Hành trình bán thận

Thứ Bảy, 23/02/2008, 16:39
Anh N., cư trú tỉnh Sóc Trăng, người đã từng bán thận ở Trung Quốc, kể: Sau khi được T., là trung gian môi giới đưa anh đi kiểm tra sức khỏe tại TP HCM, anh và T. bay ra Hà Nội rồi sang Trung Quốc. Tiếp theo, anh được đưa vào một bệnh viện. Ở đây anh thấy có nhiều người Việt chờ tới lượt mình bán thận và ghép thận...

Những ngày vừa qua, chuyện một số người nghèo ở vài tỉnh miền Tây Nam bộ, sang Trung Quốc bán thận là đề tài gây xôn xao dư luận bởi lẽ nó đã hé lộ một phần rất nhỏ những đường dây xuyên quốc gia, chuyên mua bán nội tạng người. Trong vai một người muốn bán thận, tôi đã thử tìm hiểu về cái dịch vụ khủng khiếp này...

Sáng 28 tháng Chạp âm lịch, tôi bấm số điện thoại 096.xxxxx để gọi P., người đã rao trên trang web “mua bán”: “Cần bán 1 quả thận với giá 5 nghìn USD...”.

Gần hai tiếng sau đó, tôi và P gặp nhau tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Trãi, quận 1, TP HCM. Khi biết ý định của tôi, là cũng muốn bán một... quả thận để lấy tiền giúp gia đình, P. mau mắn: “Tiếc quá anh ạ. Nếu gặp anh sớm thì em sẽ nhờ người giới thiệu ông Lâm cho anh. Chiều nay em ra Hà Nội, rồi sáng mai em đi Quảng Châu, Trung Quốc”.

Theo lời P., thì ông Lâm khoảng 40 tuổi, không biết là người nước nào nhưng nói sõi tiếng Việt, từ thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông nhập cảnh Việt Nam dưới dạng du lịch – nhưng thực chất là để kiểm tra những người muốn bán thận. Vẫn theo P., sau khi rao bán trên mạng Internet khoảng 10 ngày, thì có người gọi P., hẹn gặp ở một khách sạn nằm trên đường Tản Đà, quận 5 TP HCM.

P. kể: “Đó là lần đầu tiên em gặp ông Lâm. Sau khi nhìn ngó em rất kỹ, ổng đưa em 1 tờ giấy in máy tính, dặn em ngày mai nhịn đói, đi làm cho ổng mấy cái xét nghiệm theo như trong giấy”. Điều đặc biệt là Lâm chỉ chấp nhận kết quả xét nghiệm của Trung tâm chẩn đoán Y khoa Hòa Hảo, của Viện Pasteur, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, BV Đại học Y dược..., chứ không đồng ý với kết quả của những phòng xét nghiệm tư nhân, chứng tỏ Lâm đã nghiên cứu rất kỹ về chuyện này.

Tất cả những xét nghiệm mà Lâm yêu cầu P. phải làm, đều nhằm đánh giá chức năng thận. Chi phí cho việc thử máu, thử nước tiểu, P. móc tiền túi ra trả và nếu đạt, thì Lâm sẽ được hoàn lại cùng với 30% tiền ứng trước. Còn không, coi như mất trắng.

Thử đề nghị P. tìm cách cho tôi gặp ông Lâm, P lắc đầu: “Em không trực tiếp gặp ổng được, mà phải qua trung gian”. Tuy nhiên, lúc P. gọi người trung gian, rồi hỏi tuổi tôi thì chừng 15 phút sau, nhân vật trung gian ấy trả lời, rằng tôi... già rồi, thận không còn tốt nữa!

Tìm hiểu thêm, tôi biết hoàn tất xong khâu kiểm tra, Lâm bay về Trung Quốc trước, phần còn lại giao cho người trung gian để nếu vụ việc đổ bể, thì cơ quan chức năng Việt Nam chỉ nắm được phần... ngọn.

Chuyện rao bán thận trên mạng Internet không phải là lạ. Cứ thử dạo qua các trang web chuyên về mua bán, sẽ không hiếm gặp những dòng chữ đại loại như: “Sinh viên cần tiền đóng học phí, muốn bán một quả thận với giá 5 nghìn USD...”, hoặc: “Muốn bán thận nhóm máu O, giá rẻ bất ngờ, liên hệ số điện thoại...”.

