UBND TP Hà Nội Sơ kết quản lý hè phố, lòng đường, hàng rong:

Hết "cao điểm", vỉa hè lại bị chiếm dụng

Thứ Năm, 05/03/2009, 14:08
Chiều 4/3, UBND TP Hà Nội tiến hành sơ kết 8 tháng thực hiện các Quyết định 20 và 02 của UBND TP về quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường, hoạt động bán hàng rong trên địa bàn. Một thực tế đáng buồn là cứ qua các đợt cao điểm kiểm tra, chấn chỉnh, hè phố, lòng đường lại bị tái chiếm.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh nhận định, sau thời gian "cao điểm", việc tuân thủ lệnh cấm của TP đang có biểu hiện chùng xuống, xuất phát tự sự nới lỏng trực kiểm tra của các lực lượng. Cảnh quan tại nhiều tuyến phố cấm đã không còn thoáng đãng như những ngày mới thực hiện. Hoạt động bán hàng rong tại một số tuyến lại có chiều hướng gia tăng.

Tại các tuyến cấm như Cát Linh, Tây Sơn (Đống Đa); Hàng Gai, Hàng Bông, Lương Văn Can, Hàng Lược (Hoàn Kiếm); Sơn Tây, Phan  Đình Phùng (Ba Đình)… hàng rong đã "tái chiếm" địa bàn mà không thấy lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Như Mai cũng chung quan điểm: "Hàng rong không bớt đi mà tràn về các quận khác để hình thành các chợ cóc, chợ tạm. Đã vậy, chính quyền một số phường lại "gom" lại thành chợ để… thu phí, trong khi Sở đang lên kế hoạch giải tỏa 35 chợ cóc, không thể chấp nhận được…".

Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, đến đầu tháng 3, các lực lượng chức năng của TP và quận, huyện đã huy động tổng số hơn 296.000 lượt người phối hợp kiểm tra xử lý vi phạm theo 2 Quyết định 02-20 của UBND TP.

Qua hơn 8 tháng, các lực lượng chức năng đã xử lý 128.165 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 9 tỷ đồng. Trong đó, kinh doanh buôn bán 308 vụ, phạt tiền trên 61,4 triệu đồng, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để vật liệu xây dựng và đổ rác 4.965 vụ; lấn vỉa hè để xe đạp, xe máy 140 vụ; dừng đỗ ôtô, xe máy sai quy định 12.430 vụ…

Các cơ quan chức năng cũng đã giải tỏa, tháo dỡ hàng nghìn trường hợp vi phạm trật tự đô thị, lều lán, mái che, mái vẩy… Các nhà hàng, ăn uống, bia hơi, giải khát, ôtô, xe máy vẫn đỗ tràn dưới lòng đường. Trong khi đó, sắp xếp các điểm dịch vụ bán báo, cắt tóc, bơm xe, xổ số tại các quận nội thành vẫn chưa có phương án, kế hoạch. Ngay việc sắp xếp xe đạp, xe máy để trên hè ở các tuyến  phố cũng chưa được các phường quan tâm, kiểm tra, nhắc nhở…

Đại diện các sở, ngành cũng  khẳng định, mô hình "khoán quản" ở quận Hoàn Kiếm vẫn chưa đạt yêu cầu, do thiếu phối hợp giữa phường và doanh nghiệp. Tình trạng tái lấn chiếm hè phố, lòng đường vẫn xảy ra. Đặc biệt, dù đã khoán quản, nhưng việc thu phí không đúng quy định, đặc biệt trong dịp lễ, Tết… 

Nhìn nhận những tồn tại của công tác khoán quản, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm lý giải: "Ở một số tuyến phố trong khu phố cổ, kinh doanh lấn chiếm vỉa hè vẫn còn, nhất là đầu giờ sáng, cuối giờ chiều. Hàng rong cũng vẫn còn. Sau Tết, trật tự đô thị ở một số khu vực có lúc còn kém hơn trước khi khoán quản. Chính vì khoán quản là mô hình mới, vừa làm vừa điều chỉnh nên không tránh khỏi thiếu sót…".

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, các bãi trông xe tự phát còn phổ biến. Thậm chí, một vài tổ chức, cá nhân còn tự ý cắm biển P để trông xe trái phép.

Theo Thượng tá Hoàng Thanh Bình, Trưởng phòng CSTT - Công an TP Hà Nội, ý thức tự giác thực hiện của người dân còn kém. "Không có người nhắc là không thực hiện. Trong khi đó, lực lượng chức năng lại quá mỏng. Riêng CSTT, mỗi quận chỉ có vài chục người, trong khi lại phải "tải" thêm nhiều việc khác nên không bổ sung lực lượng tự quản sẽ khó làm…", Thượng tá Hoàng Thanh Bình đề nghị bổ sung thêm một số tuyến phố do các quận đề xuất vào danh mục tuyến phố cấm.

Sau khi nghe báo cáo và đánh giá về việc thực hiện mô hình “khoán quản”, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi cho rằng, phải đánh giá, so sánh với mô hình quản lý của Công ty Khai thác điểm đỗ mới có thể nhìn nhận kỹ điểm được, điểm chưa được. Từ đó, mới tính toán việc có nhân rộng mô hình này ra hay không

Ngọc Yến
.
.
.