Hàng loạt dự án tại HN “tắc” vì cơ chế

Thứ Tư, 20/08/2008, 19:59
Hầu hết các ý kiến của các sở, ngành đều cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong triển khai các dự án là do hệ thống văn bản ban hành chưa đồng bộ, chồng chéo.

Ngày 19/8, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu đã có buổi làm việc với TP Hà Nội về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn Nhà nước do TP quản lý.

Các thành viên trong đoàn giám sát đã dành trọn một ngày để nghe đại diện các sở, ngành TP Hà Nội báo cáo và trình bày những vướng mắc về cơ chế, chính sách trong việc thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn trên.

Nhiều dự án vướng vì văn bản pháp luật chồng chéo

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, từ năm 2000-2006, TP Hà Nội đã triển khai xây dựng khoảng 102 dự án qui hoạch kinh tế - xã hội. Đến nay có 62 dự án qui hoạch đã được phê duyệt, trong đó có 13 dự án qui hoạch kinh tế - xã hội và 49 dự án qui hoạch ngành.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, còn tồn tại nhiều hạn chế như: Thủ đô đang trong quá trình phát triển nhanh chóng, nhu cầu đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế và xã hội lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách cho đầu tư phát triển còn hạn hẹp. Công tác qui hoạch triển khai chậm. Quản lý trật tự xây dựng và kiến trúc đô thị còn yếu kém. Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do chính sách thay đổi nhiều, khiếu kiện phức tạp dẫn đến một số dự án đầu tư kéo dài quá thời gian qui định. Thủ tục hành chính trong quản lí đầu tư phức tạp...

Hầu hết các ý kiến của các sở, ngành tại buổi thảo luận đều cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên là do hệ thống văn bản ban hành chưa đồng bộ, chồng chéo.

Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Văn Hải, việc phân cấp quản lý quy hoạch xây dựng hiện nay đã tạo điều kiện cho các quận, huyện có thể chủ động triển khai các dự án cũng như công tác thẩm định và phê duyệt các quy hoạch.

Qua thực tiễn từ năm 2006 đến nay, nhiều quận, huyện đã chủ động quản lý tốt được các dự án như quận Long Biên, quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm. Tuy nhiên, việc khớp nối quy hoạch các dự án được giao với quy hoạch chung của TP còn chưa đồng bộ.

Qua khảo sát của Sở Quy hoạch - Kiến trúc trong thời gian ngắn từ khi Hà Nội được mở rộng đến nay, nhiều quận, huyện không có Phòng Xây dựng đô thị mà chỉ có Phòng Kinh tế nói chung, lực lượng cán bộ có thể tham gia kiểm soát không đủ.

Còn ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng kiến nghị với Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên tháo gỡ những điểm chồng chéo của các luật và các văn bản.

Theo ông Tuấn, Sở Xây dựng được giao nhiệm vụ vừa thực hiện xây dựng quỹ nhà tái định cư cho TP nhưng còn vướng mắc bởi những điểm mâu thuẫn giữa hai Luật Nhà ở và Luật Đất đai. Luật Nhà ở không có dạng nhà tái định cư, chỉ có nhà kinh doanh, nhà công vụ, nhà xã hội. Nhưng Luật Đất đai lại quy định rất rõ có hai loại đất tái định cư và nhà tái định cư. Với hai loại này được miễn tiền sử dụng đất.

"Như vậy có sự không khớp nhau, khi xây dựng nhà tái định cư sẽ dẫn đến việc dồn nén khi tính giá cho các hộ dân. Luật Đất đai quy định khi đền bù giải phóng mặt bằng thì giá đất đền bù cho dân theo giá thị trường trong điều kiện bình thường. Đây cũng là điểm hợp lý trong vấn đề tính giá nhà tái định cư. Vì nhà tái định cư lại tính theo giá đất hàng năm do TP quy định, không tính tiền sử dụng đất mà chỉ tính tiền xây dựng công trình”.

Ông Tuấn nêu tiếp một điểm bất hợp lý trong Luật Nhà ở. Trong việc thực hiện xây dựng nhà ở xã hội, mô hình nhà công nhân rất thuận lợi. Nhưng Luật Nhà ở lại quy định không cho phép các công trình nhà ở xã hội được xây cao tầng là điều chưa hợp lý.