Có người còn cam kết: “Sẽ làm hợp đồng và giao giấy tờ tùy thân cho bên mua đến khi hoàn tất công việc”, và trong số này, hẳn không ít người đã lọt vào "mắt xanh" của những kẻ nằm trong đường dây mua bán nội tạng xuyên quốc gia bởi lẽ có những quảng cáo vừa rao lên, thì chỉ một, hai ngày sau đã thấy biến mất, nhất là người bán thuộc nhóm máu O – là nhóm máu ghép cho ai cũng được.

Trong cơ thể người ta, thận có chức năng lọc các độc chất trong máu. Máu khi đi qua thận, lượng nước dư thừa cùng các chất độc sẽ được thận chuyển xuống bàng quang rồi thoát ra ngoài theo đường tiểu tiện. Nếu vì một lý do nào đó, mà một quả thận không làm việc – hoặc bị cắt bán, thì quả còn lại sẽ đảm nhận luôn chức năng của quả kia, và người ta vẫn sống được.

Tuy nhiên, nếu chỉ có một quả thận làm việc thì lâu dài, nó sẽ để lại những hệ quả như suy thận, cao huyết áp, phù và đó là chưa kể một vài nội tiết tố (hormone) như testoteron, corticoid ở tuyến thượng thận tiết ra cũng suy giảm, đưa đến một số biến chứng về hệ xương khớp, hệ nội tiết.

Bên cạnh đó, nhiều người vẫn còn nguyên hai quả thận, nhưng chức năng lọc máu của thận lại không thể thực hiện vì một số bệnh lý. Khi ấy, để sống được, thầy thuốc phải áp dụng phương pháp “chạy thận nhân tạo” bằng cách cho máu đi qua một hệ thống máy móc phức tạp, lọc độc chất ra rồi trả lại “máu sạch” cho người bệnh mà lắm khi, mỗi tuần phải chạy 2, 3 lần, chi phí rất đắt.

Một quả thận đang được phẫu thuật lấy ra.

Vì thế, nhu cầu ghép thận ngày càng tăng cao trong lúc ở Việt Nam, số ca ghép thận tại các bệnh viện như BV Chợ Rẫy, BV 115, BV Việt Đức, BV Bạch Mai, BV Nhi trung ương..., mặc dù đã được thực hiện khá nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng nổi nhu cầu với nhiều lý do – trong đó chủ yếu vẫn là không tìm được người cho thận phù hợp với người bệnh.

Nắm được nhu cầu này, thời gian trước, ở BV Chợ Rẫy, BV Bình Dân và BV 115 – TP HCM thường xuất hiện một số “cò” ghép thận, mà nổi đình nổi đám nhất là “cò” L., tự L. “trọc”, và “cò” H. "vé số". Lân la trong khu vực chạy thận nhân tạo, hai “cò” này gặp gỡ một số bệnh nhân, rồi gạ họ mua thận mà nguồn cung cấp đến từ giới công nhân hoặc sinh viên, dân lao động nghèo.

Cứ mỗi quả thận, L. “trọc, H. "vé số" trả cho người bán từ 20 đến 50 triệu đồng tùy theo nhóm máu, nhưng bán lại cho người mua hàng trăm triệu, núp dưới hình thức bà con, anh em hiến, tặng.

Đến đầu năm 2007, một bệnh viện lớn ở TP HCM, đã phát hiện ra một trường hợp bán thận.

Số là ngày 20/1/2007, khi đang chuẩn bị ghép thận cho bệnh nhân G.T., thì bác sĩ S., phẫu thuật viên chính nhận được thông tin, rằng người cho thận tên B.T. – thực chất là bán chứ không phải hiến.

Ca phẫu thuật được đình lại. Tìm hiểu thêm mới rõ, khi biết bệnh nhân G.T. cần phải ghép thận, nhiều người trong gia đình chị đã tình nguyện cho nhưng không ai đáp ứng được các yêu cầu về phương diện cấy ghép. Sau đó, chị G.T. xin về nhà rồi nhờ một bệnh viện chuyên ngành niệu thận, hàng tuần giúp chạy thận nhân tạo.

