Hãi hùng “cò tai nạn”

Chủ Nhật, 15/03/2009, 16:56
Có lẽ không có loại cò nào vô lương tâm và trơ trẽn như là "cò tai nạn". Họ xuất hiện ngay lập tức trong bất kỳ vụ va chạm giao thông nào trên đường và sẵn sàng tìm đủ mọi cách trên rắc rối và không may của người khác để đục nước béo cò.

Họ trà trộn và lẩn khuất trên đường phố, trong quán nước vỉa hè, hay có thể ngay trên cung đường và đang tham gia giao thông như mọi người bình thường khác. Khi có bất kỳ một vụ va chạm giao thông nào xảy ra, ngay lập tức, họ có mặt. Tuỳ theo mức độ của vụ tai nạn giao thông nặng hay nhẹ mà tham gia.

Nặng quá, chết người hoặc phải đi viện cấp cứu thì họ chỉ phán vài câu rồi rút lui vì những vụ việc nặng, Công an thường đến giải quyết, không còn có phần cho "cò". Những vụ va chạm nhẹ, thường không sứt đầu chảy máu, thì ngay lập tức, họ sẽ ngang nhiên bước vào tham gia và dàn xếp vụ va chạm này một cách rất chuyên nghiệp và tích cực như thể họ là người trong cuộc.

Xã hội đã gọi họ là đội ngũ "cò tai nạn", một thứ "cò" không giống ai vì làm lợi trên nỗi đau, sự không may của người khác. Phức tạp hơn, đội ngũ cò này thường là bán chuyên nghiệp, có nghĩa là chưa hẳn đã là "cò" thật, mà chủ yếu chỉ làm "cò" khi có sự cố, và một số khác thì vô tình trở thành "cò" vì cái tính thích can thiệp dù chỉ là những chuyện giữa đường và không phải của mình.

1. Câu chuyện thứ nhất

Câu chuyện này xảy ra trước Tết Kỷ Sửu, ngay trước cửa nhà tôi, giữa xe ôtô 4 chỗ và một chiếc xe máy. Xe ôtô từ ngoài vào, xe máy từ trong lao ra đã không kịp tránh mà đâm sầm vào ôtô. Hai mẹ con bị ngã lăn xuống đất, chiếc xe máy bị bể gương. Hai mẹ con bị xây xát tí chút. Sự việc chỉ có vậy. Rõ ràng là xe máy đã sai vì không làm chủ tốc độ, người điều khiển xe máy lại lao từ ngõ ra và lại đang nghe điện thoại di động nên đã đâm sầm vào bên sườn phải của ôtô. Những người quanh đó tụm lại hiếu kỳ.

Một người đàn ông xông vào làm ầm lên. "Đứa nào đè chết vợ con tao đấy"! Ngay lập tức, dân làng quây lại hiện trường vụ tai nạn. Người lái xe ôtô cho rằng người đi xe máy đi sai. Người đàn ông tự xưng là chồng nói: "Bây giờ ông tính sao thì tính, làm cho vợ con tôi ngã sứt sát thế mà ông định xù hả".

Người đàn ông hằng ngày vẫn chạy xe ôm quan sát từ nãy đến giờ mới lên tiếng: "Bây giờ mà phân xử cho ra ai sai ai đúng thì ông về đồn Công an giải quyết nhé. Không biết ai sai ai đúng, hai bên đều bị giữ xe rách cả việc, có khi tiền còn mất nhiều hơn. Thôi, ông kia, ông đi xe ôtô, ông va phải người ta, đúng hay sai gì cũng may cho ông, người ta chỉ bị xây xước nhẹ, không sao cả. Chứ người ta mà bị nặng, ông phải vào viện nuôi, tốn kém bao nhiêu mà kể, ấy là chưa kể nhỡ chết người thì ông còn chết nữa. Phúc nhà ông thế là to rồi. Ông đưa 500 ngàn người ta đi sửa cái xe và mua hộp sữa cho con. Chẳng gì thì ông cũng đi ôtô, người ta đi xe máy. Nguyên tắc của tai nạn giao thông là cứ xe lớn đền xe bé".

Nghe người đàn ông nói vậy, cậu thanh niên kia không muốn rắc rối miễn cưỡng rút tiền ra đưa cho người phụ nữ và quay về xe để đi. Ngay lập tức, hắn ta kéo cậu thanh niên đi xe ôtô kia ra một góc, gãi đầu gãi tai và nói gì đó. Cậu thanh niên kia rút ví đưa 100 ngàn cho hắn và lên xe đi ngay.

Về phía hai mẹ con kia, sau khi xe ôtô đi, người đàn ông nãy giờ xưng là chồng của người phụ nữ kia nói rõ to: "Bà chị đi sai hoàn toàn. Lý ra, nếu Công an giải quyết thì bà chị còn phải đền việc làm tróc sơn xe ôtô của cậu kia. Nhưng vì bà chị là phụ nữ, lại chở con nhỏ, lại đi xe máy, nên chúng tôi giúp cho bà chị chẳng những phải đền sửa xe cho người ta lại còn được tiền. Thôi, bà chị cho bọn này mấy đồng uống nước.”.

