Hiệu ứng domino do cúm A/H1N1

Chủ Nhật, 16/08/2009, 09:10
Khẩu trang "cháy", thuốc Tamiflu bị bán với giá cắt cổ, học sinh nghỉ học hàng loạt... đó là chuỗi phản ứng khi xảy ra bệnh cúm A/H1N1. Ngẫm lại, không cứ chỉ riêng cúm A/H1N1, mà mỗi lần có dịch bệnh đều kéo theo hiệu ứng dây chuyền khiến những người trong "tâm bão" cứ quay như chong chóng.

1.Cách đây hơn hai tháng, đọc báo, xem ti vi thấy ở đất nước Mexico có bệnh nhân bị nhiễm cúm A/H1N1 thấy cứ xa xôi làm sao. Cách nhau nửa vòng trái đất, "cái con" cúm A gì đó chắc không thể vào được nước ta đâu, nhiều người vẫn chủ quan nói với nhau như vậy. Nhưng lại khổ một nỗi, khi bệnh cúm mới xuất hiện ở một nước tận châu Mỹ la tinh thì mấy bác nông dân đang làm chủ trang trại lợn lại bị một phen lên bờ, xuống ruộng.

Khi đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng xa xả gọi tên cái bệnh cúm mới phát hiện là cúm lợn. Giá lợn hơi đang 38.000 đ/kg, tụt xuống còn 32.000 đ/kg. Giá thấp, lại còn bị tư thương ép giá, chê ỏng, chê eo, rằng lợn... béo quá. Chị Nguyễn Thị Hà, ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa từng khóc dở, mếu dở trong thời kỳ này vì 30 con lợn đến kỳ xuất chuồng bỗng xuống giá.

Nếu cứ găm trong chuồng đợi tăng giá, mỗi ngày tốn cả tạ thức ăn. Nếu bán sẽ lỗ vốn. Nhưng rồi trước thông tin dồn dập về cúm lợn, chị đành bán tống, bán tháo vì sợ lợn chết hàng loạt như từng xảy ra với gà trong đợt dịch H5N1 thì mất cà chì, lẫn chài. Thế rồi, chỉ ít ngày sau, tổ chức y tế thế giới và y tế trong nước thống nhất gọi tên, bệnh cúm mới xuất hiện này là cúm A/H1N1, con lợn vì thế được giải oan.

Đúng là được vạ thì má sưng, nhiều nông dân đã "ăn đủ" vì hai chữ ... cúm lợn rồi. Đấy, chỉ là cái tên gọi của căn bệnh này thôi mà nhiều người nông dân đã lao đao. Đến khi thiên hạ định thần và gọi tên chính xác của dịch bệnh, hiệu ứng xấu đã xảy ra chứ chưa nói khi nó tung hoành.

2. Bệnh cúm A/H1N1 lại vượt biên giới Mexico, sang Mỹ, châu Âu và cả châu Á. Ở nước ta, ca dương tính với cúm A/H1N1 đầu tiên được phát hiện ngày 31-5. Bệnh nhân đầu tiên là du học sinh vừa trở về từ Mỹ, sau khi trở về nhà 4 ngày, bệnh nhân này mới được phát hiện mắc bệnh vì khi nhập cảnh, không phát hiện triệu chứng bệnh.

Còn hiện nay, 32 tỉnh, thành trên toàn quốc đã phát hiện bệnh nhân mắc cúm A/H1N1. Với số bệnh nhân vượt qua con số 100, việc điều trị cũng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, con người. Trong khi đó, số người đến các cơ sở y tế đầu ngành về bệnh truyền nhiễm để khám cũng tăng chóng mặt.

Chỉ riêng Bệnh viện Nhiệt đới quốc gia, mỗi ngày có 400-500 người đến khám tại đây. Bệnh nhân đông, trong khi đội ngũ y, bác sỹ chỉ có hạn nên phải chờ đợi. Mà chờ đợi lại sinh ra khó chịu cáu bẳn. Hơn nữa, những hiểu biết về căn bệnh này hạn chế nên người bệnh lại hỏi nhiều. Chỉ riêng việc hỏi và trả lời thôi, cả nhân viên y tế lẫn người bệnh cũng đủ mệt.

