Hàng rong lại “tràn” phố Hà Nội

Thứ Hai, 24/11/2008, 12:36
Chị hàng xén có bản danh sách các phố cấm bán hàng rong trong túi áo. Khi tôi hỏi tại sao có bản danh sách rồi mà chị vẫn đi vào “cấm địa”, chị cười bảo quy định cấm không nghiêm như hồi đầu nên chẳng cần phải kiêng dè nữa. Chúng tôi cũng dễ dàng chụp được hình ảnh về hoạt động bán hàng rong trên các phố cấm như phố Huế, Hàng Gai, Hàng Bông, Điện Biên Phủ, Tràng Tiền… Lệnh cấm đã bị người bán, người mua làm cho vô hiệu.
>> Hàng rong Hà Nội “chạy” vào đâu? / “Tâm sự” hàng rong sau ngày 1/7

Sau 5 tháng kể từ khi Hà Nội triển khai thực hiện lệnh cấm bán hàng rong trên 62 tuyến phố và 48 điểm di tích lịch sử, văn hóa; sau nhiều đợt ra quân rầm rộ; sau nhiều hy vọng lập lại trật tự đô thị... hoạt động bán hàng rong đã trở lại như cũ. Đây là sự thất bại của một thử nghiệm bất hợp lý hay là hậu quả của kiểu làm "đầu voi đuôi chuột"?

Ra quân rồi đâu vẫn vào đó

Mỗi buổi sáng và khi đêm về, lực lượng trật tự đô thị (TTĐT) ở các phường trên các phố cấm bán hàng rong ở Hà Nội có nhiệm vụ rải và thu các biển cấm này về. Biển báo chỉ có tác dụng khi có lực lượng này bên cạnh.

Chị Nguyễn Hằng Nga, nhà ở phố Hàng Bông cho biết, chị và rất nhiều người sinh sống trên khu vực này đã quen với việc mua hàng của người bán hàng rong. Tiện ích của hàng rong đối với những tiểu thương bám trụ cả ngày ở cửa hàng như chị rất rõ. Thời điểm thành phố vừa ban hành lệnh cấm, hoạt động bán hàng rong gần như ngưng hẳn.

Nhận thức được đây là chủ trương để lập lại TTĐT nhưng khi không còn hàng rong, chị cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó. Cứ tưởng phải quên đi, nhưng chỉ ít hôm gánh hàng rong lại xuất hiện, tuy nhiên việc mua bán phải diễn ra thật nhanh chóng để tránh cho người bán bị phạt.

Cầm trên tay bản danh sách 62 tuyến phố cấm bán hàng rong, chúng tôi thực hiện bộ ảnh về hoạt động này ở nơi có lệnh "giới nghiêm". Phố Bà Triệu dù không còn những người bán hoa hồng bê nguyên cả rổ ra lòng đường mời chào nhưng vẫn còn những người gánh rau, hàng gia dụng đi trên vỉa hè. Một chị quẩy gánh gồm những khăn mặt, bít tất, lược, kim chỉ… đặt đôi quang gánh xuống đất cho khách chọn hàng.

Hỏi chuyện, chị bảo rằng gánh hàng xén này ở trên vai chị cả 10 năm trời. Nó đã giúp chị nuôi một đứa con tốt nghiệp Trường Cao đẳng Giao thông. Được hỏi chị có biết mình đang bán hàng ở nơi có quy định cấm, chị bảo biết. Biết nhưng vẫn bán vì quen chân rồi. Đôi khi đang mải miết đi, chợt nhận ra biển báo cấm, chị cũng giật mình. Những lúc ấy, chị lại rẽ trái hoặc rẽ phải vào phố khác. Nhưng rồi đôi chân quen lối lại đưa chị trở vào lộ trình cũ.

Chị bảo bản thân từng bị phạt 50.000đ cho một biên lai nộp phạt, mà phải lên tận kho bạc nộp. Có lúc, chị bảo đứa con trai tìm cho mình danh sách những phố cấm bán hàng rong để tránh. Rồi chị cũng có bản danh sách lận trong túi áo. Khi tôi hỏi tại sao có bản danh sách rồi mà chị vẫn đi vào cấm địa, chị cười bảo quy định cấm không nghiêm như hồi đầu nên chẳng cần phải kiêng dè nữa.

Chúng tôi dễ dàng chụp được hình ảnh về hoạt động bán hàng rong trên các phố cấm như phố Huế, Hàng Gai, Hàng Bông, Điện Biên Phủ, Tràng Tiền… Lệnh cấm đã bị người bán, người mua làm cho vô hiệu.

Hàng rong chèo kéo khách nước ngoài ở cổng chùa Trấn Quốc. Ảnh: H.H.

Trong danh sách cấm bán hàng rong còn có 48 điểm di tích lịch sử, văn hoá nên chúng tôi tiếp tục đến đây. Tại vỉa hè trước cổng đền Quán Thánh, một người bán chong chóng, hoa giấy đang bận rộn với những vị khách nước ngoài vừa bước xuống từ chiếc xe du lịch cỡ lớn. Hẳn những vị khách này rất ấn tượng trước những thứ đồ chơi làm bằng phương pháp thủ công nên nán lại khá lâu. Có vị không ngần ngại rút tiền đô ra mua 5 bông hoa giấy. Với họ, chắc chắn đây là vật có ấn tượng đẹp. Một cách tiếp cận văn hóa Việt Nam của hàng rong nhưng thật hiệu quả.

Qua con mắt của các nhà nhiếp ảnh chuyên và không chuyên, hình ảnh người phụ nữ bán hàng rong trên phố thật dung dị. Vậy mà khi thực hiện những bức ảnh về hàng rong, chúng tôi đã không ít lần phải nhận sự từ chối. Đó là chị bán khoai lang đã giơ hẳn cái cân ra xua xua khi thấy ống kính của chúng tôi... Đó là sự ngúng ngẩy cất quang gánh lên vai của 4 chị bán dứa tại ngã ba Lò Sũ - Đinh Tiên Hoàng. Họ nghi ngại hình ảnh của mình được chụp lại để xử phạt.

Biện pháp nào?

Quyết định cấm bán hàng rong trên 62 tuyến phố và 48 điểm di tích lịch sử, văn hoá ngay từ khi ra đời đã nhận được nhiều lời khen, chê. Có ý kiến hoàn toàn ủng hộ, vì Hà Nội là một thành phố văn minh, không thể để những người bán hàng rong nghênh ngang giữa phố. Ý kiến khác lại bảo rằng, gánh hàng rong là một nét văn hoá của Hà Nội. Nó là miếng cơm, manh áo của người nghèo. Lại có cả ý kiến của một nhà kinh tế rằng, đây là một cách lưu thông hàng hoá rất tốt. Nó thúc đẩy tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất phát triển, đáp ứng nhu cầu cho mọi giai tầng của xã hội chứ không như siêu thị, nơi mà người nghèo ít có điều kiện đặt chân vào.

Tại cổng đền Quán Thánh.

Cấm cứ cấm, bán cứ bán là một thực tế đang diễn ra tại các phố cấm bán hàng rong theo quy định của TP Hà Nội. Vậy nên cấm hay nên cởi bỏ đây? Dư luận đang chờ câu trả lời của người có trách nhiệm của thành phố

Hồng Hà
.
.
.