Hậu quả từ vui xuân “quá chén”

Thứ Năm, 06/02/2014, 09:54
Chỉ vì “vui quá chén” mà dịp Tết năm nay, ngay từ tối 30 Tết cho tới sau phút Giao thừa, các bác sĩ (BS) Khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy đã rất bận rộn với các trường hợp bệnh nhân (BN) cấp cứu do TNGT, trong đó nhiều ca TNGT do bia, rượu.

Khi rượu “uống” người

Trong 5 ngày từ 30 Tết tới mùng 4 Tết, Khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy đã tiếp nhận 403 ca TNGT, trong đó số ca chấn thương sọ não do TNGT là 281 ca, số ca tử vong do TNGT là 5 ca, trong đó nhiều ca do rượu, bia.

“Tất cả các trường hợp cấp cứu được chuyển vào có sử dụng bia, rượu, chúng tôi đều vừa tranh thủ cấp cứu tích cực cho BN, vừa cho lấy mẫu máu gửi Khoa Xét nghiệm. Nhiều ca chuyển vào đã hôn mê sâu. Một số ca thì tử vong trước khi nhập viện”, BS CKII Trương Thế Hiệp, Phó Khoa cấp cứu, BV Chợ Rẫy cho biết. 

Trong xấp hồ sơ BN nhập viện cấp cứu do TNGT, nhiều ca chấn thương sọ não, ghi nhận nhiều trường hợp có kết quả thử máu có nồng độ rượu trong máu vượt mức cho phép nhiều lần. Số ca cấp cứu TNGT do bia, rượu chuyển vào dồn dập tại Khoa Cấp cứu của BV Chợ Rẫy là khoảng từ nửa đêm mùng 2 tới sáng mùng 3 Tết. Mẫu máu xét nghiệm của những BN này có nồng độ rượu trong máu đo được thấp nhất từ 74 mg/dl tới cao nhất là 212 mg/dl. “So với nồng độ rượu trong máu theo qui định cho phép thì các BN trên đều vượt quá mức từ 3-4 lần”, BS Hiệp nhận xét.

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 4/2 vẫn đông kín bệnh nhân.

Ghi nhận từ đêm mùng 2 tới sáng mùng 3 Tết, Khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy tiếp nhận tới 10 trường hợp do say sưa quá chén mà phải nhập viện trong tình trạng chấn thương nặng. như: BN N.V. Tuyến (SN 1976) nhập viện 21h ngày mùng 2 Tết, chấn thương sọ não, nồng độ rượu/ máu là 200 mg/dl; cùng giờ nhập viện trên là BN Võ Phước Hùng (54 tuổi), bị chấn thương toàn thân, không ghi nhận được nơi cư ngụ, kết quả nồng độ rượu/máu tới 212 mg/dl; 21h40’, Khoa tiếp nhận thêm BN Huỳnh Thuận (47 tuổi), không rõ nơi cư ngụ, người đi dường đưa vào, mẫu máu có kết quả: 89mg/dl; 22h40’, thêm BN Châu Văn (50 tuổi), ngụ TP Hồ Chí Minh, kết quả không kém BN  Phước Hùng: 187mg/dl; 23h40’, Khoa tiếp nhận liền 2 trường hợp đều TNGT do rượu: Lê Nguyễn Huy Hùng (20 tuổi) và Trần Minh Trung (30 tuổi), đều có nồng độ rượu/ máu vượt nhiều lần cho phép.

50% trường hợp cấp cứu TNGT có liên quan sử dụng bia, rượu

“Không chỉ ghi nhận số ca cấp cứu do TNGT dịp Tết năm nay tăng hơn so với năm ngoái, mà số ca TNGT do rượu, bia, vào viện trong tình trạng chấn thương trầm trọng đều cao hơn năm ngoái. Trong đó, khoảng 50% số ca TNGT là có sử dụng bia, rượu”, Bác sĩ Trương Thế Hiệp cho biết.

