Hậu Giang: Cảnh giác với việc thu mua ốc bươu vàng giá cao

Thứ Năm, 15/11/2012, 16:10
Huyện Long Mỹ (Hậu Giang) có nhiều cơ sở thu mua ốc bươu vàng (OBV). Sự tồn tại của các cơ sở này trong những năm qua đã tạo công ăn việc làm cho một bộ phận người dân nông thôn, góp phần tận diệt OBV- vốn là loài ngoại lai gây hại. Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, thì hoạt động của các cơ sở này đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Không chỉ có vậy, xung quanh câu chuyện thu mua OBV ở đây còn có một mối quan tâm khác….

Khi đến ấp Long Hòa 2, xã Long Phú (huyện Long Mỹ), dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều gia đình quây quần với đống OBV. Tranh thủ kiếm thêm nguồn thu cho gia đình, vợ chồng chị Phạm Kim Nhung phải đi cào ốc cả đêm, nhưng bắt được không nhiều. Theo chị Nhung, do ở đây nhiều người cùng đi cào nên lượng OBV gần như đã cạn. Hai vợ chồng chị phải sang tận huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) tìm kiếm. Với 8 bao ốc sẽ cho ra khoảng 80 kg đầu ốc thịt sau khi làm sạch. Trung bình mỗi kg đầu ốc có giá từ 12.000-15.000 đồng. Sau khi trừ chi phí chị Nhung lời khoảng 400.000 đồng. Đây được xem là nguồn thu nhập hấp dẫn với người dân nông thôn. Chị Nhung cho biết: “5 giờ chiều hai vợ chồng đi cào tới 5 giờ sáng về, luộc ốc rồi khêu tới tối. Có đêm trúng được 6, 7 bao ốc, nhưng cũng có khi chỉ được 1 bao là cùng”.

Sau khi làm sạch, bà con bán lại cho các thương lái đi thu gom. Vào lúc cao điểm, mỗi ngày các cơ sở thu mua ốc được khoảng 7-8 tấn đầu ốc. Còn như ở thời điểm hiện nay mỗi ngày thu mua được từ 1-3 tấn đầu ốc. Ông Mai Vũ Cảnh-chủ một cơ sở thu mua OBV cho biết, số ốc thịt thu mua hằng ngày sẽ được công nhân sơ chế, đóng thùng sau đó sẽ chuyển lên kho lạnh tạm trữ. Có đơn vị nào mua với giá cả hợp lý sẽ cho xuất hàng bán. Khi được hỏi về nơi mua, thì chủ cơ sở này cũng không nắm rõ.  Ông Cảnh, cho biết: “Theo tôi biết là họ thu mua để xuất qua Trung Quốc, Hàn Quốc và cả Mỹ nữa. Họ điện thoại đặt hàng tôi, nếu được thì qua bảo chứng ngân hàng. Tiền mua ốc họ chuyển vào ngân hàng, ngân hàng làm bảo chứng cho tôi, họ ăn hoa hồng tiền bảo chứng”. Khi hỏi thêm về địa chỉ và tên công ty thì ông Cảnh hoàn toàn không biết gì (!?)…

Người dân đi cào OBV về sơ chế rồi bán cho thương lái.

Hiện tại, huyện Long Mỹ có trên 5 cơ sở thu mua OBV. Hoạt động này diễn ra từ tháng 8 đến khi bắt đầu gieo vụ Đông Xuân. Với giá cả hấp dẫn mà con OBV đem lại cho người nông dân hiện nay thì chính quyền địa phương cần có biện pháp quản lý hết sức chặt chẽ. Tránh tình trạng người dân thấy giá cao lại đem OBV ươm, nuôi. Nhưng trước khi điều đó diễn ra vấn đề môi trường, nguồn nước, hay việc đổ vỏ ốc xuống sông, rạch cần được tính đến.

Từ một loài gây hại, phải tốn công, tốn của để tiêu diệt, bỗng dưng OBV đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Lợi ích này đã thu hút được nhiều người nhưng trong số họ rất ít ai trả lời được câu hỏi: Vì sao một hợp đồng kinh doanh chỉ ký “trên điện thoại” nhiều năm qua mà không hề gặp mặt ông chủ lớn đã bỏ tiền ra mua ốc. Nói điều này không phải thừa bởi trước đây nhiều thương nhân nước ngoài đã từng lùng mua mèo, râu ngô non, chân trâu hay cây sưa… Thực tế đã gây ra những hậu quả khó lường

Văn Đức
.
.
.