Hãy dành kỳ thi quốc gia cho tuyển sinh đại học, cao đẳng

Thứ Hai, 11/08/2014, 11:18
Để kịp tiến độ công bố phương án chốt vào đầu năm học mới, hiện Bộ GD&ĐT đang tích cực lấy ý kiến về kỳ thi quốc gia qua các kênh trên tinh thần làm sao để kỳ thi sẽ không gây xáo trộn quá lớn, quá khó cho học trò. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, một số chuyên gia giáo dục và giáo sư đầu ngành đã cho rằng, người chịu ảnh hưởng lớn nhất trong câu chuyện này chính là các thí sinh, do đó, dù có hay không có “kỳ thi quốc gia” thì học sinh không thể trở thành “chuột thí nghiệm” của người lớn.

Trong số các ý kiến mà Báo CAND ghi được, khá nhiều ý kiến nghiêng về phương án 1; một số ý kiến đồng thuận phương án 2; đặc biệt có cả những ý kiến không đồng tình với cả ba phương án trên, như ý kiến của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, một nhà khoa học đã miệt mài phản biện nhiều vấn đề giáo dục sâu sắc. Ông đề xuất: Nên xét tuyển tốt nghiệp THPT và dành kỳ thi quốc gia cho tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).

Một kỳ thi quốc gia khó làm tốt hai chức năng

Tôi cho rằng, cả ba phương án do Bộ đề ra đều không hợp lý. Tôi rất tán thành ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là đừng vội khẳng định sẽ dùng một trong ba phương án thi tốt nghiệp THPT mà Bộ đưa ra, cần lắng nghe nhiều ý kiến khác để tránh bắt học sinh làm chuột thí nghiệm cho một phương án chưa phải là tối ưu. Phương án 1 thi theo môn: Thi 8 môn, gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ; thí sinh phải đăng ký 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn.

Thi 4 môn dẫn đến học sinh sẽ học lệch và sẽ hình thành hai loại giáo viên: Giáo viên dạy môn sẽ thi và giáo viên dạy môn không thi, đó là một bi kịch cho cả thầy lẫn trò. Phương án 2: Thi 8 môn học ở lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi. Nghe có vẻ hợp lý nhưng như vậy vẫn quá nặng vì phải ôn đầy đủ tất cả các môn, nặng hơn cả nội dung thi như hiện nay. Phương án 3: Thi 11 môn học ở lớp 12 THPT. Tôi chưa thấy nước nào thi theo kiểu tích hợp 11 môn thành 4 bài thi như thế này. Hơn nữa các môn Ngữ văn, Toán (tương lai cả môn Ngoại ngữ nữa) đều rất quan trọng không thể thi ghép vào các môn khác.

Bất cứ một thay đổi thi cử nào cũng sẽ tác động mạnh tới tâm lí học trò.

Việc coi kỳ thi tốt nghiệp THPT là một kỳ thi quốc gia và các trường ĐH, CĐ có thể lấy kết quả này để xét tuyển sinh viên cho trường mình thì tôi càng không thể đồng tình. Tôi nhất trí cao với hai ý kiến của GS. Đào Trọng Thi và GS. Ngô Bảo Châu. GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: "Nếu kỳ thi phải thực hiện hai chức năng không giống nhau là rất khó, sẽ có một chức năng được làm tốt, chức năng còn lại thì không tốt. Và xã hội đã có ý kiến nên chọn chức năng tuyển sinh chứ không nên chọn chức năng tốt nghiệp. Nhưng kỳ thi này mà chọn chức năng chính là tuyển sinh thì không được, bởi Luật Giáo dục ĐH đã giao cho các trường ĐH tự chủ tuyển sinh rồi".

Còn GS. Ngô Bảo Châu thì đánh giá: "Theo tôi đượcbiết thì từ trước tới nay các kỳ thi THPT ở Việt Nam còn rất nhiều tiêu cực như xem bài nhau, đưa tài liệu vào phòng thi, giáo viên giải hộ đề thi... Do vậy, tâm lý chung của người dân là họ sẽ không tin tưởng vào chất lượng cũng như tính khách quan của kỳ thi này. Trong khi đó, kỳ thi ĐH của Việt Nam hiện vẫn đảm bảo được vấn đề chất lượng và tính nghiêm túc, trung thực trong thi cử. Tôi nghĩ rằng những nhà làm giáo dục nên ngồi lại tính xem có nên tổ chức lại các kỳ thi hay không. Không những vậy, kỳ thi chung này còn “tước quyền” tự chủ trong vấn đề tuyển sinh của các trường ĐH. Nói như vậy không phải là kỳ thi “ba chung” sẽ có tiêu cực, song Bộ sẽ khó kiểm soát khi ôm hết việc tuyển sinh của các trường ĐH. Trong khi đó, kỳ thi ĐH mặc dù thi đề riêng hay đề chung thì các trường vẫn có quyền tự quyết và họ sẽ có trách nhiệm hơn khi đang tuyển sinh cho chính mình, trường nào cũng muốn tuyển cho mình những sinh viên tốt nhất".

