Hiến đất lúa cho... cò đậu

Thứ Tư, 21/04/2010, 14:38
Cũng hiếm thấy ở nơi đâu, người dân yêu mến và bảo vệ đàn cò như ở làng Đông Xuyên (xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, Bắc Ninh). Họ tình nguyện hiến gần 4.000m2 đất lúa để trồng tre cho cò đậu. Bây giờ, diện tích vườn cò, kể cả phần mặt nước đã lên tới 31.000m2. Khắp nơi trong làng, đều có thể dễ dàng gặp khẩu hiệu "Bảo vệ đàn chim là trách nhiệm của mọi người".

Hiếm có nơi nào, hoàng hôn buông xuống lại mang vẻ đẹp vừa mênh mang ánh nước màu hổ phách, vừa dịu dàng của rặng tre mềm mại ôm trùm một vùng đầm rộng lớn như ở làng quê bé nhỏ Đông Xuyên (xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, Bắc Ninh).

Nhưng vẻ đẹp ấy sẽ thật chống chếnh nếu không có những âm thanh rộn rã gọi nhau về tổ của hàng vạn cánh cò mỗi khi nắng tắt. Vẻ đẹp ấy cũng sẽ vô hồn nếu thiếu đi những cánh cò chao nghiêng rợp kín một vùng trời. Thứ quà tặng vô giá ấy của thiên nhiên đã đưa vườn cò Đông Xuyên trở thành một trong vườn cò đẹp nhất ở miền Bắc.

Tiếp chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Đông Tiến, ông Nguyễn Đức Toàn say sưa trong câu chuyện ngỡ như huyền thoại về lịch sử của vườn cò Đông Xuyên. Theo lời kể của các bô lão trong làng, trước năm 1945, nơi đây đã có một vườn cò mà chỉ cần gõ lách cách mái chèo vào mạn thuyền, cò, vạc bay lên tối sầm cả bầu trời.

Buổi chiều trên vườn cò.

Đất lành chim đậu, đất dữ chim lại bỏ đi. Khi thực dân Pháp tái chiếm nước ta, Đông Tiến trở thành một vành đai trắng. Không riêng gì vựa cò, nhà cửa, con người phiêu tán. Chiến tranh qua đi vài chục năm, cuộc sống nơi đây yên bình trở lại. Nhưng không hiểu sao, chỉ đến năm 1994, khi dân làng chung tay xây dựng lại ngôi đình trên nền móng cũ, đàn chim bắt đầu trở về tụ họp.

Từ khi những rặng tre quanh đình bắt đầu xanh tốt, đàn cò, vạc kéo về ngày càng đông. Chiều tối, chúng đi kiếm ăn về, sà xuống trắng những búi tre quanh làng. Người dân trong thôn coi đó là điềm lành trời ban, hô hào nhau trồng thêm những dãy tre dày đặc, tạo chỗ cho đàn chim trú ngụ.

Ngắm từng đàn cò ríu ran về tổ mới thấy thấm thía câu thành ngữ "đất lành chim đậu". Có lẽ, đàn cò tìm thấy ở nơi đây không chỉ là chốn nương thân an toàn khi khắp nơi đều chờ chúng bằng lưới vây, đạn chì, chông dính nhựa… mà hơn cả, như một lẽ tự nhiên, chúng và thiên nhiên hòa hợp với nhau kỳ lạ như một quần thể không thể tách rời.

Ông Toàn tự hào, người dân thôn Đông Xuyên rất có ý thức bảo vệ đàn cò. Từ người già, thanh niên đến trẻ con trong khu vực có đàn cò sinh sống đều coi đàn cò là báu vật của thiên nhiên ban tặng riêng cho vùng đất này. "Cò càng về nhiều làng xã càng trù phú. Người dân trong thôn tuyệt nhiên không bao giờ giết hại một con cò, con vạc nào. UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã coi vườn cò là một tài sản quý của tỉnh và đã đầu tư cho xã 160 triệu đồng để kè ao, trồng tre làm chỗ cho cò, vạc đỗ chân, xây tổ. Có chỗ cư ngụ, đến cuối năm 2008, lượng cò, vạc ở vườn Đông Xuyên lên tới khoảng 3 vạn con, trong đó khoảng 2 vạn con cò", ông Toàn cho biết.

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn cò, anh Trần Ngọc Nghinh, cán bộ môi trường của xã dùng thuyền tôn len lỏi trong hồ, nơi có những hào tre dày đặc. Đã đi nhiều nơi, tham quan nhiều vườn cò nhưng chưa ở đâu, chúng tôi thấy cò, vạc lại tụ họp nhiều như nơi đây.

