Hiền Lương - nỗi khát vọng cháy bỏng Bắc - Nam một nhà

Thứ Năm, 30/04/2015, 10:10
Những ngày tháng Tư lịch sử, cả nước đang hân hoan chuẩn bị Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, giang sơn thu về một mối. Trở lại đất thép Vĩnh Linh năm xưa, đi trên cây cầu Hiền Lương bắc qua dòng sông Bến Hải, ta như đang được sống lại trong niềm vui lớn của dân tộc với khúc khải hoàn ca. Cây cầu, dòng sông và mảnh đất anh hùng này đang hòa chung nhịp đập của sự phát triển, của đất nước đang đi lên từng ngày...

Cầu Hiền Lương- sông Bến Hải được cả thế giới biết đến từ sau ngày ký kết Hiệp định Genève (20/7/1954). Con người với cây cầu, dòng sông và mảnh đất hiền hòa bỗng chốc trở thành nơi bị chia cắt, đau thương.

Những nhà nghiên cứu lịch sử cho biết rằng, hơn 20 năm của cuộc chiến tranh ở Việt Nam, mỗi con người trên đất Vĩnh Linh đã phải gánh hơn 1 tấn bom đạn rải xuống mỗi ngày. Nhưng bom đạn đã không thắng được tinh thần chiến đấu, sự can trường chịu đựng của những con người không chịu khuất phục giặc ngoại xâm, “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.

Dưới bao mưa bom bão đạn, từng lớp người vẫn xông pha, giữ cờ Tổ quốc luôn được tung bay trên đỉnh cột cờ sừng sững, cao ngất nơi đầu cầu Hiền Lương.

Trở lại Vĩnh Linh tròn 40 năm sau ngày đất nước giải phóng, dẫu vẫn còn đó bao dấu tích xưa bom đạn, song cuộc sống nơi đây đã đổi thịt thay da. Chúng tôi lần tìm đến nhà của cựu chiến binh Nguyễn Đức Lãng - một trong số ít người ngày ấy đã trực tiếp may cờ Tổ quốc treo tung bay trên đỉnh cột cờ Hiền Lương giới tuyến. Người lính già niềm nở mời khách vào nhà.

Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông Lãng vẫn còn khá nhanh nhẹn, hoạt bát, trí nhớ minh mẫn. Bên tách trà nóng thơm ngát, hồi ức của người cựu chiến binh trở về những năm tháng không thể nào quên…

Sinh ra ở làng Mộ Đức, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Sau ký kết Hiệp định Genève 4 năm, lúc đó ông Lãng đang tuổi thanh niên sung sức, đầy nhiệt huyết với cách mạng, đã tự tìm đường vào rừng đi theo bộ đội.

Qua một khóa huấn luyện, ông được điều về Phòng Hậu cần Công an vũ trang Đặc khu Vĩnh Linh, được giao nhiệm vụ ra Kho 101 Cục Tham mưu, Bộ Tư lệnh ở Hà Nội, nhận cờ về treo trên cột cờ Hiền Lương.

Ông Nguyễn Đức Lãng.

“Cờ có nhiều cỡ lắm, nhưng tôi nhận về chủ yếu 2 loại, là loại 4,8m x3,2m dùng để treo trên cột cờ Hiền Lương lúc đó tạm làm bằng thân cây dương; loại 4m x 6m sau này dùng để treo trên cột cờ nhưng bằng ống thép”.

Ông bảo, hồi đầu mỗi năm, ông đều đặn đạp xe ra Hà Nội 2 lần để nhận cờ mang về. Song chiến tranh mỗi lúc một ác liệt, Bộ Tư lệnh quyết định cấp tiền cho Công an vũ trang Vĩnh Linh tự mua vải để may cờ.

Thời gian này, ông thuê may cờ tại Hợp tác xã May Nam Hồng, nhưng vì tiền công khá cao, nên về sau ông đã tìm mọi cách để tự may cờ. Khi đã thạo việc, đơn vị mua cấp cho ông một chiếc máy may Liên Xô; ông trở thành quân nhân duy nhất ở Vĩnh Linh đảm trách nhiệm vụ cao cả, may cờ Tổ quốc để treo trên cột cờ Hiền Lương…

Công việc may cờ khá vất vả; vá lành lặn lá cờ bị bom đạn giặc đánh phá còn vất vả hơn nhiều lần, bởi công việc luôn đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì. Trong số những người vá cờ ngày ấy phải kể tới các mẹ, như mẹ Diệm, mẹ Sang, mẹ Viễn…

Hiện các mẹ đều đã khuất núi, song chúng tôi còn nhớ mãi cách đây 8 năm khi tìm về thăm mẹ Sang, nhà ở cạnh bờ Bắc cầu Hiền Lương, nghe mẹ kể về mẹ Diệm vá cờ.

Mẹ Diệm không chỉ khéo về đường kim mũi chỉ mà lúc vá cờ mẹ còn chú trọng chỗ quan trọng nhất trên lá cờ. Theo mẹ đó là ngôi sao vàng năm cánh. Vá lành ngôi sao cũng là vá lành lại cả năm châu, thế giới không còn chiến tranh, con người không còn đối xử với nhau bằng bom đạn và sự hủy diệt tàn khốc khác!

