Hãi hùng công nghệ làm mứt Tết thủ công

Thứ Ba, 04/01/2011, 13:15
Ghi nhận tại các hộ làm mứt trái cây ở khu vực quận 6, Tân Phú, Tân Bình (TP HCM)… các loại mứt đều được tẩm màu xanh, đỏ, vàng lòe loẹt. Các công đoạn làm mứt đều không đảm bảo ATVSTP, các xô nhựa đựng nguyên liệu đều được ngâm với nước pha hóa chất nhằm làm trắng và giòn mứt. Nguyên liệu chế biến mứt thì để la liệt dưới sàn nhà. Khu vực chế biến thì dơ bẩn, bốc mùi hôi thối.

Từ giữa tháng 12 các khu vực làm mứt Tết thủ công trên địa bàn TP Hồ Chí Minh lại hoạt động tấp nập để chuẩn bị nguồn hàng tung ra thị trường. Để tìm hiểu công nghệ làm mứt, chúng tôi đã tìm đến tận các lò mứt ở các quận 3, quận 6, Tân Phú…

Địa điểm chế biến trên vỉa hè, cạnh đống rác

Theo ghi nhận của chúng tôi, ngày 2/1 tại khu vực cư xá công nhân đường sắt (quận 3), không khí làm mứt Tết tại đây diễn ra khá nhộn nhịp. Hàng chục hộ làm mứt tại đây, chỗ nào cũng trong tình trạng tạm bợ, nhếch nhác, mất vệ sinh. Vỉa hè được tận dụng tối đa để phục vụ việc sản xuất mứt Tết, thậm chí ngay cả trong nhà vệ sinh.

Cận cảnh một cơ sở sản xuất mứt Tết trên vỉa hè.

Tại một cơ sơ làm mứt Tết (mứt me), nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo trên đường Lý Thái Tổ, ngay từ đầu hẻm, hòa lẫn với mùi mứt là mùi nước cống bốc lên xộc vào mũi người đi đường, 7 công nhân đang chế biến mứt, tất cả các công đoạn đều được thực hiện ngay trên con hẻm nhỏ, rất nhếch nhác. Người gọt, kẻ ngâm, người nấu mứt, tìm chỗ đi phơi, không khí làm việc rất khẩn trương. Nguyên liệu chế biến nằm lăn lóc dưới vỉa hè, cạnh đống rác, xô chậu ngổn ngang xung quanh, ruồi nhặng bu đầy.

Tương tự, cách đó 30m, một cơ sở làm mứt mãng cầu, nguyên liệu sau khi đã được bóc hết vỏ, được công nhân mang đi nhào nặn, tách hạt ra (hạt được giữ lại, sau khi chế biến xong, đến khâu đóng gói sẽ cho vào theo từng múi như kiểu mứt được rim tự nhiên) rồi đổ thành đống mặc cho ruồi, nhặng thưởng thức. Sau đó, mang đi ngâm trong các xô, chậu cáu bẩn. Các nguyên liệu đã được ngâm tẩy xong được đổ ra phơi la liệt trên mái nhà, bên vệ đường, rất mất vệ sinh. Cạnh đó, 2 người phụ nữ, đang đóng gói mứt me sau khi đã rim xong ngay dưới nền nhà.

Mứt me khi rim xong, được đổ đống dưới nền nhà, phía dưới chỉ lót một tấm nilon mỏng ngay ngoài đường. Cả hai người, với bàn tay cáu bẩn, không đeo bao tay "vô tư" đóng gói mứt me. Chốc, chốc lại đưa bàn tay "nhớp nháp" lên miệng mút một cách ngon lành. Mặc kệ người đi đường, bụi bẩn bám vào đống mứt đang nằm dưới sàn nhà. Mỗi người một công đoạn, từ gọt vỏ, ngâm, ngào đường, cho đến đóng gói… tất cả đều được thực hiện ngay ngoài đường đi, vỉa hè, ống cống, cạnh đống rác. Chum, vại, xô chậu ngâm nguyên liệu nổi bọt trắng xóa, thậm chí nhiều chỗ còn mốc xanh được bày la liệt ngay trên miệng cống, dọc đường đi, bốc mùi nồng nặc.

