Hai "người hùng" vượt lũ cứu dân

Thứ Ba, 09/11/2010, 10:57
Nhận được tin từ trưởng thôn Vầy Phúc Hỷ "Hồ chứa nước thủy lợi Phước Trung có nguy cơ vỡ to cần thông báo và di dời hộ dân sống dưới phạm vi dòng chảy", không chút đắn đo, Công an viên Nguyễn Xuân Tiến vơ vội chiếc áo phao băng rừng, vượt lũ thông báo cho dân. Tinh thần quên mình ấy của 2 anh đã giúp gần 100 người dân thôn Nha Húi thoát khỏi lưỡi hái của thủy thần trong gang tấc.

Khoảng 6h sáng 1/11, trong căn nhà nhỏ rung rinh vì mưa to gió lớn, ông Vầy Phúc Hỷ nhận được tin báo của đồng chí Katơ Nếp, Phó trưởng Công an xã Phước Trung về nguy cơ đập thủy lợi Phước Trung có thể bục vỡ bất kỳ lúc nào, cần tính đến phương án di dời dân sống trải dọc theo dòng chảy của con suối Ngang nếu chẳng may đập vỡ. Sống giữa núi rừng hoang vu nên ông Hỷ hiểu rõ sức mạnh tàn phá, hủy diệt của thần nước trong cơn cuồng nộ. Thế nên khi nhận được chỉ thị của cấp trên, ông trưởng thôn vơ vội chiếc áo phao chạy sang nhà anh Công an viên Nguyễn Xuân Tiến ở thôn Nha Húi (xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) , cấp báo tình hình.

"Tôi chỉ kịp nói với Tiến "đập sắp vỡ, phải đi cứu dân thôi" - ông Hỷ kể lại sự việc: "Nghe tôi nói vậy, không chút đắn đo, lúc ấy Tiến đang hom lửa sưởi ấm cùng gia đình liền với tay lấy áo phao rồi ào ra cùng tôi bàn nhanh phương án tác chiến. Khi ấy khu vực này là biển nước lai láng. Nếu đi đường lộ chính thì mất rất nhiều thời gian, sợ khi mình đến nơi thì đập đã vỡ sẽ không cứu được người nên Tiến bàn với tôi phải cắt rừng đi đường tắt, tuy nguy hiểm nhưng rút ngắn được thời gian. Ý thức được tài sản và tính mạng của nhiều người lúc này đứng trước mối nguy khôn tả, nếu mình không chạy đua với thời gian thì chuyện xấu nghiêm trọng sẽ xảy ra nên tôi đồng ý với phương án của Tiến".

Dù biết chọn phương án "cắt rừng" sẽ đối mặt với nguy cơ bị nước lũ từ trên thượng nguồn có thể ập đến cuốn trôi bất kỳ lúc nào, hay chỉ đơn giản là bị cây rừng gãy đổ đè lên người nhưng ông Hỷ cùng anh Tiến không hề nao núng. Cả hai mạnh mẽ xông thẳng vào núi rừng chập chùng ngày thường bình yên, thơ mộng nhưng hôm nay cuồng nộ đến rợn người.

"Chẻ rừng được gần 500m, chúng tôi bị con suối Sara chắn ngang. Lúc ấy bị lốc xoáy bẻ vặn nên cây rừng đổ rào rào bít hết mọi lối. Muốn đi ngược lên thượng nguồn đập Phước Trung lúc này chẳng con cách nào khác là phải băng ngang con suối lúc bình thường hiền hòa nhưng hôm nay hung dữ với nước chảy cuồn cuộn, dâng ngập đầu người lớn dù mọi hôm trẻ con ở làng có thể lại qua dễ dàng" - anh Công an viên Nguyễn Xuân Tiến, nhớ lại: "Nói thực là nhìn cảnh nước dâng cao lại chảy xiết ấy, tôi và anh Hỷ thoáng chút đắn đo nhưng cảm giác ấy qua nhanh lắm. Lúc ấy chúng tôi chỉ kịp phản xạ ngoái đầu về phía bìa làng, siết chặt tay cùng động viên nhau rồi lao mình về phía dòng chảy hung hãn. Vừa vượt suối tôi vừa phải hướng mặt về phía trên để tránh những khối đá khổng lồ bị lực chảy quá mạnh hất, đẩy ầm ầm về phía dưới".

