Hiến xác sau khi chết là việc làm nhân đạo

Thứ Ba, 22/02/2005, 07:12

“Một người biết rõ mình sắp chết, không thể cứu chữa được mà tự nguyện hiến xác hay hiến bộ phận cơ thể là hành động mang tính nhân đạo cao cả. Với việc hiến bộ phận cơ thể, họ có thể cứu sống được nhiều người khác”, GS - TSKH Lê Thế Trung, một trong những Giáo sư đầu ngành về lĩnh vực ghép mô, tạng cơ thể người, tâm sự.

- Thưa Giáo sư, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trưng cầu ý kiến nhân dân bổ sung chế định rất mới trong quyền nhân thân: quyền hiến bộ phận cơ thể hoặc hiến xác sau khi chết; quyền nhận bộ phận cơ thể người. Thực tiễn ở nước ta, việc hiến và ghép các bộ phận cơ thể người đã được tiến hành ra sao?

- Từ trước tới nay, việc ghép mô, tạng là căn cứ vào Luật Bảo vệ sức khỏe. Năm 1992, chúng ta bắt đầu thực hiện ca ghép thận đầu tiên, và phải mất 12 năm sau, y học Việt Nam mới thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên (năm 2004). Trong khi đó, thế giới đã thực hiện việc ghép gan, thận, tim… từ lâu.

Đối với nước ta, việc ghép mô, tạng để duy trì, đảm bảo sự sống là nhu cầu cấp thiết của nhiều người. Thế nhưng, sau 14 năm, chúng ta mới chỉ thực hiện được trên 150 ca ghép thận, 1 ca ghép gan. Do điều kiện trong nước như vậy nên đã có nhiều người ra nước ngoài để ghép gan, thận và chi phí rất tốn kém. Nếu đi sang Trung Quốc để ghép thận, gia đình bệnh nhân phải bỏ ra 300 - 400 triệu đồng/ ca, trong khi ở Việt Nam, nếu thực hiện thành công chỉ mất khoảng 30 triệu đồng. Bởi vậy, Bộ luật Dân sự đưa chế định này bổ sung vào quyền nhân thân là vấn đề rất cần thiết.

- Phong tục của người Việt Nam cũng như nhiều nước Á Đông vẫn quan niệm, khi chết thi thể cần được bảo vệ vẹn toàn. Vậy, việc hiến bộ phận cơ thể hoặc hiến xác sau khi chết cần được xem xét như thế nào để đảm bảo sự hài hòa về phong tục, tập quán và cần quy định thế nào để tránh việc bị lạm dụng vì mục đích thương mại?

- Cần phải nhận thức ở phạm vi cao hơn, rộng hơn, đó là tính nhân văn, nhân đạo. Một người biết rõ mình sắp chết, không thể cứu chữa được mà tự nguyện hiến xác hay hiến bộ phận cơ thể là hành động mang tính nhân đạo cao cả. Với việc hiến bộ phận cơ thể, họ có thể cứu sống được nhiều người khác. Vấn đề gì thể hiện sự tiến lên của xã hội thì cần thiết phải thực hiện, khi mới áp dụng, người dân chưa nắm rõ, đòi hỏi phải giải thích ý nghĩa, tầm quan trọng của nó. Và đây là vấn đề tự nguyện, hoàn toàn không có tính bắt buộc.

Tôi xin kể một trường hợp ở nước ngoài: Một bà có con bị chấn thương sọ não không thể cứu chữa được, bà đồng ý hiến quả tim của con mình cho một cháu khác đang bị bệnh tim nặng, sẽ không qua khỏi nếu không được ghép tim. Đến khi cháu bé đó đã ghép tim thành công, bà đến thăm và nói: "Đây cũng là con tôi, trái tim con tôi đang còn sống"… Vậy, nếu là hiến tim, thì trái tim được ghép vào người khác cũng có thể coi như chính người đã hiến tim được cứu sống. Chúng tôi công tác trong nghề y, thấu hiểu ý nghĩa nhân đạo của vấn đề này.

Tôi cũng nhận được đơn của một số người nói rằng, họ sẵn sàng bán một phần thận, phần gan để có tiền giúp giải quyết việc gia đình. Tôi trả lời rõ là không có chuyện mua bán như vậy. Cho nên phải tôn trọng và đảm bảo tính nhân đạo của vấn đề này. Hiến bộ phận cơ thể hay hiến xác sau khi chết tuyệt đối không được thực hiện vì mục đích thương mại. Nếu thương mại hóa là mất tính nhân văn, nhân đạo, đồng thời sẽ dẫn đến sự lợi dụng trong vấn đề này. Bởi vậy, dự thảo Bộ luật đã ghi rõ vấn đề này.

- Khi nghiêm cấm thương mại hoá thì một người tự nguyện hiến bộ phận cơ thể hoặc hiến xác sau khi chết sẽ có quyền lợi gì?

- Thân nhân người đó sẽ được hưởng những ưu đãi nhất định. Chẳng hạn việc hiến xác, hiến mô, tạng: Nếu hiến mô, tạng khi còn sống như tự nguyện cho da, cho thận, cho gan… thì người đó sẽ được Nhà nước cấp thẻ chữa bệnh miễn phí suốt đời. Còn hiến xác sau khi chết thì thân nhân người đó cũng sẽ có những ưu đãi trong khám, chữa bệnh

Đăng Trường - Mai Phương
.
.
.