Hạnh phúc bình dị trong mái ấm của những người lính đang ngày đêm bám biển

Thứ Bảy, 28/06/2014, 13:40
Từ đầu tháng 5, thời điểm mà biển Đông dậy sóng, chưa ngày nào nhịp đập của mỗi người con đất Việt thôi thổn thức. Cái thổn thức ấy  không chỉ bởi chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc đang bị thế lực xâm lăng đe dọa, mà ở nơi đầu sóng ngọn gió, đang có những người con đêm ngày hiên ngang bám biển. Trước mặt, các anh đang phải đối diện với những kẻ hung hãn, bất chấp luật pháp quốc tế. Còn sau lưng, các anh để lại những câu chuyện xúc động về mái ấm gia đình, về những người mẹ già, vợ trẻ, con thơ...

Đến thăm gia đình một số cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển vào những ngày tháng 6 này, chúng tôi đã được chứng kiến một bầu không khí thăm hỏi, động viên ân tình, ấm áp của đông đảo các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân địa phương.

Khi nghe chúng tôi hỏi về trường hợp của Thượng sĩ Vũ Mạnh Khởi - chiến sỹ làm nhiệm vụ trên tàu CSB 8003 (xóm 11, xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định), đồng chí Vũ Thế Mạnh, Bí thư Đảng ủy xã Hải Thanh cho biết, gia đình anh Khởi hiện còn hai bố mẹ già, vợ và 2 con nhỏ. Ông Vũ Đại Lộ, bố của Thượng sĩ Vũ Mạnh Khởi là thương binh thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước (thương tật 71%).

Với cựu chiến binh, thương binh Vũ Đại Lộ, những ngày này, từ sáng sớm cho đến đêm khuya, ông luôn theo dõi sát sao mọi tin tức về tình hình biển Đông qua tivi, báo, đài. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Lộ chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, bị thương do bom địch năm 1969 (hiện còn mảnh đạn trong đầu). Là người lính một thời trai trẻ theo tiếng gọi của Tổ quốc, xung kích lên đường, cầm súng đánh giặc vì sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước, hơn ai hết, ông Lộ là người thấu hiểu và tự hào nhất về nhiệm vụ mà người con trai thân yêu của mình đang cùng các đồng chí, đồng đội kiên cường, mưu trí, dũng cảm đấu tranh nơi đầu sóng để bảo vệ vững chắc vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Gia đình Thiếu tá Nguyễn Văn Thuận nhận được nhiều sự quan tâm, động viên của các tổ chức, cá nhân.


Sau lần mổ thận thứ ba, đôi mắt của bà Đinh Thị Sen - mẹ anh Khởi hiện đã bị lòa, cuộc sống và những sinh hoạt thường nhật gặp muôn vàn khó khăn. Vì vậy, mọi công việc trong gia đình từ đối nội, đối ngoại, việc hiếu, việc hỉ, công to việc lớn đều do một tay người vợ tảo tần, đảm đang của anh Khởi là chị Nguyễn Thị Thủy lo toan, gánh vác. Là một người phụ nữ trẻ, có chồng đi công tác ở vùng biển xa xôi, hơn ai hết, chị Thủy là người phải chịu đựng nhiều thiệt thòi. “Chồng em chẳng sợ hiểm nguy, gian khó để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Em là người vợ, chuyện chăm sóc cho bố mẹ và hai con nhỏ (cháu lớn 6 tuổi, cháu nhỏ một tuổi) và công việc ở nhà là việc hết sức bình thường. Có như vậy, em nghĩ anh ấy mới yên lòng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” – chị Thủy chia sẻ.

Trong số những cán bộ, chiến sỹ là người con quê hương Nam Định đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu đầy hiểm nguy và gian khó để đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép, trường hợp của gia đình Thiếu tá Nguyễn Văn Thuận (tổ dân phố 12, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu) cũng là một trong những trường hợp rất đặc biệt. Trong câu chuyện với chúng tôi, giọng kể của chị Vũ Thị Huế - vợ anh Thuận luôn bị ngắt quãng bởi những xúc động, trong đó có niềm tự hào về một mái ấm gia đình mà anh chị đã dày công xây đắp.

Chị Huế kể rằng, chị cùng anh Thuận xây dựng gia đình năm 2000, vì điều kiện công tác xa nhà, anh Thuận một năm cũng chỉ có được mấy ngày nghỉ phép. Với chị Huế, mười mấy năm lấy chồng là ngần ấy thời gian chị đã quá quen với những chuỗi ngày chồng vắng nhà. Chị thay chồng chăm sóc hai con và mẹ chồng tuổi cao, sức yếu.

Không may mắn, từ nhỏ, cháu Nguyễn Vũ Thọ, con trai của vợ chồng chị đã bị mắc bệnh tim. Đã biết bao lần, chị Huế một mình khăn gói đưa con lên các bệnh viện ở Hà Nội để chữa trị dài ngày. Tuy vất vả là thế nhưng chị Huế chưa bao giờ ta thán nửa lời, mà nỗ lực hết mình để chồng yên tâm công tác.

Là giáo viên Trường THCS thị trấn Thịnh Long, chị Huế là người vừa đảm việc nhà, vừa hoàn thành tốt công việc chuyên môn, được tập thể cán bộ, giáo viên đồng nghiệp trân trọng, yêu quý. “Mỗi lần gọi điện về thăm gia đình, anh Thuận không bao giờ kể về khó khăn của bản thân, chỉ luôn động viên mẹ, vợ cùng các con. Tôi hiểu và rất yêu thương anh ấy, vì công việc và nhiệm vụ không có điều kiện chăm lo gia đình. Các con tôi dù không được bố săn sóc hàng ngày như các học sinh cùng trang lứa, nhưng các cháu rất tự hào về bố, luôn có ý thức chăm ngoan, học giỏi” - chị Huế tâm sự.

Đồng chí Nguyễn Văn Cẩn, Bí thư chi bộ tổ dân phố 12, thị trấn Thịnh Long cho biết: “Gia đình anh Thuận, chị Huế luôn đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” cấp tỉnh. Bản thân anh Thuận nhiều năm liền được cấp trên khen thưởng về thành tích cống hiến trong quân đội. Vợ anh, chị Vũ Thị Huế là giáo viên giỏi Trường THCS thị trấn Thịnh Long, con trai Nguyễn Vũ Thọ bị bệnh tim cũng liên tục là học sinh giỏi và đứng đầu khối lớp 6; năm học vừa qua giành giải nhì thi tiếng Anh qua mạng”

Việt Thắng
.
.
.