Hàng triệu USD có nguy cơ trôi theo... rác

Thứ Ba, 08/11/2005, 09:24

Theo ông Cao Văn Bản - Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Giám sát đầu tư Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng ta bỏ tiền ra mua công nghệ với giá rất đắt nhưng hiệu quả không cao vì chúng ta thiếu chuyên gia công nghệ và những tiêu chí cụ thể để kiểm soát.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoài Đức - Trưởng phòng Môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tây cho biết: Hiện nay và tương lai gần thì Hà Tây vẫn phải xử lý rác theo phương pháp cổ điển nhất: chôn. Thực tế địa phương có hai công ty chuyên lo thu gom xử lý rác môi trường là Công ty Môi trường đô thị Hà ĐôngCông ty Môi trường và Công trình đô thị Sơn Tây. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ có Công ty Môi trường và Công trình đô thị Sơn Tây là có bãi chôn lấp rác rộng chừng 14ha ở vùng bán sơn địa, còn khu vực thị xã Hà Đông thì 6 năm qua vẫn phải xử lý rác theo kiểu tạm, bởi đơn giản là chưa có bãi chôn lấp.

Hầu hết các tỉnh khác cũng có cách xử lý rác tương tự, rất ít địa phương đưa ra công nghệ xử lý rác mà thu lại sản phẩm phục vụ trở lại cuộc sống như phân bón, khí đốt... Gần đây, một công ty TNHH ở Hải Phòng chế biến rác thành chất đốt tương tự như dầu để chạy công nông, máy nổ, nhưng đó mới chỉ là hình thức tự đầu tư, tự nghiên cứu mà chưa được nghiệm thu đề tài một cách khoa học.

Mũi nhọn tiên phong về xử lý môi trường vẫn là hai thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Nhu cầu xử lý rác thải trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh bức xúc đến mức gây quá tải khiến bãi chôn lấp số 1 ở Phước Hiệp, Củ Chi xảy ra sự cố, buộc thành phố phải xây dựng thêm bãi chôn lấp số 2 (rộng 9,5 ha). Nhưng mở rộng bãi chôn lấp có lẽ chỉ là giải pháp tình thế, nên hướng đi đúng đắn nhất là đầu tư công nghệ xử lý.

Nguy cơ thất thoát lớn, do không đấu thầu cạnh tranh?

Chúng tôi đã tìm đến các nhà công nghệ môi trường và được biết: Có một thực tế hiện nay là nhiều đối tác nước ngoài, và cả các trung tâm nghiên cứu trong nước thi nhau chào hàng công nghệ xử lý rác theo kiểu "sư nói sư phải, vãi nói vãi hay", thông tin về công nghệ lại thiếu, thành ra các địa phương đang có nhu cầu bị nhiễu và khó lựa chọn.

Bao giờ lao động thủ công sẽ được thay thế bằng các phương tiện hiện đại?

Chẳng hạn tại Tp. Hồ Chí Minh, vừa qua, Nhà máy Xử lý rác thải của Công ty Lemna đầu tư dưới dạng BOT đã được cấp phép hoạt động. Với công suất 600 tấn rác/ngày và thời hạn là 30 năm, sau đó chuyển giao cho phía Việt Nam, công ty này đưa ra và được chấp thuận mức giá xử lý rác là 5 USD/tấn. Nhưng bên cạnh đó, một số đối tác khác lại chào với giá xử lý rác là 15 USD, thậm chí gần 20 USD/tấn mà công nghệ xử lý thì không có sự khác biệt.

Tạm lấy giá chênh lệch qua việc xử lý 1 tấn rác là 10 USD, thì Tp. Hồ Chí Minh mỗi ngày phải xử lý 5.000 - 6.000 tấn rác dẫn đến số tiền trôi theo rác sẽ từ 50.000 - 60.000 USD/ngày. Thử hỏi có ngân sách nào chịu đựng được mức chi phí đó!

Còn tại Hà Tây, ngành Môi trường đang cố gắng tìm địa điểm và đề nghị cho tiếp thu công nghệ Serafin của Công ty Môi trường xanh trong nước. Với công nghệ này sẽ cho phép tái chế rác thành phân vi sinh và một số sản phẩm hữu cơ khác. Trong khi có rất nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh chủ đề mua và chuyển giao công nghệ rác thải, thì quan điểm của cán bộ chuyên môn Hà Tây là chỉ nên đặt vấn đề lựa chọn công nghệ phù hợp với địa phương hiện nay và từng bước nâng cao công nghệ khi có điều kiện.

Một số ý kiến khác lại cho rằng, nếu đã đầu tư thì phải là công nghệ hiện đại, nếu không thì tiền vẫn tốn kém mà vấn đề môi trưòng lại không giải quyết được. Cách để tránh lãng phí nhằm mua, nhận chuyển giao được công nghệ tốt là đưa ra đấu thầu công khai để lựa chọn. Đồng thời chúng ta thuê các tổ chức tư vấn có đủ năng lực ở lĩnh vực này thì mới có thể tránh được "vết xe đổ" ở một số ngành, lĩnh vực trước đây mang tiền thật nhưng mua về công nghệ lạc hậu vài chục năm, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Mạnh Hải cho biết: Hiện chúng ta mới có nghị định về chuyển giao công nghệ, trong đó có công nghệ xử lý rác chứ chưa có những quy định cụ thể riêng về loại công nghệ này.

Trước mắt, các địa phương có nhu cầu thông tin về công nghệ xử lý rác nên truy cập trong kho dữ liệu thông tin công nghệ tại Trung tâm Thông tin khoa học công nghệ quốc gia (26 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) và tham vấn các chuyên gia trước khi quyết định.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang xúc tiến thành lập Trung tâm Đánh giá công nghệ có nhiệm vụ giúp Chính phủ xây dựng cơ chế chính sách về đánh giá công nghệ. Mặt khác, đứng ra trực tiếp đánh giá hoặc tổ chức đánh giá công nghệ với sự trợ giúp của một số nước.

Phong Thanh
.
.
.