Riêng từ đêm mùng 3 Tết tới 5h sáng mùng 4 Tết, Khoa tiếp nhận tới 4 trường hợp BN bị thương nặng do TNGT vì rượu, trong đó 2 BN có nồng độ rượu trong máu xấp xỉ 180 mg/dl. Ngay sáng mùng 5 Tết, tại Phòng Hồi sức tích cực - Khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy, các BS đang cố gắng cấp cứu 2 BN TNGT do say rượu. 1 trong 2 BN đang trong tình trạng hôn mê là Nguyễn Văn Hùng (32 tuổi, ngụ tại Lộc Ninh, Bình Phước), được chuyển tới vào sáng cùng ngày.

Trước đó, khoảng 20h ngày mùng 4 Tết, khi đi chúc Tết về tại khu vực xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh, BN Hùng đụng phải một xe máy khác đi ngược chiều và bị té mạnh xuống đường. Dù có đội mũ bảo hiểm nhưng do cả 2 phía đều đi rất nhanh nên mũ bảo hiểm cũng bị vỡ, phần đầu BN bị đập xuống nền đường, gây chấn thương sọ não. “BN đã được cấp cứu suốt 3 tiếng, dùng nhiều thuốc cần thiết, hồi sức tích cực, nhưng BN vẫn hôn mê sâu, có tình trạng xuất huyết não. Tiên lượng trường hợp này là rất nặng”, một BS tại đây cho biết.

Trước đó, ngay trong đêm Giao thừa, 1 ca TNGT chấn thương sọ não do rượu, tử vong sau 1 ngày cấp cứu tại Khoa là trường hợp BN Nguyễn Văn Khoát (47 tuổi), ngụ tại Tân Hiệp, Biên Hòa, Đồng Nai. BN này, theo các BS, có lẽ được ghi nhớ nhất, bởi họ đã bận rộn lo cho BN suốt từ thời điểm trước Giao thừa, kéo dài tới tối mùng 1 Tết, nhưng do BN khi chuyển vào đã quá nặng với kết quả “chấn thương toàn thân, máu tụ dưới màng cứng bán cầu trái, có xuất huyết não” nên không cứu nổi. Nồng độ rượu ở BN này là 124 mg/dl...

Các BS cũng cho biết, rượu là chất hấp thu vào cơ thể nhanh hơn mọi thứ thực phẩm, bởi 90% qua màng ruột mà không cần tiêu hóa như các thức ăn khác, chính vì vậy chỉ 10 phút sau khi “nhập tiệc”, nhất là khi  đã đạt đỉnh cao với việc nâng li đều đặn thì rượu đã được phân hủy trong gan con người. Theo một phân tích từ GS-TS, bác sĩ Ngoại Nhi Trần Đông A, nguyên Phó Giám đốc BV Nhi đồng 2, TP Hồ Chí Minh, tùy nồng độ rượu trong máu (được định nghĩa như số lượng tính bằng gram/100ml) thì chỉ cần nồng độ tăng lên tới 0,1: người uống đã bắt đầu lè nhè, từ 0,4 trở lên: người uống đã lơ mơ và khi nồng độ lên 0,5: người uống sẽ rơi vào hôn mê. Còn từ 0,60 trở lên: người uống đã bị liệt các cơ hô hấp và tử vong.

Không thể phủ nhận rượu với nhiều tác dụng chữa bệnh tim mạch, khớp, bệnh thoái hóa... nhưng chỉ khi dùng đúng liều lượng, pha chế đúng cách. Còn theo như ý kiến của nhà chiêm tinh gia, vừa là bác sĩ nổi tiếng người Thụy Sĩ Paracelsus (1493-1541), từng kết luận cũng là cảnh báo rất có ý nghĩa về rượu: “Một món ăn vừa có thể là một liều thuốc bổ và cũng có thể là một liều thuốc độc. Sự khác biệt chỉ đơn giản là ở liều lượng”

Huyền Nga
.
.
.