Rồi người bệnh lại thắc mắc về việc thu viện phí, Chính phủ đã công bố miễn toàn bộ chi phí khám, điều trị cho bệnh nhân mắc cúm A/H1N1. Thế nhưng, những người có dấu hiệu mắc bệnh trước khi khám vẫn phải đóng hơn 200.000đ. Lấy ngay ví dụ là nhóm sinh viên trong tổng số hơn 160 người của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Du lịch TP HCM.

Đoàn này đi du lịch Sapa và có người bị sốt. Cơ quan y tế địa phương bước đầu xác định có người dương tính với cúm A/H1N1 và giữ lại hơn 20 người để theo dõi. Số người còn lại về Hà Nội và tiếp tục phải cách ly. Trong số này, có những người có dấu hiệu mắc bệnh phải đến khám ở bệnh viện. Khi nhận được yêu cầu đóng tiền, có người không đủ để đóng.

Vụ việc sau đó đã được báo chí chất vấn với người có trách nhiệm của ngành Y tế và được giải thích là tạm thu. Kể ra bệnh viện cũng "chắc tay", trong thời buổi dịch bệnh, các khoa phòng đều quá tải vẫn phải tìm cách giữ bệnh nhân theo kiểu cầm đằng cán.

Dịch bệnh khiến khẩu trang y tế đắt hàng, là "cơ hội" để một số nhà thuốc "chém". Nếu trước đây, khẩu trang y tế loại dùng một lần chẳng mấy ai tìm mua, thì nay tới tấp đến các hiệu thuốc để hỏi. Mà nào chỉ mua một chiếc, mua cả lố cho cả nhà dùng dần.

Còn loại khẩu trang được quảng cáo có 3 lớp, trong đó có một lớp than hoạt tính, ngày thường chỉ 25.000đ/cái, nay nhảy lên 32.000đ. Ghé hiệu thuốc mua hai cái trước khi đưa con đi bệnh viện để khám họng, cô nhân viên nói như khoe: "Chỉ còn mỗi nhà em có khẩu trang". "Ừ! Vì biết mình nhà em còn nên vào mua", tôi đáp lời trong khi rút hầu bao.

Thế nhưng, khi đến bệnh viện tôi rất ngạc nhiên, bệnh nhân không đeo khẩu trang đã đành, nhân viên y tế thì hiếm hoi lắm mới thấy có người tuân thủ. Ở cái nơi được coi là phải tuân thủ yêu cầu phòng dịch như bệnh viện mà còn lơ là kiểu này, trách sao được mấy bà, mấy chị ở các chợ cóc chẳng chịu "đầu tư" khẩu trang y tế để phòng dịch.

Thuốc Tamiflu, loại thuốc được xem là thần dược để trị bệnh cúm A/H1N1 hiện nay đã được ngành Y tế khuyến cáo, người dân không được tự ý mua và dùng thuốc. Hơn nữa, chỉ có các cơ sở y tế mới được phép kê đơn, cấp loại thuốc này. Nhưng mà dân mình hay lo xa, lùng mua bằng được để dự trữ.

Thế nên, mấy hiệu thuốc tư nhân mới có cơ hội hốt bạc. Giá loại thuốc này theo quy định của Nhà nước chưa đến 500.000đ hộp 10 viên, vậy mà người ta bán tới hơn 1.000.000đ. Người mua xót của đã đành, trách là trách người bán thuốc. Đã làm cái nghề liên quan đến sinh mạng con người mà lại tham. Mà sao quy định ngặt nghèo như vậy mà thuốc Tamiflu vẫn tung ra bên ngoài nhỉ?

Còn các chủ hãng dược, cũng nhân cơ hội này cứ bám lấy bản quyền, không cho các nước đang có nhu cầu sử dụng loại thuốc này sản xuất. Nếu chỉ nhìn ở góc độ, "trồng cây đến ngày hái quả" thì có thể thông cảm cho họ. Nhưng ở khía cạnh y đức, sao cứ thấy mấy hãng dược vô cảm thế nào ấy.

