Hệ lụy từ dải phân cách mềm

Thứ Tư, 30/03/2011, 13:08
Ngoài 4 làn đường dành cho các xe ôtô và cơ giới đi, về thì việc lắp đặt 2 dải phân cách mềm dành một phần đường cho các loại xe máy, xe thô sơ là hợp lý. Song với sự gia tăng đến chóng mặt của các loại phương tiện, đường 5 đang oằn mình trước sự quá tải của các phương tiện giao thông và TNGT là điều khó tránh khỏi...
>>Quốc lộ 5 và những điều mắt thấy tai nghe

Cách nay ít lâu, Báo CAND đã có bài phản ánh về những bất cập và những tiêu cực diễn ra ở đường 5 khiến cho các vụ ùn tắc và TNGT ngày một gia tăng, kéo theo đó là các công trình giao thông của Nhà nước như xe cộ, thiết bị chỉ dẫn giao thông, dải phân cách… bị thiệt hại nghiêm trọng. Ngỡ tưởng những bất cập ấy đã được giải quyết, nào ngờ tại tuyến đường này nhiều hiện tượng tiêu cực của người và phương tiện tham gia giao thông vẫn hiển hiện, đã vậy nhiều người tham gia giao thông lại phát hiện thêm những bất cập khác cần phải tháo gỡ.

Một trong những bất cập dễ thấy nhất ở tuyến QL5 - con đường huyết mạch nối Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc với các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng nằm ngay ở 2 dải phân cách mềm. Nói là mềm, thực ra là cứng, bởi nó được đúc bởi các cột bê tông cốt thép chôn chặt dưới nền đường và nối với nhau là các tấm tôn cứng ở 2 bên tuyến đường.

Công bằng mà nói, thời gian đầu việc lắp đặt 2 giải phân cách mềm khi đưa toàn bộ tuyến đường này vào hoạt động là hoàn toàn đúng, bởi ai cũng nghĩ, ngoài 4 làn đường dành cho các xe ôtô và cơ giới đi, về thì việc lắp đặt 2 dải phân cách dành một phần đường cho các loại xe máy, xe thô sơ là hợp lý. Song rất tiếc, cùng với thời gian, cùng với sự gia tăng đến chóng mặt của các loại phương tiện, đường 5 đang oằn mình trước sự quá tải của các phương tiện giao thông. Nổi cộm lên là các loại xe siêu trường, siêu trọng; quá khổ, quá cỡ khiến cho đường 5 trở lên quá chật hẹp và TNGT là điều khó tránh khỏi.

Ô tô 30H-56-07 đâm vào dải phân cách đường 5 và làn đường dành cho xe máy bị biến thành nơi chứa vật liệu xây dựng.

Điều bất cập cần phải nêu ra là trong lúc phần đường dành cho các xe cơ giới, xe ôtô các loại ngày càng trở lên chật chội thì phần đường dành cho xe máy, xe thô sơ được phân cắt bởi dải phân cách mềm lại không phát huy tác dụng. Đi trên QL5, người ta vẫn thấy người điều khiển xe máy, xe thô sơ ngày cũng như đêm hầu như không đi vào phần đường dành cho mình mà thường lưu thông cùng với làn đường dành cho xe ôtô, cơ giới nên khiến cho phần đường này vốn chật chội nay lại chật chội hơn.

Trong khi một điều bất cập mà ai cũng thấy, ai cũng cảm thấy đau lòng khi nhận ra rằng, phần đường dành cho xe máy, xe thô sơ được ngăn cắt bởi dải phân cách mềm ở 2 bên đường lại là nơi để người ta tập kết nguyên liệu, nơi đỗ xe, địa điểm họp chợ, bán hàng. Còn cái dải phân cách mềm kia, nhiều đoạn bị cậy phá nham nhở, quăng queo, gây phản cảm và mất mỹ quan cho cả tuyến đường. Đã vậy chính cái dải phân cách mềm này nhiều lúc lại trở thành "thủ phạm" hay nói chính xác hơn là vật cản gây ra các vụ TNGT.

