Hào hùng một thời tuổi trẻ ở 'R'

Thứ Năm, 26/03/2015, 09:11
Tròn 50 năm phong trào “Năm xung phong” cũng là tròn 50 năm ngày Đoàn Thanh niên các cơ quan Trung ương Cục miền Nam (còn gọi là R) ra đời và trưởng thành (26/3/1965 – 26/3/2015). Gặp lại nhau trong Lễ kỷ niệm 50 năm phong trào “Năm xung phong” và đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Chủ tịch nước trao tặng ngày 25/3 tại TP Hồ Chí Minh, cán bộ đoàn viên thanh niên thuở ấy như nghe năm tháng tuổi trẻ ùa về…

Ông Nguyễn Hữu Châu, Phó Chủ nhiệm CLB truyền thống Đoàn Thanh niên các cơ quan Trung ương Cục miền Nam vẫn còn nhớ như in năm tháng lớp lớp thanh niên lên đường. Chàng học sinh trường Tây về R khi mới 19 tuổi. Nhìn thấy khí thế thanh niên hừng hực xuống đường, một học sinh yêu nước, căm thù giặc như Hữu Châu không thể ngồi yên. 

“Khi còn là một học sinh ở Sài Gòn, tôi cảm thấy mình ở gần nhân dân mà hóa ra lại xa dân. Đến khi vào R, dù chịu đựng những hiểm nguy gian khổ, không sống gần nhân dân nhưng lúc đó, tôi mới thực sự thấy mình gần dân hơn lúc nào hết. Từ đáy lòng, tôi và 10 nghìn đoàn viên, thanh niên ở R khi đó chỉ có một khát vọng, đó là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, quyết không chịu làm nô lệ” – ông Hữu Châu nhớ lại.

Đại diện Đoàn Thanh niên các cơ quan Trung ương Cục miền Nam nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau thất bại thảm hại trong chiến tranh đặc biệt năm 1964, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ” năm 1965. Mỹ có tham vọng “tìm và diệt” các khu căn cứ cách mạng đi đôi với “bình định nông thôn” trên khắp chiến trường miền Nam. 

Cùng lúc ấy, tại Đại hội Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam, phong trào “Năm xung phong” cho thanh niên toàn miền Nam được phát động với năm nhiệm vụ: Xung phong tìm diệt thật nhiều sinh lực địch; Xung phong tòng quân và tham gia du kích chiến tranh; Xung phong đi dân công và thanh niên xung phong phục vụ tiền tuyến; Xung phong đấu tranh chính trị và chống bắt lính; Xung phong sản xuất nông nghiệp trong nông hội.

Tại 24 cơ quan căn cứ R, phong trào “Năm xung phong” trở thành một làn sóng mạnh mẽ dưới sự hưởng ứng nhiệt tình của đoàn viên, thanh niên. 

Nhớ lại khí thế tòng quân thời ấy, ông Nguyễn Minh Trí, nguyên Phó Bí thư Đoàn ủy Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, tự hào: “Tham gia cách mạng với thanh niên khi đó là một niềm hạnh phúc, kiêu hãnh. Ở cái ấp Mũi Lớn, huyện Củ Chi quê tôi, trước lúc tôi đi đã có rất nhiều lớp thanh niên đàn anh lên đường tham gia cách mạng. Còn lứa của tôi, năm 1964, có 18 thanh niên lên đường. Sau này, tôi phát hiện nhiều điều thú vị, cả miền Nam nơi nào cũng xung phong tòng quân, nườm nượp lên R”. 

Nữ thanh niên cũng nô nức đăng ký đi thanh niên xung phong, hăng hái vào R. Nhiều trường hợp một gia đình có 3 chị em đều vào R, có cô chỉ mới 12 – 13 tuổi, có cô đang đi tu cũng cởi áo nâu sòng đề khoác áo chiến trường...