Luật Giáo dục ĐH quy định quyền tự chủ của các trường ĐH cho nên nhất thiết không thể dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh ĐH. Mỗi trường có một yêu cầu riêng về tuyển sinh cho nên đấy là công việc của từng trường, Bộ chỉ cần giao chỉ tiêu tuyển sinh và kiểm tra việc thi cử xem có nghiêm túc hay không mà thôi.

Xét tốt nghiệp cần phải có “hậu kiểm” thực chất

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã từng đề nghị ngành giáo dục suy nghĩ, nghiên cứu xem có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không? Tôi nhận thấy ý kiến của Phó Chủ tịch nước là xác đáng, bởi vì hai kỳ thi quá gần nhau, gây nên một sự căng thẳng quá lớn cho học sinh và phụ huynh học sinh. Mặt khác vì mong muốn học tiếp bậc ĐH hoặc CĐ nên phần lớn học sinh chỉ tập trung học mấy môn dự định thi ĐH, CĐ. Đến khi công bố môn thi tốt nghiệp THPT học sinh không thể nào ôn tập kịp.

Từ đó dẫn đến gian lận thi cử. Giáo viên thì thương học sinh, nhất là các học sinh giỏi một số môn sẽ thi ĐH, CĐ cho nên có tâm lý châm chước cho học sinh. Đấy là chưa kể đến "bệnh thành tích" chắc là khó có thể khắc phục được trong một sớm một chiều. Tất nhiên, việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT không có nghĩa là bỏ một cách đơn giản và bỏ bằng tốt nghiệp THPT, một văn bằng đánh dấu một quá trình học tập quan trọng trong đời mỗi người và là cơ sở đánh giá để bước vào đời theo những con đường khác nhau. Đây là vấn đề cần thảo luận để có một lộ trình thích hợp.

Với kỳ thi tốt nghiệp THPT, tôi đề nghị hãy chuyển "thi" thành "xét". Ai nắm vững trình độ học sinh hơn các thầy cô giáo và Hội đồng giáo dục của từng trường THPT? Vậy nên để cho các trường tự xét từng học sinh và đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT từng tỉnh ký bằng tốt nghiệp THPT cho học sinh. Nếu bỏ ngay kỳ thi tốt nghiệp THPT thì tất nhiên học sinh chỉ tập trung học các môn sẽ chuẩn bị thi ĐH, CĐ và lơ đãng đối với mọi môn học khác. Chúng ta biết rằng kiến thức vào đời của mỗi người chỉ có nền tảng từ những năm ngồi dưới trường trung học mà thôi. Sau đó làm gì có cơ hội nào khác để học? Vậy phải làm sao vẫn có bằng tốt nghiệp THPT một cách xác đáng mà không cần thi? Tuy nhiên, muốn làm tốt việc xét tốt nghiệp THPT mà không qua một kỳ thi quốc gia thì cần có hai điều kiện:

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra bất thường từng môn học và có ghi học bạ. Học bạ quyết định chính xác việc đánh giá từng học sinh một cách khách quan, tránh mọi hiện tượng tiêu cực khi xét tốt nghiệp.

- Cần có chế độ lưu ban đối với mọi lớp, kể cả lớp 12. Lưu ban là để đảm bảo chất lượng cho từng học sinh trước khi kết thúc quãng thời gian học dưới mái trường phổ thông. Nếu không muốn có nhiều học sinh lưu ban (vì điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường) thì cả thầy lẫn trò phải thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”. Khi đã có kiểm tra thường xuyên, có học bạ nghiêm chỉnh, cộng thêm tinh thần trách nhiệm của từng thầy cô giáo và sự đồng tình của phụ huynh học sinh thì khó có thể xảy ra các hiện tượng tiêu cực như chạy thầy, chạy cô hoặc chạy theo thành tích một cách vô lý. Trách nhiệm của các Sở GD&ĐT là theo dõi quá trình đánh giá của từng trường để có sự chấn chỉnh cần thiết. Sở GD&ĐT phải có trách nhiệm thẩm tra danh sách Hội đồng các trường gửi lên xem có đúng không. Khi học sinh chưa đủ điều kiện thì nhất thiết không được xét tốt nghiệp

T.Uyên - T.Phương (ghi)
.
.
.