Nhận biết sự bất cập này, đoạn QL5 chạy trên địa phận Hà Nội, từ nhiều năm nay người ta đã cho dỡ bỏ 2 dải phân cách mềm đặt ở 2 bên phần đường, thay vào đó là kẻ vạch sơn phản quang khiến cho đoạn đường trở lên thông thoáng, TNGT cũng vì thế mà giảm đi rõ rệt. Mọi việc tưởng triển khai theo hướng đó, ai ngờ trên toàn tuyến quốc lộ 5, đoạn đi qua địa phận tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng, qua quan sát, chúng tôi thấy đoạn xóa, đoạn không. Không cầm lòng, chúng tôi quyết định tìm gặp các đồng chí có trách nhiệm ở Phòng CSGT, Công an tỉnh Hải Dương để hỏi cho ra lẽ.

Qua trao đổi với Trung tá Phạm Văn Lưu, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát giao thông Ba Hàng, chúng tôi mới vỡ lẽ ra rằng, xung quanh việc dỡ bỏ 2 dải phân cách mềm ở 2 bên đường quốc lộ 5, không đâu xa, ngay ở tỉnh Hải Dương thôi cũng diễn ra khá nhiều cuộc họp với sự tham gia của các ngành chức năng của tỉnh và Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông vận tải).

Tại các cuộc họp ấy, lực lượng CSGT, Công an tỉnh từ thực tiễn công tác đã đưa ra những kiến nghị dỡ bỏ 2 dải phân cách mềm nhằm tạo sự thông thoáng mặt đường và thêm 1 làn xe vừa tạo thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ các công trình, tài sản nhà nước và cuối cùng là hạn chế các vụ tai nạn và ùn tắc giao thông. Các kiến nghị trên đã được chính quyền và các ngành chức năng ở tỉnh Hải Dương ủng hộ.

UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Đường bộ, song rất tiếc đến nay mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ. Hai dải phân cách mềm ở 2 bên của tuyến đường quốc lộ này, đoạn thì xóa, đoạn thì không.

Trung tá Phạm Văn Lưu, dẫn giải thêm, tình trạng này càng kéo dài càng xảy ra các vụ TNGT, bởi lẽ phần đường dành cho ôtô ngày càng chật hẹp do lưu lượng tham gia giao thông tăng chóng mặt, trong khi đó người điều khiển xe máy lại đi vào làn đường này. Khi các phương tiện giao thông (chủ yếu là xe máy) đâm vào dải phân cách sẽ gây ra vụ TNGT liên hoàn. Có nhiều vụ gây ùn tắc giao thông trong một thời gian dài, trong khi đó phần đường dành cho xe máy, xe thô sơ nhiều đoạn lại bỏ không, ít người đi lại. Nghịch lý đó dường như ai cũng biết, song không hiểu vì lý do gì mà bất cập này đến nay vẫn chưa được giải quyết. Câu trả lời này nên chăng Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải cần có lời giải đáp.

Một bất cập nữa cũng diễn ra trên tuyến đường 5 là tình trạng các xe siêu trường, siêu trọng, quá khổ, quá cỡ gây ra các vụ tai nạn kinh hoàng trên tuyến đường này.   Theo Trung tá Phạm Văn Lưu thì nguyên nhân gây tai nạn là do lái xe không làm chủ tốc độ, ý thức chấp hành luật giao thông kém. Một số lái xe khi gây tai nạn khai báo với các cán bộ điều tra của lực lượng Cảnh sát giao thông rằng, do anh ta ngủ gật, không đi đúng làn đường quy định nên đã để xe lao vào các công trình giao thông, hoặc gây ra các vụ TNGT liên hoàn...

Trung tá Phạm Văn Lưu, Trạm trưởng CSGT Ba Hàng, kiến nghị: Do QL5 chạy dài qua 4 tỉnh, thành phố, lưu lượng phương tiện giao thông ngày một tăng, nhất là các vụ tai nạn do các xe siêu trường, siêu trọng xảy ra thì vấn đề đặt ra là phải sớm khắc phục hậu quả, giải tỏa ùn tắc. Muốn vậy ngoài việc trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ các tác nghiệp của CSGT, một vấn đề cấp bách là nên trang bị xe cẩu để kịp thời cẩu các xe bị tai nạn, giải phóng nhanh mặt đường cho các phương tiện lưu thông, sau nữa là phục vụ công tác điều tra và xử lý nghiêm các đối tượng gây ra các vụ TNGT.

Lưu Vinh
.
.
.