Trong những ngày tháng chạy thận, tình cờ chị G.T. gặp một phụ nữ, giới thiệu là B.V.,  đề nghị tặng cho chị một quả thận. Nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy thận của B.V. không phù hợp.

Đúng lúc đó, bất ngờ có một phụ nữ xưng tên B.T., đến gặp thân nhân của chị G.T., tự xưng mình là bà con xa phía bên ngoại, xin được hiến thận. Theo hướng dẫn của bệnh viện, vài ngày sau B.T. nộp cho bệnh viện một lá đơn, nêu rõ: “Tôi là em của bệnh nhân G.T., 30 tuổi, thường trú tại Cà Mau. Tôi tình nguyện cho chị tôi một quả thận mà không đòi hỏi bất kỳ điều kiện vật chất nào...”. Bên dưới tờ đơn này, còn có chữ ký xác nhận và con dấu của Phó chủ tịch UBND phường 8, TP Cà Mau.

Bốn tháng sau, các kết quả xét nghiệm cho thấy thận của người cho và cơ thể người nhận hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu. Trong suốt thời gian ấy, gia đình chị G.T. đã bỏ ra một số tiền không nhỏ để lo nơi ăn chốn ở, bồi dưỡng cho “người bà con họ ngoại B.T.”. Bên cạnh đó, chị G.T. còn hứa sau khi ghép xong, sẽ tìm kiếm việc làm và nuôi dưỡng B.T. như một thành viên trong nhà.

Ngày 30/1/2007, khi người cho thận là B.T. đã được gây mê, và êkíp phẫu thuật do bác sĩ S. cầm dao đang chuẩn bị tiến hành ca ghép, thì một cô gái đến Khoa Nội tiết của bệnh viện, đề nghị ngừng ca mổ vì “chưa thỏa thuận được giá bán quả thận với gia đình chị G.T.”.

Cũng thời điểm đó, Phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện cũng nhận được điện thoại từ Cà Mau, xin gặp giám đốc. Người gọi tự xưng là mẹ của cô B.T., yêu cầu bệnh viện ngưng mổ vì có người cho bà biết, con gái bà bán quả thận cho bệnh nhân G.T. giá quá rẻ – chỉ có 40 triệu đồng.

Nhận thấy sự việc có nhiều uẩn khúc, Ban giám đốc bệnh viện bèn chuyển nội vụ cho Công an Quận 5 - TP HCM để nơi đây xác minh, làm rõ. Hóa ra sau khi biết thận mình không thể ghép được, B.V. đã về quê tìm gặp B.T., rồi động viên B.T. hiến thận với hy vọng sẽ được gia đình chị G.T. cho mình 40 triệu đồng. Chừng biết B.T. không đòi hỏi bạc tiền gì cả, B.V. bèn gây áp lực và nhỏ to với mẹ B.T. cũng nhằm gây áp lực, ngăn cản ca mổ ghép, cốt để kiếm tiền. Theo kết luận của Công an quận 5, hành động này xuất phát từ lời hứa sẽ hậu tạ cho người hiến thận của thân nhân chị G.T.

Trở lại việc ghép thận, sau khi  nhận quả thận mới khoảng 80 đến 90% bệnh nhân sinh hoạt gần như bình thường và không còn phải lệ thuộc vào việc chạy thận nhân tạo hay thẩm phân màng bụng. Sau ghép 5 năm, chức năng quả thận được ghép còn khoảng 70 đến 80%. Sau 10 năm, nó còn 50 đến 60% rồi giảm dần nên nếu một người được ghép thận ở tuổi 40, thì có khả năng sống bình thường trong suốt 30 năm sau đó.

Vì thế, những năm gần đây, số người Việt Nam ra nước ngoài để cấy ghép nội tạng ngày càng nhiều. Bên cạnh một số quốc gia như Singapore, Mỹ, Nhật, Pháp, thì bệnh nhân còn chọn Trung Quốc làm nơi “trao thân gửi phận”, đặc biệt là bệnh nhân mang bệnh ung thư, hoặc suy thận mãn tính, xơ gan..., cụ thể là chọn hai bệnh viện rất nổi tiếng là BV Trung Sơn và BV Quảng Châu, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông.