Nguyên liệu vứt lăn lóc trên mặt bàn cáu bẩn, bụi bặm, không được che đậy cẩn thận.

Nguyên liệu không rõ nguồn gốc

Mặc dù các công đoạn chế biến mất vệ sinh như thế, nhưng sau khi đóng gói nhìn rất ngon lành, bắt mắt. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các loại mứt sau khi chế biến được chuyển qua cho các hộ dân lân cận rảnh rỗi, từ nhân viên cắt tóc, người giữ xe, bán tạp hóa… đóng gói (dán nhãn mác, tên cơ sở ma). Sau đó, số mứt này được chuyển cho các đầu mối đã đặt sẵn và bỏ mối cho các tiểu thương (chủ yếu ở chợ Bình Tây, chợ Lớn) phân phối đi khắp nơi tiêu thụ trong dịp Tết.

Trước đó, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an TP HCM phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất mứt Tết tại khu vực cư xá công nhân đường sắt. Đoàn kiểm tra phát hiện hai cơ sở sản xuất, chế biến mứt Tết không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Hai cơ sở này do bà Đ.T.K.T. và bà N.T.T.T. làm chủ, cả hai cơ sở này đều không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, các loại nguyên liệu không rõ nguồn gốc, trôi nổi, công nhân không được tập huấn. Đoàn kiểm tra còn phát hiện tại hai cơ sở này đang chế biến mứt me và mứt mãng cầu sát nhà vệ sinh. Các thau đựng nguyên liệu, thành phẩm để ngay trên sàn nhà không có dụng cụ che đậy. Nhiều nguyên liệu bị mốc xanh, có sử dụng thuốc tẩy trắng trong quá trình chế biến mứt Tết.

Ghi nhận tại các hộ làm mứt trái cây ở khu vực quận 6, Tân Phú, Tân Bình… các loại mứt dừa, khoai lang, chùm ruột, tắc, sơri… đều được tẩm màu xanh, đỏ, vàng lòe loẹt. Các công đoạn làm mứt đều không đảm bảo ATVSTP, các xô nhựa đựng nguyên liệu đều được ngâm với nước pha hóa chất nhằm làm trắng và giòn mứt. Nguyên liệu chế biến mứt thì để la liệt dưới sàn nhà. Khu vực chế biến thì dơ bẩn, bốc mùi hôi thối. Các loại mứt sau khi chế biến xong được đựng trong các thau, xô chậu nằm la liệt dưới nền nhà, không được che đậy cẩn thận… Tuy nhiên, vì lợi nhuận một số cơ sở sản xuất mứt Tết sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình (mang tính thời vụ) sử dụng một cách tùy ý, vô tội vạ. Vì vậy, cơ quan chức năng khuyến cáo, với những loại thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không có nhãn hiệu, màu sắc bất thường... thì người tiêu dùng không nên mua mà chọn những loại thực phẩm rõ nguồn gốc, có uy tín để đảm bảo sức khỏe.

Để làm trắng các loại mứt mãng cầu, bí thì đều phải dùng chất tẩy trắng, chất phụ gia để hấp dẫn người tiêu dùng và cạnh tranh với các loại mứt Tết Trung Quốc (nhập vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch). Còn các loại mứt trái cây, mứt dừa xanh, đỏ, vàng lòe loẹt thì cũng dùng toàn phẩm màu công nghiệp mua ở chợ Kim Biên (quận 5), một chủ cơ sở sản xuất mứt Tết lâu năm tiết lộ. Từ quy trình sản xuất không đảm bảo ATVSTP đến nguyên liệu không rõ nguồn gốc, cộng thêm hóa chất trôi nổi (hàn the, chất chống ẩm mốc, đường hóa học, phẩm màu có nguy cơ độc hại) sử dụng quá hàm lượng hoặc dùng những loại hóa chất nằm trong danh mục cấm bất chấp việc ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

V.Vĩnh
.
.
.