Hiện thực hóa giấc mơ an cư của công nhân

Thứ Tư, 31/10/2018, 07:58
Sau khi Hà Nam, Quảng Nam, Tiền Giang triển khai các thiết chế công đoàn, hàng loạt các thiết chế công đoàn khác tại các tỉnh như: Hà Nội, Nghệ An, Quảng Trị, Bắc Ninh… chuẩn bị được triển khai thực sự là “cơ hội vàng” cho công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN,KCX) được hiện thực hóa giấc mơ an cư, ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất. Mỗi căn hộ có mức giá từ 150 triệu đồng, được vay vốn ưu đãi sẽ giúp công nhân giải tỏa nhu cầu bức thiết về nhà ở.


An cư sẽ cải thiện được năng suất lao động

Vợ chồng anh Hà Duy (hiện là công nhân KCN Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) từ Thanh Hoá ra Hà Nội làm công nhân đã được gần 12 năm, mỗi tháng gia đình anh Duy phải trả tiền thuê nhà và các khoản phí là 3,5 triệu đồng.

Khi biết được thông tin Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đang triển khai xây dựng các thiết chế tại các KCN-KCX nhằm phục vụ lợi ích của đoàn viên, người lao động , anh Duy vui mừng cho biết: “Việc Tổng LĐLĐVN xây dựng thiết chế cho đoàn viên, người lao động là điều rất cần thiết. Bởi trong các thiết chế có nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, nhà thuốc, khu vui chơi, qua đó tạo được chỗ ở, nơi sinh hoạt ổn định cho đoàn viên. Khi an cư, chúng tôi sẽ có điều kiện học tập nâng cao trình độ tay nghề và nâng cao được năng suất lao động”.

Hàng trăm nghìn công nhân hiện đang phải sống chật vật trong các khu nhà tro.

Chị Nguyễn Thị Linh (quê Thái Nguyên) đang làm việc tại KCN Sài Đồng cũng chia sẻ: “Tôi làm cho một công ty nước ngoài tại KCN Sài Đồng, lương tháng được 6 triệu/tháng chưa tính tăng ca, chồng tôi làm cho một công ty ở ngoài, thu nhập được hơn chục triệu/tháng.

Tính ra hai vợ chồng thu nhập được gần hai chục triệu/tháng. Vợ chồng tôi đang thuê một phòng trọ tại khu vực Thạch Bàn (quận Long Biên) với giá 700.000 đồng/tháng, cuộc sống cũng tương đối ổn định và có chút dư dả. Nhưng vì hai vợ chồng xác định rời quê xuống Hà Nội mưu sinh nên cũng đã đặt mục tiêu cố gắng mua được một căn hộ vì chỉ có an cư mới lạc nghiệp”.

Mong muốn của anh Hà Duy, chị Nguyễn Thị Linh cũng là mong muốn của hàng trăm nghìn công nhân đang làm việc tại các KCN, KCX. Họ đang cố gắng làm và tiết kiệm để đạt được mục tiêu đặt ra trong thời gian sớm nhất.

Đồng thời, hầu hết công nhân đều mong nhà nước và các doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ để họ, những người có thu nhập thấp có được một chốn an cư để ổn định cuộc sống và yên tâm lao động sản xuất.

Theo Tổng LĐLĐVN (đơn vị chủ trì triển khai các thiết chế công đoàn), hiện cả nước có 334 KCN, KCX với hơn 2,7 triệu lao động, trong đó có hơn 1,2 triệu người đang có nhu cầu bức thiết về nhà ở. Hiện tại, 50 thiết chế công đoàn đang được triển khai ở 50 địa phương, và đang được cố gắng để hoàn thành đúng tiến độ.

Luôn quan tâm đến nhà ở cho công nhân   

Hà Nội là một trong những địa phương tập trung rất đông công nhân, người lao động làm việc trong các KCN, KCX. Đa số công nhân đang phải thuê nhà trọ, trong điều kiện cuộc sống khó khăn. Chia sẻ tại chương trình gặp gỡ, thảo luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên của Chính phủ với các đại biểu tham dự Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động, người có thu nhập thấp luôn là một trong những ưu tiên của thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, cuối năm 2019, Hà Nội sẽ phối hợp với Tổng LĐLĐVN xây dựng nhà thiết chế đầu tiên tại huyện Quốc Oai cho công nhân Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ tính toán dành quỹ đất 20% trong các khu đô thị phối hợp với Tổng LĐLĐVN xây dựng và thiết kế nhà ở cho công nhân theo tiêu chuẩn Tổng LĐLĐVN đưa ra và theo kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt.

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Khải, Trưởng ban Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) chia sẻ, xây dựng các thiết chế công đoàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chỉ tiêu quan trọng tổ chức công đoàn phải hoàn thành trong nhiệm kỳ 2018- 2023.

Theo đó phải đầu tư xây dựng tối thiểu 50.000 căn hộ giá rẻ tại 50 thiết chế của tổ chức công đoàn tại các KCN, KCX. Các địa phương có trách nhiệm bố trí quỹ đất sạch từ 3ha đến 5ha, bố trí nguồn vốn để giải phóng mặt bằng và san nền khu đất đến cốt quy hoạch, đồng thời đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào dự án.

Tổng LĐLĐVN có trách nhiệm bằng nguồn vốn tích lũy của tổ chức công đoàn và các nguồn vốn khác sẽ đầu tư từ 300 tỷ đến 500 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục công trình nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao tại mỗi dự án thiết chế công đoàn tại địa phương. Mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành đưa vào sử dụng 50 thiết chế, đến năm 2030, phấn đấu tất cả các KCN, KCX trên cả nước đều có thiết chế công đoàn.

“Hiện đã có 20 tỉnh đã cấp đất, các địa phương này cũng đang tiến hành giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng sạch để triển khai. 30 tỉnh còn lại, Tổng LĐLĐVN đang cố gắng làm việc để được nhận bàn giao đất trong thời gian sớm nhất.

Dự kiến đến 2023 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 50 thiết chế công đoàn này. Trong mỗi thiết chế sẽ có 1.000 căn hộ, khu vực vui chơi, trường học, và hệ thống siêu thị để phục vụ công nhân. Chúng tôi sẽ làm việc với các địa phương để xây dựng mức giá bán vào khoảng 150 - 200 triệu đồng/căn hộ/30 - 40m².

Đồng thời, chúng tôi đã nỗ lực đàm phán và đã được 4 ngân hàng thương mại lớn đồng ý về mặt chủ trương là khi triển khai bán nhà, các ngân hàng này sẽ hỗ trợ bằng cách cho công nhân vay vốn ưu đãi với lãi suất ổn định từ 7 - 7,8%/năm. Thời gian vay kéo dài khoảng 15 năm. Như thế, mỗi tháng người lao động sẽ chỉ phải trả từ 1,5 đến 2 triệu đồng cả gốc lẫn lãi cho căn nhà của mình”, ông Khải cho biết.

Phan Hoạt
.
.
.