Lúc này, cơ quan chuyên trách vấn đề sức khỏe toàn cầu, cơ quan thương mại của thế giới cần nhanh chóng ra tay giúp người mắc bệnh được sử dụng thuốc. Thế đấy, chỉ cái con virus gây bệnh cúm thôi mà từ nhà ra ngõ và ra cả thế giới, cứ loạn cả lên vì nó. Ngày nào có vaccin phòng bệnh, "cái con này" hết làm loạn cho coi.

3. Trong những ngày này, cứ sốt là nghĩ ngay đến cúm A/H1N1. Chỉ nghĩ đến thôi đã sởn da gà, nào là bản thân sẽ bị cách ly, người nhà cũng không được giao du trong cộng đồng... Thời buổi giao lưu toàn cầu mà phải cách ly quả là đáng sợ. Ngành Y tế đã khuyến cáo, khi thấy triệu chứng sốt, sổ mũi, viêm họng... cần đến các cơ sở y tế để khám ngay.

Khổ nỗi, triệu chứng của cúm A/H1N1 cũng chẳng khác gì cúm thông thường nên người bệnh không thể tự nhận biết mình đang rơi vào tình trạng gì cả. Nếu đi khám ở bệnh viện lại lo bị nhiễm. Còn không đi khám thì nơm nớp lo mắc bệnh mà không điều trị, chết người dễ như chơi.

Thế nên mới phải đắn đo, suy đoán rồi mới quyết định có nên đi khám hay không. Chưa có lúc nào, lại cần người bệnh thông minh như lúc này. Khi đó, bản thân họ sẽ nhận biết mình có mắc bệnh hay không. Như vậy, sẽ giúp các cơ sở y tế giảm tải, ngành Y tế vì thế cũng nhẹ đầu.

Làm thế nào để trở thành người bệnh thông minh đây? Trước hết, phải tăng cường bồi bổ để tăng sức đề kháng cho cơ thể, tránh nhiễm bệnh. Không đến những nơi tập trung đông người, đặc biệt hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh. Người lớn cũng như trẻ con, đặc biệt phải nhớ 1 trong 5 điều Bác Hồ dạy "giữ gìn vệ sinh sạch sẽ".

Chỉ là những việc đơn giản, nhưng không phải ai cũng thực hiện đầy đủ. Ví dụ như việc rửa tay bằng xà phòng, theo khuyến cáo của cơ quan y tế, phải rửa tay đúng quy trình trong vòng 20 giây. Trẻ lên 3 đã được cô giáo dạy bài hát với những ca từ dễ thuộc: "Vặn vòi nước. Rửa rửa tay. Rửa lòng bàn tay. Rửa cánh tay. Rửa móng tay. Xoay xoay xoay...". Chỉ ngần ấy từ thôi cũng diễn tả đầy đủ các thao tác khi rửa tay đúng quy trình. Có lẽ, cần phải phổ biến bài hát này rộng khắp chứ không chỉ riêng với trẻ mầm non.

Nếu nhà sản xuất nào đó "vớ" được bài bát này để quảng cáo cho sản phẩm chất tẩy rửa của mình trong lúc này, doanh thu chắc sẽ tăng vọt. Ở nước ngoài, người ta khuyên nhau nên rửa tay trong khoảng thời gian hát bài Chúc mừng sinh nhật (Happy birthday) 2 lần. Học theo cách này cũng hay, mỗi lần rửa tay lại háo hức như đứa trẻ sắp được ăn bánh ga tô.

4. Trên đây chỉ là vài nét sơ qua về diễn tiến kéo theo dịch bệnh cúm A/H1N1 và những diễn biến tâm trạng của người viết khi sống trong thời kỳ này. Để kể hết những phản ứng dây chuyền xảy ra trong đời sống xã hội kể từ khi xuất hiện bệnh cúm A/H1N1 thì không thể, bởi nó rất đa dạng. Hy vọng, với nỗ lực của từng cá nhân, của ngành Y tế, bệnh dịch sẽ nhanh chóng chấm dứt để việc học tập của con em không bị gián đoạn. Cuộc sống sẽ lại êm ả như nó vốn thế

Vĩnh Nghi
.
.
.