Hậu thủy điện và nhiều bài toán nan giải

Thứ Bảy, 21/09/2013, 19:44
Vụ sập đập thủy điện tại công trình Thuỷ điện Đắk Mek 3, thuộc điạ bàn xã Đắk Choong, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum, gây bức xúc dư luận và hậu họa của sự cố này đã làm anh Nguyễn Quốc Hùng (28 tuổi) quê ở xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, công nhân lái xe của Công ty TNHH Thái Sơn (đơn vị nhận thi công) tử nạn khi đang thi công trên thành đập.

Thủy điện Đắk Mek 3, chỉ công suất 7,5MW, nhưng diện tích lòng hồ khoảng từ 8 - 10ha và khi tích nước sẽ chứa khoảng 800 - 900.000m3 nước. Ngoài những ảnh hưởng trực tiếp vùng lòng hồ còn kéo theo nhiều hệ lụy cuộc sống môi trường sinh thái xung quanh. Sau sự cố vỡ thành đập, nhiều người dân ở xã Đắk Choong không khỏi lo lắng sau khi thuỷ điện tích nước, vì nghi ngờ chất lượng công trình này.

Trong khi đó, vụ vỡ đập Thủy điện Ia Krêl 2, ở xã Ia Dom, Đức Cơ, Gia Lai của Công ty cổ phần Công nghiệp thuỷ điện Bảo Long (Gia Lai) thêm một lần nữa cho thấy chất lượng các công trình thủy điện ở Tây Nguyên có vấn đề. Kết luận của Đoàn Kiểm tra liên ngành tỉnh Gia Lai xác định nguyên nhân gây ra sự cố vỡ đập chính của thủy điện này là thi công không tuân thủ đúng theo bản vẽ thiết kế.

Theo thiết kế, toàn bộ phần mái của thân đập bên trong lòng hồ có một lớp xi măng chống thấm dày 20cm, trên tổng chiều dài khoảng 250m, đơn vị thi công bỏ qua công đoạn này và thay vào toàn thân đập được làm bằng đất và trồng cỏ. Trong khi đó, hệ thống cống dẫn dòng được đổ một lớp bê tông bảo vệ khi chưa kết dính theo yêu cầu kỹ thuật nhưng đơn vị thi công cho các loại phương tiện có trọng tải lớn qua lại gây rạn nứt phần thân cống. Thế nhưng, Công ty cổ phần Công nghiệp thủy điện Bảo Long (Gia Lai), không nghiệm thu thẩm định chất lượng công trình mà cho tích nước với dung tích 5 triệu m3, bằng 1/2 dung tích tối đa theo thiết kế.

Theo số liệu thống kê của UBND huyện Đức Cơ, tổng thiệt hại do sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 gây ra trên 3,5 tỷ đồng, nhưng việc bồi thường thiệt hại cho dân và các đơn vị liên quan không được chủ đầu tư tiến hành kịp thời.

Cùng với việc thi công ẩu, chất lượng công trình không đảm bảo, nhiều công trình thủy điện ở Tây Nguyên và khu vực miền Trung còn kéo theo nhiều hệ lụy phá vỡ môi trường sinh thái tự nhiên. Cụ thể tại Thủy điện An Khê - Ka Nák (Gia Lai) đã nắn dòng chảy sông Ba trái quy luật tự nhiên, đưa nguồn nước chảy về Bình Định, làm cho cuộc sống người dân vùng hạ lưu sông Ba tồn tại hàng ngàn năm nay bị đảo lộn.

Không chỉ ở Tây Nguyên mà tại tỉnh Quảng Nam, nơi có nhiều công trình thủy điện cũng gây bức xúc. Theo báo cáo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, tỷ lệ hộ nghèo tại các khu tái định cư thủy điện còn rất cao, cụ thể như tại Thủy điện Sông Tranh 2: 60,3%, A Vương: 80,5%, Đắk Mi 4: 93,3%...

Phát triển thủy điện là cần thiết, song không phải vì thế mà thực hiện bất chấp các quy định về môi trường tự nhiên, và quên cả vấn đề an sinh xã hội lâu dài cho người dân. Điều ấy sẽ đi ngược lại với lý tưởng xã hội chủ nghĩa và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta đã đề ra

Đặng Ngọc Như
.
.
.