Cũng hiếm thấy ở nơi đâu, người dân yêu mến và bảo vệ đàn cò như ở đây. Họ tình nguyện hiến gần 4.000m2 đất lúa để trồng tre cho cò đậu. Bây giờ, diện tích vườn cò, kể cả phần mặt nước đã lên tới 31.000m2. Khắp nơi trong làng, đều có thể dễ dàng gặp khẩu hiệu "Bảo vệ đàn chim là trách nhiệm của mọi người". Trân trọng giá trị thiên nhiên ban tặng và chung tay giữ gìn bảo vệ đàn cò, nhân tuần lễ mít tinh Quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6), người dân Đông Xuyên vinh dự được Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng giải thưởng Môi trường năm 2009, ghi nhận những đóng góp xuất sắc của thôn trong công tác bảo vệ môi trường.

Mơ ước đưa vườn cò trở thành một địa điểm sinh hoạt tinh thần cho du khách gần xa của người dân thôn Đông Xuyên đang có nguy cơ mãi mãi chỉ là ước mơ khi thời gian gần đây, nạn săn bán trộm cò ngày càng đáng báo động. Hầu hết đều là các đối tượng ở xa và ở các xã lân cận. Một con cò đã vặt lông đem bán thịt có giá 70.000 - 80.000 đồng. Chính vì lợi nhuận khá cao nên các đối tượng này dùng mọi thủ đoạn để bẫy cò bán. Đầu tư cả tủ đông lạnh công nghiệp để chứa thịt cò. Thậm chí, họ còn vào tận miền Trung mua những con cò mồi đã bị khâu mù mắt với giá 3 - 4 triệu đồng/con rồi làm hợp đồng thuê ruộng cả năm (những khoảnh ruộng thuộc địa phận các xã lân cận). Những mẫu ruộng này không dùng để trồng lúa mà được cày thành luống, rắc vôi trắng xóa.

Lợi dụng đặc điểm vạc hay đi kiếm ăn ban đêm, các đối tượng này buộc con chim mồi giữa ruộng, xung quanh cắm chi chit chông có tẩm nhựa dính. Thấy tiếng vạc trên cao, chim mồi kêu, đàn vạc thấy tiếng đồng loại, thêm ruộng trắng vôi, chúng lầm tưởng là thức ăn và lao xuống. Mỗi đêm bẫy công phu như vậy, hàng trăm con vạc đã bị sát hại. Lượng cò, vạc bị bẫy tuồn vào các nhà hàng, quán đặc sản ở Bắc Ninh và cả Hà Nội.

Theo anh Nghinh, chỉ riêng năm 2009, hơn 1 vạn cò, vạc đã bị bẫy. Nghĩa là đã có 1/3 số lượng đàn cò đã bị săn bắt trộm. "Cứ mỗi con cò, vạc trưởng thành chết sẽ có từ 4 - 5 con cò, vạc nhỏ chết theo vì không có mẹ tha mồi về tổ. Có thời điểm, chúng tôi đã tưởng mất cả vườn cò, vạc này rồi. Bọn xấu chỉ thích bẫy vạc, vì vạc bán được giá hơn cò. Đặc biệt là vạc còn sống", anh Nghinh cho biết.

Kiên quyết bảo vệ vườn cò, không để cò bị tuyệt diệt, những tháng đầu năm 2010, UBND xã Đông Tiến đã mở nhiều đợt cao điểm tuyên truyền đến từng người dân trong thôn, xã cùng nhau bảo vệ vườn cò. Mở những đợt tuần tra, kiểm tra và đã xử lý 3 vụ săn bắn trộm, thu 3 khẩu súng săn...

Ngắm những đàn cò chao lượn trên bầu trời trước khi về tổ, Chủ tịch xã Nguyễn Đức Toàn trầm ngâm cho biết, ước mơ của người dân Đông Xuyên là đưa vườn cò trở thành một địa danh sinh thái vừa đẹp, vừa là biểu tượng của phong trào bảo vệ môi trường. Nhưng dường như, ước mơ ấy vẫn còn rất xa vời. Chúng tôi được biết, nhiều năm trước đây, UBND tỉnh Bắc Ninh, UBND huyện Yên Phong cũng đã có quy hoạch phát triển vườn cò thành khu du lịch sinh thái. Nhưng đến thời điểm này, việc đầu tư vẫn chỉ nhỏ giọt...

Ngọc Yến
.
.
.