Ông Hỷ rùng mình khi nhớ lại tình cảnh nguy nan: "Tôi may mắn hơn Tiến vì việc vượt suối dữ khá thuận lợi, dòng chảy cuốn tôi về phía dưới cách điểm xuất phát gần 100m rồi ném vào lùm bụi nằm phía bên kia bờ. Khi tôi loay hoay tìm cách kéo Tiến lên thì Tiến khoát tay bảo tôi hãy tranh thủ thời gian đi cứu bà con…".

Không kịp nghỉ ngơi sau gần nửa giờ vật lộn với con suối hung bạo, lúc này ông Hỷ và anh Tiến tiếp tục cắt rừng, mặc cái lạnh như cắt da cắt thịt và gai đâm, cào xé toàn thân. Lầm lũi tiến bước, rồi con suối Ngang cũng hiện ra. Lúc này nước chảy siết lắm, nước dâng cao mấp mé đất rừng, hai "người hùng" Hỷ - Tiến cứ thế lao ngược về phía đập nước, hễ gặp các hộ dân là thông báo tin khẩu và yêu cầu bà con lập tức di dời khỏi hiện trường, kiếm gò đất cao khu trú.

... và đoạn suối Sara "tử thần" sau khi nước rút.

Ông Hồ Thanh Bình, 1 trong gần 100 người dân được 2 anh Hỷ - Tiến cứu nguy trong gang tấc bày tỏ sự tri ân nhờ tinh thần quả cảm ấy của hai anh mà không chỉ ông mà các thành viên trong gia đình gồm 5 người khác cũng thoát qua cơn nguy kịch: "Đoạn suối ngang mà 21 hộ dân sinh sống trải dài khoảng 3km, mỗi nhà cách nhau cả trăm mét. Hai chú Hỷ - Tiến không ngại khó, ngại khổ, quên mình cứu dân. Với những gia đình neo đơn, hai cán bộ này còn phụ giúp họ đưa trẻ con, tài sản lên gò cao… Nhà tôi ở cách đập tràn 500m, nếu đập vỡ thì gia đình tôi sẽ bị nước cuối trôi đầu tiên. May mà hai chú ấy đến kịp. Sau khi nhà tôi di dời đến nơi an toàn thì khoảng 20 phút sau, đập vỡ toác".

Tinh thần quên mình cứu dân của trưởng thôn Vầy Phúc Hỷ và đặc biệt là anh Công an viên Nguyễn Xuân Tiến thật đáng trân trọng và cần được ngợi khen. Sáng 7/11, trao đổi với PV Báo CAND, ông Lê Phùng Sang, Trưởng Công an xã Mỹ Sơn cho biết trong trận lụt lịch sử kéo dài từ ngày 1 đến ngày 3/11 vừa qua, do bị nước chia cắt nên khu vực thôn Nha Húi bị cô lập hoàn toàn, các phương tiện cứu hộ không thể tiếp cận được. Tinh thần quả cảm và quên mình cứu dân của anh Vầy Phúc Hỷ và đặc biệt là anh Lê Xuân Tiến (đang chuẩn bị được tuyển làm Công an viên) lãnh đạo địa phương đã ghi nhận, chờ khi việc ổn định tình hình sẽ đề xuất cấp trên khen thưởng.

Ông Sang cũng cho biết cuộc sống của cá nhân anh Lê Xuân Tiến và hộ dân ở thôn Nha Húi hiện rất khó khăn vì diện tích hoa màu bị mất trắng, nhiều hộ dân bị mất đất sản xuất nên rất cần được sự chung tay sẻ chia, giúp đỡ của cộng đồng các các tổ chức xã hội

Thành Dũng
.
.
.