Hành khách cùng ngăn chặn quá tải xe trong dịp Tết

Thứ Tư, 23/01/2008, 10:53
Nhằm đảm bảo lợi ích của mình, hành khách nên vào bến mua vé trước khi lên xe theo đúng quy định, không nên đón bắt xe dọc đường. Vì như vậy, hành khách đã tự đánh mất quyền lợi của mình, nhất là trong các trường hợp nhà xe bắt chẹt khách hay thả khách dọc đường…

Hành khách không nên tiếp tay cho các lái xe vi phạm

Trao đổi với PV Báo CAND, Thượng tá Trần Sơn, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra TNGT, Cục CSGT đường bộ - đường sắt Bộ Công an (C26) bộc bạch: Mỗi năm cứ dịp lễ, Tết, tình trạng xe chở quá số người quy định lại rộ lên, làm bức xúc trong dư luận, gây khó khăn cho cơ quan chức năng, nhất là lực lượng CSGT tại các tỉnh.

Năm 2007, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã phát hiện nhiều trường hợp chở gấp 2, 3 số khách so với quy định, chủ yếu tập trung trên quốc lộ 1A.

Năm nay, theo quy luật, người dân nghỉ Tết về thăm gia đình, khiến lưu lượng người tham gia giao thông tăng vọt, tình trạng nhiều chủ xe không ngần ngại tháo ghế, trải chiếu cho hành khách ngồi trên xe để chở được nhiều lại bắt đầu hình thành. Có chủ xe còn tận dụng cả thùng đựng hàng dưới gầm xe, nóc xe ôtô để nhồi nhét khách. 

Trước thực trạng này, Cục CSGT đường bộ - đường sắt đã huy động hơn 200 cán bộ trực chiến các điểm nóng trên các tuyến quốc lộ. Cụ thể, C26 sẽ triển khai tuần tra kiểm soát an toàn giao thông theo các hướng Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn; Hà Nội - Cà Mau. Trong đó tập trung vào các tuyến quốc lộ 1A, đoạn từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên - Huế, quốc lộ 5, 51 và 14. Các đội sẽ phối hợp với Công an địa phương tuần tra lưu động hoặc lập chốt kiểm tra cố định để xử lý vi phạm.

CSGT cũng tổ chức 3 điểm chốt chặn kiểm soát xe ôtô khách vi phạm tại Thanh Hoá, Quảng Nam và Đồng Nai. Chốt ở Quảng Nam và Đồng Nai chủ yếu kiểm tra xe lưu thông chiều Nam - Bắc và từ Tây Nguyên xuống. Chốt Thanh Hóa và Quảng Nam kiểm tra vận tải khách đường bộ từ Bắc vào. Kế hoạch tuần tra xử lý vận tải khách lần này của C26 sẽ được chia làm hai đợt.

Đợt 1 từ 1 đến 15/1 và đợt 2 từ 21 đến 31/1. Các lực lượng được huy động xe, các phương tiện máy đo tốc độ ngày và đêm, cân tự động và máy đo nồng độ cồn... Ông Sơn cho biết, lực lượng CSGT sẽ tập trung kiểm tra các lỗi của xe chở khách quá quy định, chạy quá tốc độ, đi xe máy không đội mũ bảo hiểm. Trong đó, xe khách sẽ là phương tiện được kiểm tra kỹ nhất vì cuối năm lượng người đi lại nhiều và thường xảy ra tai nạn.