Họ không chỉ chiến đấu bảo vệ cho sự an toàn của các cơ quan mà còn phục vụ công tác tham mưu, tuyên huấn, giao liên, y tế, hậu cần... Họ vừa là chiến sĩ, du kích cơ quan, vừa là nhân viên và tham gia chiến đấu trong lòng địch... Từ phong trào, xuất hiện hàng loạt “dũng sĩ diệt Mỹ”, “dũng sĩ diệt xe tăng, bắn máy bay”, “dũng sĩ quyết thắng”...

18 tuổi, ông Nguyễn Minh Trí đã được trao danh hiệu “dũng sĩ diệt xe tăng”. Vào R, ông được phân về Ban Tuyên huấn, làm việc ở phòng in tráng, chiếu phim. 

Kể về lần diệt xe tăng địch, ông nhớ lại: “Năm 1967, đế quốc Mỹ cùng ngụy quân mở trận càn lớn vào R hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của ta.  Chúng huy động 45 ngàn quân, 1.000 xe tăng bọc thép và hàng trăm máy bay. Bên ta nhanh chóng nắm tình hình và bố trí hệ thống phòng thủ toàn R. Một bữa, 18 chiếc xe tăng càn vào gần cơ quan tôi. Tôi và một đồng chí phục kích. Tụi tôi chờ chiếc xe tăng thứ 14, 15 tới gần khoảng 20 mét thì mới bắn. Hai chiếc cháy tại chỗ”.

Ông Nguyễn Hữu Châu kể: “Trước thềm chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, một khí thế chuẩn bị sôi nổi diễn ra ở 24 cơ quan Trung ương Cục miền Nam. Thanh niên nào cũng đòi xuống đường, tranh nhau đi. Nhưng lãnh đạo cân nhắc vì phải có lực lượng đủ để đảm bảo cho các công tác khác ở R. Số thanh niên không được đi khóc nức nở”.

Sinh ra trên quê hương Mỏ Cày, Bến Tre, bà Nguyễn Thị Minh Trang sớm được hun đúc tinh thần cách mạng. 16 tuổi, bà đã theo má, theo chị tham gia biểu tình phản đối chuyện đàn áp, bắt bớ của địch. 

“Hồi đó, bọn chúng bắt cả xóm vào một cái sân rồi viết chữ “đả đảo Việt cộng” lên nón, áo của từng người. Thấy ba má và bà con ai cũng vứt nón, giẫm nát còn áo thì lột ngược lại mặc, tôi cũng bắt chước. Thấy tôi lanh lẹ nên ba má cho đi theo đội quân tóc dài của cô Nguyễn Thị Định. Rồi tôi được vào R, làm Bí thư Đoàn ủy Ban Phụ vận”. 

Nỗi nhớ gia đình, thiếu ăn, sốt rét, đối mặt với khó khăn, nguy hiểm... chẳng thể nào quật ngã được ý chí kiên cường của những thiếu nữ yêu độc lập tự do. Trên đường hành quân hay dưới hầm, bom rơi đạn nổ nhưng tiếng hát vẫn cất lên yêu đời. Từ một Đoàn Thị Liên “lấy thân mình đỡ đạn cho thương binh” đã sinh ra hàng trăm Đoàn Thị Liên khác như Nguyễn Thị Đẹp, Sơn Thị Ênh...

Trong gần 5.500 ngày, những thanh niên ưu tú đó đã lập nên bao kỳ tích góp phần vào đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Hơn 500 dũng sĩ diệt xe tăng, xe cơ giới, máy bay; hơn 1.400 dũng sĩ quyết thắng; hơn 1.500 kiện tướng thồ tải, khiêng thương binh... Những tấm gương cao đẹp đó cùng với những hạt gạo, củ khoai, manh áo... thấm đượm tình quân dân đã thôi thúc bước chân của những nam thanh, nữ tú năm xưa tìm về, gửi gắm vào trong 19 tập phim “Một thời tuổi trẻ ở R” của đạo diễn, dũng sĩ diệt xe tăng Nguyễn Minh Trí.

Quỳnh Nga
.
.
.