Trung tâm Thương mại trái cây quốc gia (Tiền Giang) liên tục chuyển đổi công năng:

Hết "siêu thị mắm" đến... "trạm dừng chân"

Thứ Năm, 25/03/2010, 09:40
Cách đây hơn 4 năm, người dân trồng cây ăn trái ở miệt vườn sông nước miền Tây phấn khởi đến nức lòng khi hay tin tại ấp Hòa Phú, xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè (Tiền Giang) vừa hình thành, đưa vào hoạt động Trung tâm Thương mại trái cây quốc gia (gọi tắt là chợ trái cây quốc gia).

Vậy là khao khát của chính quyền, nhà khoa học về chuyện nông dân trong vùng ĐBSCL sẽ có điều kiện tiếp cận được phương thức mua bán hiện đại, giảm bớt khâu trung gian đã được doanh nghiệp đầu tư tiền tỷ, biến thành sự thật. Tuy nhiên…

Hạng mục được khai thác đầu tiên là khu nhà hàng và siêu thị bán lẻ trái cây (rộng khoảng 7.000m2)... Hạng mục này khai trương chưa được bao lâu thì dẫn tới thực trạng như nhiều người nhận định, đó là rơi vào cảnh ế ẩm, đìu hiu chẳng khác chợ… chiều.

Mặt tiền của chợ trái cây quốc gia giờ là trạm dừng chân của xe khách Phương Trang.

Và cuối tháng 5/2008, siêu thị bán lẻ trái cây đã trở thành... siêu thị mắm Trí Hải - giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất mắm ruốc nổi tiếng đến từ huyện Long Đất (Bà Rịa - Vũng Tàu). Biển quảng cáo các mặt hàng mắm của doanh nghiệp này choáng hết mặt tiền siêu thị. Đầu tư tốn kém, ai cũng thấy tiếc và thắc mắc tại sao chợ trái cây quốc gia rơi vào tình cảnh ngoài dự kiến như vậy?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cho biết ngay từ khi triển khai dự án này, ông từng góp ý. Theo ông, nguyên tắc thiết lập chợ là nên gần với khách hàng hơn là gần nông dân. Đơn giản là nông dân nếu muốn bán trái cây với giá tốt hơn thì phải chịu khó đem tới chỗ xa; còn ngược lại, khách hàng thì sẽ tới mua chỗ nào gần, thuận tiện.

Dân mua bán trái cây tại Tiền Giang còn lý giải thêm lý do họ không vào chợ (dù trước đó có người đã háo hức đăng ký) là do tập quán kinh doanh nhỏ lẻ đã thành nếp quen. Nhiều điểm thu mua trái cây phát triển lâu đời dọc theo QL1A trải dài từ thị trấn Cái Bè đến các xã Mỹ Đức Tây, Mỹ Đức Đông, Tân Thanh, An Thái Đông, An Thái Trung, An Hữu... bà con thường lấy nhà làm vựa. Sẵn mối quen, mua bán thuận tay nên ai cũng ngại vô chợ sẽ gặp lắm cảnh phiền hà…

Trong một cuộc họp do Sở Công thương chủ trì mới đây với đầy đủ các Sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh và huyện Cái Bè, ông Đào Xuân Đức - Phó Tổng Giám đốc Satra cho biết, với vốn đầu tư khoảng 5 tỷ đồng, doanh nghiệp đang chuẩn bị đưa vào khai thác Trạm dừng chân (của hãng xe chất lượng cao Phương Trang - PV) nhằm giới thiệu sản phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống…

Thực ra, chuyện Satra loay hoay "chuyển đổi công năng" không phải là chuyện mới. Trước khi thành "siêu thị mắm", chợ trái cây quốc gia cũng từng được liên kết để làm trạm dừng chân cho một hãng xe khách nhưng được một thời gian không hiệu quả nên phải dẹp.

Giờ thì "bổn cũ" soạn lại… và đã được địa phương chấp nhận dù đoạn QL1A ngang qua địa bàn huyện Cái Bè cũng đã có quá nhiều trạm dừng chân

Binh Huyền
.
.
.