Tuy nhiên, về quy định xử phạt hành khách, Thượng tá Trần Sơn cũng cho rằng theo quy định, hành khách lên xe bắt buộc phải có vé. Nhằm đảm bảo lợi ích của mình, hành khách nên vào bến mua vé trước khi lên xe theo đúng quy định, không nên đón bắt xe dọc đường. Vì như vậy, hành khách đã tự đánh mất quyền lợi của mình, nhất là trong các trường hợp nhà xe bắt chẹt khách hay thả khách dọc đường…

Trách nhiệm kiểm tra của lực lượng CSGT là chính

"Tình trạng xe chở quá khách là một hiện tượng phổ biến mà tỉnh nào hầu như cũng gặp phải, nhất là trong những dịp lễ, Tết khi cung không đủ cầu. Từ đó có thể xảy ra những tiêu cực như chèn ép khách, tăng giá, nhà xe bán khách, thả khách dọc đường…

Phải hứng chịu những hậu quả này, hành khách không nên đổ hết lỗi cho lực lượng chức năng vì không quản lý chặt", Trung tá Bế Thế Huyên - Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Lạng Sơn nói. Trung tá Huyên cũng cho hay, nhìn chung trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, các xe khách chở quá tải thường không nhiều; trong năm chúng tôi chỉ xử phạt được khoảng chục trường hợp, trường hợp quá tải nhiều nhất khoảng 20-30% số khách quy định.

Với những trường hợp vi phạm, lẽ ra theo đúng quy định, thì phải phạt giữ xe và yêu cầu doanh nghiệp có xe vi phạm điều xe khác đến chở khách đi. Thế nhưng, có những doanh nghiệp ở xa không thể điều ngay xe đến được, thì lực lượng Công an phải giải quyết linh động bằng cách yêu cầu chủ xe vi phạm bố trí một xe khách khác ngay ở Lạng Sơn điều chuyển khách.

Trung tá Huyên cũng cho biết thêm: Tình trạng dừng đỗ xe, bắt khách dọc đường thì có nhiều, nhưng Công an rất khó phát hiện vì lực lượng mỏng, không thể phân bổ nhiều vị trí để giám sát. Tuy nhiên không vì thế mà chúng tôi chủ quan. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức chốt cắm trên đường để xiết chặt quản lý.

Còn Thượng tá Đỗ Xuân Hiền - Trưởng phòng Quản lý hành chính TTXH - Công an Thanh Hoá cho rằng, nếu các bến xe tính toán kỹ lưỡng để tăng cường lượng xe phù hợp thì sẽ khó xảy ra tình trạng cầu vượt cung. Hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có khoảng 26 bến xe công cộng và 187 bến xe đón trả khách tại gia đình, 73 điểm đỗ xe đón trả khách trên các tuyến giao thông và 83 điểm bán vé.

Để đảm bảo giao thông trong dịp Tết, thời gian qua CSGT và chính quyền cơ sở đã chấn chỉnh khắc phục những yếu kém của các bến xe theo quy định của Bộ GTVT đối với 17 bến xe có quyết định thành lập đang hoạt động. Đối với 187 bến gia đình thì sẽ kiên quyết xoá bỏ 25 điểm, tạm thời cho hoạt động 162 điểm. Qua khảo sát số phương tiện chở khách đã được đăng ký có 1.710 xe, trong đó xe từ 10 - 30 chỗ ngồi là 940 xe, từ 31 chỗ ngồi trở lên là 770 xe.

Số phương tiện đăng ký hoạt động vận tải khách trên các tuyến cố định có 855 xe trong đó liên tỉnh là 558 xe. Tuy số lượng xe nhiều, song vào những ngày cao điểm giáp Tết và sau Tết, các cơ quan chức năng vẫn yêu cầu các bến bố trí bổ sung khoảng 90 xe để phục vụ nhân dân đi lại trong dịp Tết.

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hoá cũng đã yêu cầu các ban quản lý bến xe, kể cả bến xe tạm thời phải bố trí cán bộ thường trực kiểm tra việc chấp hành quy định về vận chuyển hành khách của các chủ phương tiện, lái xe trước khi xuất bến. Các chủ phương tiện, lái xe, các đại lý bán vé phải hướng dẫn hành khách chỉ tập trung đón khách  tại bến xe, điểm đỗ xe đã được quy định. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng xe ôtô sau khi xuất bến tiếp tục vòng vo thu gom khách

Thanh Huyền - Lệ Thúy
.
.
.