Không ai nhớ nổi những người như mẹ Diệm, mẹ Sang, mẹ Viễn… đã vá bao nhiêu nghìn mét cờ, chỉ biết rằng mỗi khi cờ bị rách thì các mẹ ngồi vá lại, để lá cờ Tổ quốc luôn tung bay ở bờ Bắc sông Bến Hải suốt thời kỳ chiến tranh bom đạn ngút ngàn…

Mẹ Diệm và các mẹ cùng các chiến sĩ Công an vũ trang ở Đồn Hiền Lương vá lành lặn lại những lá cờ do bom đạn Mỹ đánh phá (ảnh tư liệu).

Để chiến đấu với địch trên cả hai mặt trận chính trị và vũ trang, tháng 4/1956, Chính phủ ta cho xây cột cờ lớn và kiên cố bằng thép ống cao 34m, trên đỉnh gắn một ngôi sao bằng đồng đường kính 1,2m với hệ thống 15 bóng đèn loại 500W, lá cờ có kích thước 134,4m2 (9,6m x 14m).

Cột cờ này được bảo vệ vững chắc trong nhiều năm liền, nhưng đến những năm 1967-1968, bom đạn địch đánh phá quá ác liệt làm cho cột cờ bị gãy đổ.

Nhiều chiến sĩ của ta dựng lại cột cờ, cũng như kéo lá cờ rộng lên độ cao hàng chục mét, dưới những làn bom đạn do máy bay B52 của địch liên tục oanh kích, đã anh dũng hy sinh. Số trực tiếp chiến đấu bảo vệ ngọn cờ, may mắn còn sống sót, đến nay cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay…

Chúng tôi lại tìm về ngôi nhà nhỏ xinh xắn giữa vườn cây đầy hoa trái của gia đình ông Phan Văn Suối, ở đường Chế Lan Viên, khu phố 6, phường 1, TP Đông Hà. Ông Suối nguyên là Công an vũ trang giới tuyến ở bờ Bắc cầu Hiền Lương.

Có khách đến nhà, ông hồ hởi lục tìm trong tủ chiếc áo đại cán biên phòng được đính dày huy chương trước ngực và mặc vào một cách trang trọng.

Ông kể lại cho chúng tôi nghe bao kỷ niệm như còn tươi rói về cuộc chiến tranh đã lùi vào quá vãng, về những tháng năm cùng với đồng đội quả cảm bảo vệ ngọn cờ non sông.

“Tầm 5h sáng hàng ngày, tôi cùng với các anh em bắt đầu thực hiện nhiệm vụ treo cờ, thay mới cờ và bảo vệ cột cờ. Tôi còn nhớ rõ lắm, lúc đó cột cờ của ta rất cao, phải 34m đến 35m; lá cờ thì rộng, phải gần 140m2. Công việc treo cờ, thay mới cờ vì thế khá vất vả. Nhiều lúc leo lên chưa tới đỉnh cột, máy bay địch đã kéo tới ken dày, quần thảo như chuồn chuồn trên bầu trời. Không ít chiến sĩ của ta vừa lúc chạm tới được đỉnh cột cờ đã bị máy bay địch bắn trúng”.

Ông chợt ngưng câu chuyện một lúc, đôi mắt mờ ngấn lệ... Ngôi nhà ba gian giản dị giữa bốn bên rặng cây tre xanh tốt, ở sát bờ Nam sông Bến Hải, thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, Gio Linh của vợ chồng cựu chiến binh Trần Ngọc Châu và Trần Thị Dĩnh.

Nhắc lại tên tuổi ông Trần Ngọc Châu, người chiến sĩ Công an vũ trang năm xưa, quả cảm xả thân mình để bảo vệ cột cờ Hiền Lương huyền thoại, những hướng dẫn viên của nhà trưng bày như chị Thái Thị Phương Linh, anh Trần Văn Minh (Phó Ban Quản lý di tích đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải) bỗng thấy xốn xang nơi hai khóe mắt.

“Ông Châu, bà Dĩnh không chỉ điển hình về khát vọng hòa bình, về nhân chứng sống của nỗi đau, sự quả cảm chống trả cái ác trong suốt những tháng năm đất nước bị chia cắt, đau thương...”

Những ngày tháng Tư lịch sử, cả nước đang hân hoan chào mừng Lễ kỷ niệm đất nước tròn 40 năm ngày giải phóng. Về thăm lại Vĩnh Linh, đi trên cây cầu Hiền Lương bắc qua dòng sông Bến Hải lịch sử, chúng tôi như đang được sống trong niềm vui lớn của dân tộc với khúc khải hoàn ca. Cây cầu, dòng sông và mảnh đất lũy thép này đang hòa chung nhịp đập của sự phát triển, của đất nước đang đi lên từng ngày.

Đưa chúng tôi đi thăm lại mảnh đất này, ông Trần Hữu Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh không giấu được niềm vui, vẽ một vòng tay phía trước, khoe: “Ba năm nay, Vĩnh Linh liên tục là địa phương đi đầu trong tỉnh về các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, đánh bắt thủy hải sản xa bờ. Hiện, thu nhập của người dân Vĩnh Linh chỉ đứng sau thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, với bình quân 31 triệu đồng/người/năm”. 

Phan Thanh Bình
.
.
.