Hẩm hiu mùa hoa Tết

Thứ Hai, 26/12/2011, 18:35
Chỉ còn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, tuy nhiên tại các làng hoa kiểng Tết ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại khá trầm lắng. Thay vào đó, một không khí ảm đạm, vắng vẻ lan tỏa tại nhà vườn trồng hoa kiểng Tết, nơi cung cấp hàng triệu sản phẩm cho các tỉnh ĐBSCL, TP HCM vào dịp Tết Nguyên đán.

Trong trận lũ vừa qua, kết hợp với triều cường lên cao đã làm ngập nhiều diện tích kiểng, mai vàng của các hộ dân trồng hoa Tết ở Sa Đéc (Đồng Tháp), Chợ Lách (Bến Tre). Cùng với đó, là chi phí đầu vào tăng cao khiến nhà vườn lao đao, có nguy cơ “mất Tết”.

Ông Trần Văn Thăng – Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp cho biết: Để phục vụ Tết Nguyên đán năm nay, làng hoa Sa Đéc trồng hơn 3 triệu giỏ hoa cúc các loại, hoa vạn thọ, hoa hồng… Trong đợt lũ vừa qua, hơn 50% giàn hoa Tết của người dân bị ngập, gây thiệt hại nghiêm trọng. Cùng với đó, giá rơm, giỏ bộ, phân bón, công nhân… cũng tăng cao, khiến người trồng hoa gặp rất nhiều khó khăn.

Chạy dọc con đường nhựa thuộc phường An Hòa, thị xã Sa Đéc, nhìn những giỏ hoa kiểng đã héo rụng, bị vứt bỏ lăn lóc bên vệ đường, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Bao nhiêu công sức, tiền bạc của người dân trồng hoa kiểng Tết cũng đã “tan tành” theo con nước trong đợt lũ đặc biệt lớn vừa qua.

Nước lũ cùng triều cường lên cao khiến nhiều hộ trồng hoa kiểng Tết ở Sa Đéc, Đồng Tháp bị thiệt hại nặng nề.

Ghé nhà ông Nguyễn Văn Đức, ngụ khóm Tân Bình, phường An Hòa khi ông đang gấp rút chăm sóc những giỏ hoa kiểng còn sót lại để chuẩn bị vào đợt bán hoa Tết. Hơn 1.000 giỏ hoa cúc Đài Loan, Tiger, mâm xôi của ông đã bị héo rụi khi bị ngập nước vào cuối tháng 9 (âm lịch). “Thiệt hại khoảng 10 triệu đồng! Năm nay lũ lớn kết hợp với triều cường dâng cao nên không ai trở tay kịp hết”, ông Đức trầm ngâm nói.

Nước lũ tràn về đã làm ngập toàn bộ vườn hoa hồng, 19.000 giỏ của gia đình ông Võ Bá Hoàng, ngụ ấp Khánh Nhơn, xã Tân Khánh Đông. Trong số đó, hơn 5.000 giỏ hoa hồng chuẩn bị đến ngày xuất bán cho các thương lái đi các tỉnh, thành phục vụ Tết Nguyên đán đã bị “cuốn phăng” theo con nước. Tính sơ bộ, mỗi giỏ bán với giá hiện tại là 10.000 đồng thì con số thiệt hại cũng vào khoảng 50 triệu đồng, số tiền không nhỏ với người nông dân.

Còn tại “vương quốc” hoa kiểng Chợ Lách (Bến Tre), nhiều vườn hoa cúc mâm xôi, vạn thọ, hồng các loại, kiểng lá màu… của các nhà vườn mới vô chậu chưa kịp đưa lên giàn đã bị ngập nước, dẫn đến thối rễ, ngả màu vàng úa. Theo các lão nông có thâm niên trong nghề trồng hoa Tết tại Chợ Lách thì con số thiệt hại lượng hoa Tết do nước ngập và diễn biến thời tiết bất thường gây ra là từ 20-30% khiến nhà vườn lao đao.

Một sản phẩm chủ lực của vương quốc hoa Tết Chợ Lách là mai vàng Tết cũng bị thiệt hại nặng nề. Theo thống kê sơ bộ của các nhà vườn, hiện nay các vườn mai vàng tết đã bị “bung” sớm, chỗ ít thì cũng từ 5-10%, còn nhiều thì đến 50-60% khiến người trồng mai không khỏi lo lắng cho một mùa hoa thất bát.

Mai nở sớm khiến nhiều nông dân ở Chợ Lách, Bến Tre lao đao.

Ông Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chợ Lách cho biết, toàn huyện có gần 5.000 hộ làm nghề hoa kiểng, cung ứng cho thị trường gần 10 triệu sản phẩm. Tuy nhiên, đến thời điểm này số thương lái đặt hàng rất ít, khoảng 60% so với các năm trước là từ 80-90%. Hai đợt triều cường lớn bất thường vừa qua đã làm nhiều vườn hoa kiểng, mai vàng của người dân bị ngập nước.

Vườn mai vàng 1.000 gốc của ông Lê Ngọc Thu, ngụ xã Long Thới, huyện Chợ Lách, người có thâm niên 30 năm trong nghề trồng mai vàng cũng bị nở sớm hơn một nửa. Ông Thu chia sẻ: “3 cơn mưa lớn đợt rồi khiến hơn một nửa vườn mai vàng bị nở sớm. Giờ chỉ còn cách “sửa” lại một số chậu để bán vớt, cứu vốn. Mấy năm trước, giờ này hơn 90% vườn mai nhà tôi đã có thương lái xuống đặt hàng hết rồi. Năm nay thì vẫn chưa thấy thương lái đến hỏi. Đây cũng là cảnh ngộ chung của hàng loạt các vườn mai năm nay”. Tương tự, tại Vĩnh Long, làng mai nổi tiếng ở xã Phước Định, huyện Long Hồ, hơn 50% cũng bị nở sớm trong tổng số hơn 10.000 gốc mai đón Tết năm nay.

Việc lựa chọn, tính toán liều lượng các loại phân bón, tưới nước, chọn thời điểm nhặt bỏ lá, can thiệp để hạn chế hoặc tăng cường ánh nắng chiếu vào thân cây... là những cách tác động chủ yếu của người trồng nhằm điều chỉnh để cây ra hoa rộ vào đúng dịp Tết. Bởi hoa nở sớm trước hoặc sau thời điểm “vàng” một tuần là coi chờ… đến Tết năm sau. Còn nở trước vài ba ngày thì giá hoa cũng bị rớt thê thảm, ông Thu cho hay

Văn Vĩnh
.
.
.