tờ 2.000-10.000đ nhàu nhĩ  sau một đêm thức trắng được giúi vội vào tay cố rồi cả hai vùi đầu vào lòng cố ngủ li bì. "Giờ thằng Võ nó đi rồi! Anh em nó không còn giành nhau ôm cố…".

Chiếc quan tài rời khỏi nhà tang lễ. Nhiều tiếng khóc, tiếng than trách, những câu nói "giá như…" của những người đưa tiễn vang lên: "Giá như anh em chúng đi chung với nhau thì đâu có chuyện, giá như cái hố cống có nắp…".

Bao nhiêu tai nạn thương tâm nữa từ sự tắc trách?

Sau cái chết thương tâm của cháu Ngô Hoàng Võ, chúng tôi đi dọc bờ kè nơi đang thi công gói thầu số 7 (dự án cải tạo môi trường nước Nhiêu Lộc - Thị Nghè), từ cầu Trần Khánh Dư đến chân cầu Kiệu (quận Phú Nhuận) chúng tôi đếm được gần 10 hố cống trên tuyến đường này. Một số nắp cống được che chắn sơ sài bằng tôn cao khoảng 40cm còn lại một số nắp cống cao khoảng 1m không được che chắn.

Tại chân cầu Kiệu, một hố cống rộng hàng chục mét vuông được che kín bằng các tấm đan. Giữa hố cống này, một lỗ cống rộng khoảng 1m2 bị để trống chĩa những thanh sắt tua tủa lên đường. Nước bên dưới hố cống này đục ngầu, sâu hoắm.

Ban chỉ huy công trình nơi gây ra cái chết cho bé Võ sau khi hỏi thăm an ủi đã lo toàn bộ chi phí ma chay cho cháu Võ với số tiền hơn 80 triệu đồng. Phía Công an phường 2, quận Phú Nhuận cũng gấp rút lập hồ sơ để làm rõ vụ việc.

Theo một cán bộ Sở GTVT TP HCM, đầu năm 2006, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 04/2006 về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ.

Theo đó, kể từ ngày nhận bàn giao mặt bằng, hiện trường để thi công thì đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm quản lý, áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn và phải chịu mọi trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn.

Nhà thầu phải có nghĩa vụ bảo đảm an toàn khi thi công nhưng qua vụ việc này, nhà thầu đã không thực hiện nghĩa vụ này, để xảy ra tai nạn thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm. Cụ thể là trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Nhưng từ đầu năm 2008 đến nay, gần 10 vụ tai nạn xảy ra tại các công trình thi công, nhiều chủ thầu, chủ công trình không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình.

Chưa có cá nhân, nhà thầu nào của công trình khi công trình xảy ra sự cố chết người bị phạt, rút giấy phép thi công và cũng chưa có ai bị khởi tố hình sự, phải vào tù vì công trình mình gây ra mà tất cả các sự việc dường như bị chôn vùi vào quên lãng sau một thời gian bị dư luận lên tiếng rầm rộ.

Một số người dân đặt câu hỏi tại sao công trình thi công ẩu gây chết người nhưng chưa thấy một cơ quan tố tụng nào truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp gây ra chết người này. Sau khi xảy ra vụ việc, đơn vị thi công các công trình vẫn tiếp tục thi công như chưa hề xảy ra chuyện gì(?). Phải chăng chế tài chưa đủ mạnh, sức răn đe chỉ mới là bồi thường thiệt hại?

Sẽ còn bao nhiêu trường hợp thương tâm như cháu Võ nữa xảy ra khi "mức án" cuối cùng của các nhà thầu chỉ dừng lại ở việc đền bù thiệt hại. Năm 2009, TP HCM vẫn còn hàng trăm công trình lớn nhỏ sẽ được thực hiện với việc thi công cẩu thả, không đảm bảo an toàn, rào chắn sơ sài thì không biết sẽ còn điều gì xảy ra và bao nhiêu người nữa là nạn nhân? Câu hỏi đó xin được dành cho các nhà quản lý công trình.n

Một số trẻ vẫn vô tư đùa giỡn trong công trình trong khi đó, hàng rào bảo vệ chỉ được gắn sơ sài bằng các dải băng.

Một số vụ tai nạn ở các công trình đang thi công gây chết người

Ngày 25/6/2007, tại hố nước thuộc công trường thi công Đại lộ Đông - Tây đường Trần Văn Kiểu, phường 1, quận 6, em Vương Khải Nghĩa (14 tuổi, ngụ phường 3, quận 8) khi đi tắm với 4 bạn cùng lứa đã bị hụt xuống hố nước rộng khoảng 500m2 chết đuối. Hố nước này không có rào chắn mà chỉ được quây xung quanh bằng các sợi dây.

Ngày 7/6/2008, tại hố nước thuộc công trình thi công lắp đặt tuyến ống cấp nước từ Nhà máy Nước BOO Thủ Đức tại phường Tân Thuận Đông, quận 7, trong lúc trời mưa lớn, 4 cháu  Lê Hoàng Thông (13 tuổi), Lê Thị Châu (12 tuổi), Lê Ngọc Phương (8 tuổi) và Lê Thị Duyên (6 tuổi) rủ nhau đi tắm và bị chết đuối.

Ngày 13/7/2008, cháu Phạm Nguyễn Nguyên Phát, 4 tuổi, chơi đá bóng và lọt xuống hố ga của công trình thoát nước chống ngập trên đường 65, khu phố 5, phường Thảo Điền, quận 2.

Ngày 26/7/2008, em Tiêu Khánh Chương, 14 tuổi, cùng các bạn rủ nhau vào bãi đất trống trong công trình thi công dự án đại lộ Đông - Tây dọc bờ kè đường Ba Đình, phường 9, quận 8. Chương bị rơi xuống hố khi cố lượm trái bóng bị rơi xuống công trình.

Và cũng trong ngày 26/7/2008, hai em Phan Ngọc Hậu (7 tuổi), Nguyễn Văn Tính (11 tuổi) là học sinh lớp 2 và lớp 5 của trường Tiểu học Tân Thạnh Đông cùng 2 người bạn đồng trang lứa đi ra khu vực hồ nước công trình tại ấp 4, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi để tắm. Chẳng may, Hậu ngã xuống nước, Tính liền với tay cứu nhưng bị ngã theo. Khi mọi người cứu lên thì 2 cháu đã chết.

Nghinh Phong (tổng hợp)

M.Đức
.
.
.