Hai bệnh viện này thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân là người Việt Nam, trong đó không ít người chờ tới lượt mình được ghép thận. Nếu như ở Mỹ, một ca ghép thận có giá trung bình là 200 nghìn USD thì ở Trung Quốc, con số này dao động từ 50 đến 80 nghìn USD – nếu là thận do bệnh viện cung cấp, hoặc từ 15 đến 20 nghìn USD nếu là thận do thân nhân hiến tặng. Với cái giá này, ngay cả một số Việt kiều ở Mỹ, Pháp, cũng sang Trung Quốc ghép thận cho rẻ.

Để thực hiện một ca ghép thận, thời gian chuẩn bị phải mất cả tháng tiến hành các xét nghiệm về bệnh lý, di truyền, miễn dịch, hệ mạch máu... Với những người bán thận, ngoại trừ lần thử máu, thử nước tiểu ở Việt Nam để đánh giá chức năng thận, thì sang đến bên kia, còn phải làm thêm gần 60 xét nghiệm nữa.

Anh N., cư trú tại ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, người đã từng bán thận ở Trung Quốc, kể: Sau khi được T., là trung gian môi giới đưa anh đi kiểm tra sức khỏe tại TP HCM, anh và T. bay ra Hà Nội rồi sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị. Tiếp theo, anh được đưa vào một bệnh viện và do không biết tiếng Hoa, nên anh chẳng rõ là bệnh viện gì. Theo lời anh: “Tui thấy có nhiều người Việt chờ tới lượt mình bán thận và ghép thận”.

Cuối cùng, khi tất cả các xét nghiệm chứng tỏ anh N đạt yêu cầu, một người Trung Quốc đề nghị anh ký tên vào hai tờ giấy cam kết bằng chữ Việt và chữ Hán, nội dung anh tình nguyện “hiến thận cho cậu ruột” mặc dù anh không hề quen biết người này. Nghe nói “người cậu ruột” của N. đã phải trả 500 triệu  để có được quả thận – chưa kể tiền công cấy ghép của bệnh viện trong lúc số tiền T đưa cho anh N chỉ là 70 triệu đồng Việt Nam.

Theo cơ quan chức năng Việt Nam, T., có hộ khẩu ở huyện Bình Chánh, TP HCM, làm nghề thợ hồ, là một trong những “cò” mua bán thận và vợ T., là H. cũng đã được T. đưa sang Trung Quốc để... bán thận.

hằm tạo lòng tin, khi tiếp xúc với con mồi, T. luôn vạch áo cho xem một vết sẹo dài sau lưng mà theo lời T., thì: “Tui bán rồi đó, khỏe re à chớ có sao đâu”. Ngoài anh N., T. còn dụ dỗ được một số người khác và cứ mỗi người sau khi "cho" đi 1 quả thận, họ được T. trả 70 triệu đồng.

Điều nguy hiểm là phẫu thuật lấy những quả thận này đều được thực hiện tại các bệnh viện nhỏ, rồi được bảo quản và sau đó, chuyển đến bệnh viện lớn để thực hiện cấy ghép nên nguy cơ tử vong ngay trong khi mổ lấy thận là rất cao.

Cho đến nay, theo Luật hiến tạng mà Nhà nước đã ban hành, thì việc mua, bán các bộ phận trong cơ thể con người đều là hành vi vi phạm pháp luật. Về phía Trung Quốc, các cơ quan chức năng nước này cũng đã tích cực ngăn chặn nhưng gặp trường hợp cả người “cho” lẫn người “nhận” đều là người Việt, và họ có “giấy chứng nhận” là bà con, anh em, thì rất khó giải quyết vì không ai cấm những người trong họ hàng tình nguyện tặng nhau để cứu lấy sự sống...

Vì thế, xác định quan hệ thân tộc chính là khâu then chốt đầu tiên mà địa phương nơi bên cho lẫn bên nhận phải làm một cách chính xác để từ đó, tiến đến việc xóa bỏ những đường dây chuyên mua bán nội tạng người

V.C.
.
.
.