Nhiều khu chợ ở Hà Nội trong thời điểm nắng nóng:

Hiểm họa cháy chực chờ

Thứ Tư, 29/05/2013, 22:55
Hà Nội đang vào thời điểm nắng nóng đỉnh điểm. Nắng nóng kéo theo hàng loạt nguy cơ về hỏa hoạn, nhất là tại các khu chợ xập xệ, tự phát đang bị buông lỏng công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) như hiện nay. Liệu các đơn vị chủ quản, cơ quan chức năng có làm ngơ, có để “xảy hậu họa mới lo khắc phục”?

Vi phạm phổ biến

Những ngày này, Hà Nội đang vào thời điểm nắng nóng kéo dài. Nhiệt độ ngoài trời luôn trên 35oC, thậm chí có những lúc đạt ngưỡng 39 – 40oC.

Theo đánh giá của Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Hà Nội, nhiệt độ khắc nghiệt nắng nóng, sự tác động của biến đổi khí hậu trên diện rộng sẽ làm tăng nguy cơ cháy, nổ, sự cố về điện, trong đó không thể không kể đến các khu vực chợ, trung tâm thương mại hoạt động kinh doanh nhộn nhịp trên địa bàn.

Đúng như nhận định của cơ quan chức năng, 11h ngày 27/5, có mặt tại chợ Phùng Khoang, xã Trung Văn (huyện Từ Liêm, Hà Nội), chúng tôi giật mình trước những nguy cơ “bà hỏa” ghé thăm tại đây. Bởi, qua quan sát, chúng tôi nhận thấy, đi kèm với hàng trăm gian hàng với đầy đủ mẫu mã, chủng loại sản phẩm từ thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt, là hình ảnh dây diện được các tiểu thương căng chằng chịt xen lẫn các sản phẩm dễ cháy (đồ vàng mã, sản phẩm nhựa…) bày bán tại đây.

Để có thêm nguồn điện chiếu sáng cho các gian quầy – sạp của mình, nhiều tiểu thương không ngần ngại “chế” đường dẫn điện, khiến không ít điểm, hệ thống dây điện trông như một mớ… “bòng bong”. Khi được hỏi: “Không sợ hỏa hoạn xảy ra sao”, một số tiểu thương trả lời rất chủ quan: “Từ trước đến nay, có cháy bao giờ đâu mà lo (?!)”.

Hình ảnh về đường dây điện như mớ “bòng bong”, hệ thống đèn chiếu sáng, quạt điện được “chế” vô tội vạ cũng xuất hiện tại khu chợ Thanh Xuân (phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân).

Chợ vốn xuống cấp, đi kèm với đó là cảnh đường dây điện “vắt” ngang dọc ngay dưới những tấm bạt nứa, sản phẩm may mặc khiến ai nhìn qua cũng lắc đầu ngắn ngẩn. Chỉ một chút bất cẩn khi sử dụng điện làm phát sinh chập điện, hay nguồn lửa, hỏa hoạn xảy ra là điều khó tránh khỏi, nhất là khi một số tiểu thương thiếu ý thức còn tranh thủ đun nấu ngay tại sạp kinh doanh của mình.

Khảo sát tại một số khu chợ khác trên địa bàn như: chợ “vải” Phùng Khắc Khoan, chợ đầu mối Xuân Đỉnh 2, chợ Nghĩa Tân…, chúng tôi cũng cảm thấy lo ngại trước việc công tác phòng chống cháy nổ còn buông lỏng, “bà hỏa” rình rập trong dịp nắng nóng này.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, tính đến thời điểm hiện tại, số chợ đóng trên địa bàn thành phố là 320 chợ (con số này chưa gồm các khi chợ tự phát, chợ dân sinh mọc trên nhiều tuyến phố, ngõ ngách trong nội thành). Những nguy cơ phát sinh hỏa hoạn đi kèm với nhiều chợ xập xệ trên địa bàn như hiện nay luôn tiềm ẩn. Đây đã và đang là vấn đề đáng bàn không của riêng ai.

Dây điện chằng chịt, xen lẫn hàng hóa - tiềm ẩn nguy cơ chập điện gây hỏa hoạn tại chợ Phùng Khoang. (Ảnh chụp trưa 27/5).

Còn chủ quan, có ngày “bà hỏa” ghé thăm

Hỏa hoạn không chừa một ai, không chừa cơ sở kinh doanh, sản xuất nào, đó là thực tế đã và đang tồn tại trong thời gian qua. Thế nên, công tác PCCC trên địa bàn, trong đó phải kể đến các điểm chợ, trung tâm thương mại cần được chú trọng khi mà thời điểm hiện nay đang vào mùa nắng nóng kéo dài, nguy cơ hỏa hoạn luôn rình rập.

Trao đổi với PV Báo CAND, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng Hướng dẫn phòng cháy, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Hà Nội tỏ ra lo ngại trước nhiều điểm chợ kinh doanh buôn bán trên địa bàn còn chủ quan trong công tác PCCC, coi thường hậu quả khôn lường phát sinh khi có hỏa hoạn xảy ra.

Đại tá Nguyễn Văn Sơn cho hay, công tác đảm bảo an toàn PCCC ở Thủ đô, đặc biệt là tại nhiều khu chợ còn bộc lộ nhiều bất cập, các điều kiện phục vụ cho công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (như: lực lượng, phương tiện, nguồn nước, giao thông, thông tin liên lạc...) chưa đáp ứng yêu cầu; ý thức chấp hành các quy định về PCCC của một bộ phận người dân còn chưa tốt; người đứng đầu chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC, chưa đầu tư đầy đủ về lực lượng, phương tiện cho các hoạt động PCCC tại chỗ. Thế nên, nguy cơ phát sinh “bà hỏa” viếng thăm các khu chợ xập xệ luôn tiềm ẩn trong đợt nắng nóng này.

Cũng theo đánh giá của Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2013 đơn vị đã mở đợt tổng kiểm tra các cơ sở trọng điểm về cháy, nổ với 8 chuyên đề lớn, trong đó có công tác kiểm tra PCCC chợ, trung tâm thương mại.

Kết quả, đã tổ chức kiểm tra nhắc nhở 100% các cơ sở trọng điểm về cháy nổ trên địa bàn; kiểm tra, phúc tra 6.483 lượt đơn vị, cơ sở về công tác PCCC. Qua đó, xử phạt hành chính hơn 1.300 tổ chức, cá nhân vi phạm; với số tiền trên 1,2 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo báo cáo của đơn vị này, vào thời gian trên, trên địa bàn toàn thành phố xảy ra 76 vụ cháy, nổ (75 vụ cháy, 1 vụ nổ), làm 3 người chết; 11 người bị thương; về thiệt hại tài sản ước tính trị giá khoảng trên 16 tỷ đồng. Trong đó, khu vực nội thành xảy ra 47 vụ (tập trung tại các quận: Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Đống Đa, Ba Đình…); thành phần kinh tế tư nhân, công ty, doanh nghiệp chiếm 29 vụ, nhà dân 25 vụ… Mà nguyên nhân gây cháy chủ yếu do chập điện (với 40 vụ).

Thực tế trên cho thấy, thắt chặt công tác PCCC tại các điểm khu chợ, kho tàng hiện nay là vấn đề “nóng” cần sự nhập cuộc của các ngành các cấp. Tránh để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”

Trần Huy
.
.
.