Ngay vấn đề giải quyết cho các hộ dân tại 17 nhà gỗ Chương Dương ngoài đê đang là câu chuyện bức xúc của TP. Sở Xây dựng đã giải phóng gần 300 hộ dân ra khỏi 7 nhà gỗ trong đó có 1 nhà cháy để đảm bảo an toàn. Nhưng đất giải phóng xong Sở Xây dựng lại không được làm gì vì quy hoạch đê và quy hoạch cắt lũ chưa được duyệt. Hiện nay, Sở Xây dựng đang phải dùng kinh phí Nhà nước rào lại để chống lấn chiếm.

Chủ đầu tư phải là đơn vị có chuyên môn về xây dựng

Nhiều đại biểu nêu kiến nghị, trước đây, theo Nghị định 52 của Chính phủ, tất cả chủ đầu tư chính là ban quản lý dự án. Nhưng sau khi Nghị định 16 thay thế ra đời, chủ đầu tư là các sở, ngành và ban quản lý dự án là các đơn vị do chủ đầu tư thành lập thực hiện những công trình ấy.

Hiện nay, đa số các dự án trên thực tế bị chậm tiến độ do rất nhiều nguyên nhân như chậm GPMB, do thời tiết, do thay đổi thiết kế, do cơ chế thanh toán tạm ứng vốn, do năng lực chủ đầu tư… hàng loạt lý do này không phân định trách nhiệm được là lỗi ở chủ đầu tư hay lỗi của nhà thầu.

Theo phân cấp mới thì trách nhiệm của chủ đầu tư rất cao nhưng chủ đầu tư lại không có chuyên môn về xây dựng, không thể chỉ đạo linh hoạt, chính xác.

"Nên chăng, chủ đầu tư vẫn nên giữ theo Nghị định 52 và nên thành lập những ban quản lý dự án chuyên nghiệp để thực hiện nhiệm vụ này và dứt khoát phải có thành viên trong ban quản lý dự án là người sau này sẽ sử dụng để nắm bắt được quá trình vận hành của dự án", ông Nguyễn Quốc Tuấn đề nghị.

Ông Đặng Vũ Nhật Thăng, Giám đốc Ban quản lý dự án Hạ tầng Tả Ngạn cũng nêu những bất cập trong cơ chế, chính sách hiện nay dẫn đến các công trình bị chậm tiến độ.

Theo Luật Đấu thầu quy định, các nhà thầu khi muốn tham gia đấu thầu phải có 3 năm kinh nghiệm và phải có năng lực tài chính. "Cụ thể, chúng tôi chuẩn bị đấu thầu gói thấu hơn 900 tỷ cầu Đông Trù. Trong dự án và thiết kế là làm cầu vòm thép nhồi bê tông. Đây là một công nghệ mới. Nếu theo các quy định của Luật Đấu thấu thì các nhà thầu Việt Nam mà cụ thể là Tổng Công ty Công trình giao thông I và Tổng Công ty Thăng Long của Bộ Giao thông vận tải không đủ tiêu chuẩn. Do vậy, buộc các nhà thầu Việt Nam phải liên danh hoặc mời nhà thầu phụ.

Nếu chúng ta cứ tiếp tục như hiện nay, thì trong tương lai các nhà thầu Việt Nam sẽ phải đứng ngoài nhường cho các nhà thầu nước ngoài vì Việt Nam luôn luôn ở thế yếu về kinh nghiệm. Do vậy, chúng ta cũng nên xem xét về điều chỉnh nâng cao năng lực cho các nhà thầu", ông Thăng khẩn thiết đề nghị.

Chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định, TP Hà Nội đã khai thác được lợi thế của Thủ đô. Đồng chí cũng chia sẻ với Hà Nội, việc bảo đảm sự ổn định, linh hoạt của cơ chế, chính sách trong giai đoạn lạm phát là khó khăn.

Để thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn Nhà nước trong thời gian tới, các đại biểu của Hà Nội đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện các Luật để đảm bảo cho việc quản lý Nhà nước được thống nhất, chặt chẽ

Ngọc Yến
.
.
.