Xung quanh đề xuất áp giá sàn vé máy bay:

Hãng hàng không hay người dân sẽ được hưởng lợi?

Thứ Ba, 04/04/2017, 08:09
Trong dự thảo về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa, Cục Hàng không Việt Nam (CAA) vừa đề xuất tăng mức giá tối đa lên 4.250 đồng/khách/km, đẩy mức giá trần vé máy bay hạng phổ thông thêm 7-16% tùy nhóm đường bay. Ngay lập tức, dự thảo đã thu hút được các ý kiến trái chiều từ phía các hãng hàng không. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc áp giá sàn vé máy bay sẽ không có lợi cho người tiêu dùng.


Đóng góp vào dự thảo này, Hãng hàng không quốc gia - VietNam Airlines (VNA) cho biết, trên cơ sở giá trần do Nhà nước quy định, hãng này đang áp dụng 13 dải giá vé máy bay khác nhau cho mỗi đường bay nội địa bao gồm 2 dải giá cho hạng thương gia và 11 dải giá cho hạng phổ thông với những điều kiện áp dụng khác nhau.

VNA khẳng định việc duy trì dải giá rộng kết hợp với việc mở bán linh hoạt các mức giá nhằm đạt mục tiêu tối ưu hoá doanh thu, doanh thu trung bình trên khách của hãng trên toàn mạng bay nội địa vẫn cao hơn chi phí bình quân. Tuy nhiên, mức doanh thu trung bình có xu hướng giảm qua các năm.

Cụ thể, doanh thu trung bình chi theo hành khách năm 2013 là hơn 1,63 triệu đồng/ khách; năm 2014 hơn 1,58 triệu đồng/ khách; năm 2015 hơn 1,48 triệu đồng/ khách; năm 2016 gần 1,3 triệu đồng/khách. VNA đồng ý với mức tăng giá trần vé máy bay hạng phổ thông như phương án mà Cục Hàng không đưa ra trước đó.

Đồng thời, VNA đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xây dựng giá sàn dựa trên cơ sở chi phí biến đổi cộng với chi phí thiết bị bay. Theo VNA, cơ sở để tính giá sàn và giá trần dựa trên chi phí một chuyến bay bằng máy bay Airbus A 321 trên đường bay có cự ly trên 1.280km. Cụ thể, giá trần là 4,2 triệu đồng/vé, giá sàn là 1,54 triệu đồng/vé.

Cùng đó, Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific Airlines cũng đồng ý tăng giá trần nhưng đề nghị quy định giá sàn cho 5 nhóm đường bay dao động từ 29% đến 34% so với giá trần. Jetstar Pacific Airlines cho rằng việc quy định giá sàn là nhằm tránh tình trạng các hãng hàng không cạnh tranh bằng cách liên tục giảm giá vé, có khi phải bán thấp giá thành.

Chuyên gia kinh tế cho rằng, áp giá sàn vé máy bay sẽ không có lợi cho người dân.

Trái ngược với ý kiến của hai hãng hàng không nói trên, Hãng hàng không  Vietjet Air cho rằng, việc áp giá sàn là không phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh và không phù hợp với thông lệ quốc tế, giá vé nên để quy luật cung cầu quyết định.

Vietjet cũng cho rằng, thị trường đã không còn tình trạng độc quyền, cạnh tranh gay gắt giữa các hãng, giá cả dịch vụ do quy luật cung cầu quyết định, lựa chọn cuối cùng là hành khách. Việc áp giá sàn sẽ khiến nhiều người không có cơ hội đi máy bay, làm méo mó thị trường. Vietjet khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 12-2011.

Bằng việc thu hút khách hàng với chiến lược giá rẻ, Vietjet Air đã có sự tăng trưởng thị phần thần tốc với tốc độ bình quân lên tới 150%/năm. Bên cạnh việc thu hút khách hàng từ các hãng đối thủ, hãng bay này còn đưa máy bay đến gần hơn với rất nhiều khách hàng lần đầu đi máy bay. Nếu việc áp giá sàn được Cục Hàng không thực hiện trong thời gian tới, Vietjet Air sẽ là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn nhất. Hiện Vietjet Air là hãng hàng không giá rẻ tư nhân duy nhất tại Việt Nam.

  Xoay quanh vấn đề này, trao đổi nhanh với phóng viên Báo CAND chiều 3-4, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng: Việc áp giá sàn là hạn chế cạnh tranh, hạn chế giá rẻ, rất không có lợi cho người tiêu dùng, cụ thể là người nghèo sẽ thiệt.

TS Lê Đăng Doanh cũng nhấn mạnh: Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải không nên can thiệp vào giá sàn, bởi vì trong thời gian vừa qua, hãng hàng không giá rẻ cũng như các hãng hàng không khác đã cạnh tranh một cách lành mạnh và phát triển rất nhanh.

Theo đó, hãy để cho họ cạnh tranh, cơ quan quản lý chỉ nên giám sát chất lượng một cách tốt nhất. Các hãng sẽ áp dụng công nghệ và quản lý một cách hợp lý nhất, cạnh tranh thực chất trong việc cải tiến chất lượng, lúc bấy giờ người tiêu dùng sẽ được lợi so với việc áp giá sàn. Trong trường hợp nếu áp giá sàn thì nhiều doanh nghiệp sẽ chây ì, lợi dụng vào đó mà không chịu đổi mới. Tôi cho rằng cần phải tôn trọng nguyên tắc cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.

Đặng Nhật
.
.
.