Hãy chọn “sống” trước khi chọn điều khác

Thứ Sáu, 07/09/2012, 21:26
Sự sống luôn là vốn quý mà con người tìm mọi cách níu giữ. Điều đáng buồn là hàng ngày, vẫn có rất nhiều người tìm cách tự hủy hoại mạng sống của mình.

Hủy hoại cuộc sống để giải thoát nỗi đau

Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có 1 triệu người chết vì tự tử, tăng 60% só với 50 năm qua. Ở Việt Nam, tự tử được ước tính nằm trong 10 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cái chết (theo Bộ Y tế Việt Nam). Một điều đáng buồn hơn khi mà thanh niên từ 15 đến 24 tuổi lại là nhóm tuổi có ý nghĩ tự tử cao nhất.

Cách đây chưa đầy một tháng, chị N.T.Q chỉ mới 27 tuổi (Tây Ninh) đã có ý định tự tử trên cầu Chương Dương chỉ vì xích mích với chồng. Rất may chị đã được cứu kịp thời và được chấn an tinh thần. Hay vụ việc xảy ra ngày 17/3, 3 nữ sinh lớp 7 trường Phan Chu Trinh, Đắk Nông đã rủ nhau tự tử chỉ vì chán chường và buồn phiền chuyện ở lớp. Và còn rất nhiều vụ việc tự tử đáng buồn xảy ra khi mà tuổi đời của nạn nhân còn rất trẻ. Ngoại trừ những người có vấn đề về suy nghĩ (tâm thần, hoang tưởng), những người tự tử và có ý định tự tử gần như đều có một điểm chung đó là bế tắc trong cuộc sống, áp lực tâm lý căng thẳng, bị ức chế... dẫn đến buồn chán, đau đớn và muốn tìm cái chết để giải thoát.

Một cuộc hội thảo về vấn đề Truyền thông và Tự tử được tổ chức ngày 7/9 tại Khách sạn Công Đoàn, Hà Nội để thảo luận về vấn đề này.

Một thực tế đau buồn rằng tự tử không đơn giản là chấm dứt cuộc sống ngay lập tức, mà còn là hệ lụy dai dẳng cho những người còn sống. Chưa kể, việc tự tử không thành còn biến những thanh niên sung sức thành tàn phế suốt đời. Không những thế, cái chết của bất kì ai trong số họ không chỉ là nỗi đau lớn, sự mất mát của gia đình, bạn bè, những người yêu mến họ, mà còn là một vấn nạn của xã hội, gây ra những hiệu ứng không tích cực.

Tự tử là vấn đề có thể phòng tránh được

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ tự tử không đáng có như không nhận được sự quan tâm của gia đình, buồn chán công việc, quan hệ vợ chồng không tốt... đã dẫn đến hành động “nghĩ quẩn” để kết thúc cuộc sống. Thế nhưng, người ta cũng cho rằng những tin, bài trên báo chí cũng có thể vô tình làm tăng tỉ lệ tự tử bởi cách đưa tin, bài quá chi tiết, và thậm chí là có phần vô trách nhiệm.

Chi sẻ về vấn đề trên, Thượng tá Lê Đức Đoàn, CSGT Đội 1, Công an TP Hà Nội, là người đã từng cứu thành công nhiều vụ tự tử trên cầu Chương Dương chia sẻ: “Con người thường có hai thời điểm không làm chủ được bản thân là trước khi chết và những lúc cực hoảng. Họ tìm đến cái chết vì thấy cuộc sống này quá đau đớn, và không có lối thoát. Phần lớn những người có ý định tự tử trên sông Hồng là do tâm lý căng thẳng, do mâu thuẫn vợ chồng, và do quấy rối, bạo hành. Thế nên, tinh thần của họ không còn đủ tỉnh táo. Đây chính là lúc chúng ta thể hiện tinh thần trách nhiệm, không vô cảm trước đồng loại. Không nên kì thị và bỏ mặc họ”.
Thượng tá Đoàn cũng chia sẻ thêm rằng: “Việc đưa tin, bài về các vụ tự tử trên báo chí không xấu, nếu đưa trung thực thì tính giáo dục rất cao””.

Thượng tá Lê Đức Đoàn chia sẻ về những vấn đề liên quan đến việc nhiều người chọn cách tự tử để giải thoát cuộc sống.

Ngày 10/9 – ngày thế giới Phòng chống Tự tử toàn cầu là một sáng kiến của IASP (International Association for Suicide Prevention) hợp tác với WHP và một số tổ chức khác nhằm kêu gọi sự chú ý tới vẫn nạn tự tử. Tự tử là hành vi cố ý giết chết bản thân mình (WHO). Nó gây ra những hệ lụy xấu cho cả gia đình và xã hội. Điều này kêu gọi sự chung tay của tất cả mọi người, gia đình quan tâm, xã hội định hướng, tự bản thân rèn luyện năng lực tư duy trước sức mạnh của truyền thông sẽ tránh được những cái chết đáng tiếc cho xã hội.

Chúng ta nên lắng nghe, xác định và tìm hiểu những điều níu kéo họ với cuộc sống thay vì kì thị, ghét bỏ họ

Ngọc Hảo
.
.
.