Hệ lụy “chạy” chữ cho con vào lớp 1

Thứ Năm, 25/04/2013, 19:46
Mặc dù trong quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trẻ mầm non không được học chữ trước khi vào lớp 1, nhưng thực tế cứ tới mùa tuyển sinh đầu cấp, diễn biến lại đi ngược hoàn toàn. Đó là tình trạng phụ huynh đua nhau cho con “chạy” trước chương trình. Cuộc đua “chạy” chữ này cũng “căng” chẳng kém với cuộc đua “chạy” trường vẫn diễn ra mỗi khi tới mùa tuyển sinh các lớp đầu cấp.
>> Cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 là phản khoa học

“Học phụ” căng hơn cả “học chính”

Tại TP HCM, không ít trẻ sau giờ học lớp mầm non tại trường vào những ngày này thay vì được về nhà nghỉ ngơi vui chơi thì lại bị cha mẹ hối hả đưa tới lớp luyện đọc, luyện viết, học toán.

Điều đáng nói, chuyện bất bình thường như vậy nhưng đa phần các bậc phụ huynh lại coi là rất bình thường và hoàn toàn “tự nguyện”. Nhiều trẻ do lớp mẫu giáo xa nhà nên ngay sau 16h vừa tan lớp, cha mẹ các em phải cho con ăn vội ngoài đường chút gì đó để các bé lấy sức vào lớp luyện chữ. Các “thiên thần” còn đang độ tuổi lớp Mầm, lớp Chồi, lớp Lá đã phải làm quen với áp lực của chuyện học hành.

“Con em giờ mới học là quá muộn. Nhiều người cho con tới lớp học chữ từ hè năm ngoái. Vì ngay từ đầu năm học lớp 1, chương trình chạy tại lớp sẽ rất nhanh. Nếu không cho đi học trước, con mình sẽ không theo kịp”. Chị N.T.K., ngụ tại phường 11, Gò Vấp, TP HCM nói lý do về chuyện cho con học sớm là vậy. Vì vậy, tháng 9 năm học 2013-2014 mới bắt đầu cho con vào lớp 1 nhưng như nhiều phụ huynh có con đang theo học lớp mẫu giáo Ngọc Lan, Gò Vấp, chị K. cũng cho con tới lớp luyện chữ của 1 giáo viên tiểu học đã về hưu mở lớp tại nhà.

Và vợ chồng chị K. dù rất vất vả vì còn phải lo cho 2 cháu gái sau mới sinh đôi nhưng anh chị vẫn cho cậu con trai theo học bền bỉ suốt gần 1 năm nay. Học phí 1 tháng là 350.000đ, lớp học 1 tuần 3 buổi. Sĩ số là 15 bé/lớp. Một buổi 1,5 tiếng. Cách học là cô giáo phát cho trẻ một tập vở, có in sẵn các bài luyện tập từ thấp tới cao. Từ việc cho bé làm quen, tô các nét đầu tiên như nét ngang, nét dọc, nét cong,… dần nâng cao hơn là tới việc tô các chữ cái đầu tiên.

Cho con học quá sớm - coi chừng lợi bất cập hại.

Câu chuyện trên đã được chúng tôi kể lại với một cô giáo Trường Mầm non H.Y. tại Gò Vấp. Cô giáo này thừa nhận và cho biết thêm: “Tại lớp Chồi tôi phụ trách tôi cũng ngạc nhiên vì thấy bé trai tên N. trong lớp đọc được chữ vanh vách, và có vẻ khoái chí vì cho rằng mình “giỏi” hơn các bạn. Hỏi ra mới biết mẹ cậu bé đã cẩn thận cho con học chữ từ hồi cháu 3 tuổi”. Cũng theo cô giáo này, dù trường mầm non đều khuyến cáo không nên cho trẻ học trước lớp 1 nhưng hầu như không phụ huynh nào nghe.

Một phụ huynh khác tại quận Bình Thạnh còn cho biết, chị khá vất vả khi tìm lớp luyện chữ cho con. Phụ huynh này trong 1 năm đã phải cho con thay đổi tới 3 lớp luyện chữ. Lần thứ 1 do khi vào tham quan lớp thấy đông quá, trên 50 bé ngồi chen chúc, sợ con mình không được cô kèm kỹ nên chị phải đi tìm lớp khác.

Lần 2 do con chị không nghe lời cô giáo hướng dẫn, chị phải tìm lớp lần thứ 3 con chị mới “yên vị” trong lớp và chịu nghe cô giáo này kèm cặp, nhưng tất nhiên lớp học sĩ số có 10 em nên học phí gấp đôi lớp thường. Chưa kể khi về nhà kèm con làm bài tập, hầu như các phụ huynh đều phải ngồi bên con suốt buổi tối. Thôi thì phải hứa với con đủ thứ nào đi mua đồ chơi, nào cho đi xe máy, đi mua kem… các cô bé, cậu bé mới yên tâm ngồi “tô chữ”.

Nét chữ - nết người!

Trao đổi về việc này, bà Đỗ Thị Hoa, Phó phòng Giáo dục quận Gò Vấp thừa nhận hiện không thể ngăn cản phụ huynh cho con lứa tuổi mầm non học sớm. Dù theo các chuyên gia đã cảnh báo, học chữ quá sớm lại thiếu phương pháp có thể làm trẻ căng thẳng, thậm chí mất hứng thú với việc học. Học gì cũng phải tạo được lòng say mê ở học sinh. Nhất là độ tuổi lớp 1. Việc cô giáo cầm từng tay đứa trẻ uốn nắn từng nét chữ, viết cho đúng, chỉ cách ngồi học trong tư thế đúng… rất quan trọng vì nếu sai ngay từ những năm đầu đời, sau này rất khó sửa.

Viết chữ là một quá trình hình thành từ sự phát triển tâm sinh lý, việc rèn chữ đúng phương pháp còn là rèn đạo đức, tính kiên nhẫn, hay nói cách khác là rèn nết người, xây dựng cho trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Nếu coi việc rèn chữ là đơn giản, ai dạy cũng được thì rất sai lầm và thiệt thòi cho trẻ.

Theo một cán bộ Phòng Y tế học đường Sở GD&ĐT TP HCM, việc ép con trẻ đi học sớm sai phương pháp còn để lại không ít ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Giáo viên tiểu học ngoài chuyên môn còn phải hiểu tâm lý để hỗ trợ trẻ thích nghi môi trường từ vui chơi sang học tập, giúp trẻ hứng thú với những nét chữ đầu tiên trong cuộc đời. Vì vậy theo quy định rất rõ của Bộ GD%ĐT, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 phải do chính Hiệu trưởng nhà trường chính thức chọn lựa...

Về khía cạnh sức khỏe tâm thần, độ tuổi này chưa phải để học chữ, học toán cấp tập, và đương nhiên trẻ dễ làm sai, tâm lý trẻ sẽ rất nặng nề. Các em dễ bị căng thẳng, chán nản, và hậu quả nữa là khi vào lớp 1 chính thức, chính các giáo viên phụ trách lớp sẽ vất vả hơn nhiều để chỉnh lại cho trẻ…

Huyền Nga
.
.
.