Người phụ nữ đã vui vẻ trở lại và cũng chia sẻ cho người "chồng hờ" 100 ngàn đồng.

2. Câu chuyện thứ 2

Vào ngày mồng 2 Tết Kỷ Sửu, vợ chồng con cái anh P. ở phường Cửa Đông, TP Vinh, Nghệ An cùng cháu gái là bạn tôi lên thăm nhà bác M..

Gia đình anh P. đi chiếc xe ôtô 4 chỗ. Cháu gái đi xe máy theo sau. Đi được 500m xe đi qua ngã tư đường làng. Đây là đoạn ngã tư rất dốc, bên kia đường là cống nước bê tông lớn, hở, không có nắp, một bên cống là đám cỏ ven đường, bên kia là bê tông, xe bạn tôi đi phía sau cách ôtô khoảng 3m.

Khi đi qua đoạn ngã tư dốc, Anh P. không còi, xe chạy với tốc độ khoảng 20km/h. Xe chưa lên được dốc thì bất ngờ một chiếc xe máy SH lao ngang qua, quệt vào đầu ôtô làm bay biển số ôtô, chiếc xe máy lao xuống cống, đầu xe găm vào cống, xe ở tư thế đứng thẳng.

Chiếc xe máy do anh C. khoảng 35 tuổi điều khiển, chở vợ và hai con gái nhỏ. Cả gia đình này không một ai đội mũ bảo hiểm, hai cháu bé ngồi giữa bố và mẹ. Xe đi với tốc độ tối đa khoảng 70km/h. Khi xe lao xuống cống, cả gia đình bị ngã sang bên phía bãi cỏ. Bạn tôi đi ở đằng sau cách ôtô với khoảng cách an toàn nên không bị đâm vào đuôi xe, đã kịp nhìn thấy toàn bộ diễn biến sự việc, và là người chứng kiến từ đầu đến cuối vụ tai nạn giao thông, ngoài ra không có ai có mặt tại hiện trường.

Cùng lúc dân làng thấy có va chạm nên nhiều người chạy ra chỗ xe máy bị ngã cùng bàn luận về việc sai đúng của xe máy và ôtô. Không ai nhìn tường tận vụ tai nạn, nhưng vẫn tham gia bàn luận phán xét và cho rằng ôtô sai, và xe máy đúng. Bạn tôi cố gắng nói rõ những tình tiết của vụ tai nạn.

Phần sai lớn nhất thuộc về người đàn ông điều khiển xe máy mà trên xe không có một ai đội mũ bảo hiểm, và khi lên dốc không bấm còi. Phần sai của anh P. là khi lên dốc cũng không bấm còi xe. Ai sai đến đâu thì chịu trách nhiệm đến đấy. Thế nhưng, nhìn một cô gái bé nhỏ đứng ra phân tích sự việc, mấy tên đầu trọc xăm trổ (sau này mới biết là dân nghiện, và xóm đó có rất nhiều người nghiện) đã gạt phắt ý kiến của bạn tôi đi và đòi ôtô phải bồi thường xe máy. Anh P. thấy mình ở vào thế bị dồn ép kiểu xe lớn phải đền xe bé, trước họ hàng, người nhà, không biết đầu cua tai nheo gì nhao ra mỗi lúc một đông cứ khẳng định ôtô phải đền xe máy.

Với lại tâm lý không được bình tĩnh trong ngày đầu năm mới, sợ rắc rối cả năm, anh P. nhắm mắt ký vào bản cam kết do gia đình người đi xe máy đưa ra rằng anh P. sẽ bồi thường toàn bộ thiệt hại về xe và trả chi phí chụp não kiểm tra cho cháu bé. Người đi xe máy còn đòi anh P. phải thay lại đồ mới cho đồ bị hỏng của chiếc xe. Vậy là chi phí của vụ tai nạn này, anh P. phải chi trả từ việc sửa xe cho đến chụp phim cho cháu bé lên tới 15 triệu đồng. May là cháu bé hoàn toàn bình thường.

Thật buồn sau này chính những người có mặt hôm đấy nói rằng: người làng không bênh vực thì vụ tai nạn này phần sai chắc chắn là về phía người đi xe máy. Tôi cũng không thể hiểu được, với người đàn ông đi xe máy kia, bản thân mình tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, đi trái đường, lại lên dốc với một tốc độ lớn khoảng 70km/h và đâm sầm từ phía bên trái đường vào xe ôtô, gây tai nạn cho xe ôtô, vậy mà bắt đền người đi xe ôtô toàn bộ tới 15 triệu đồng để thay mới các phụ tùng của chiếc xe SH đã qua thời kỳ bảo hành từ lâu, liệu người đàn ông kia có sung sướng hỉ hả trong cả năm được không?

3. Câu chuyện thứ ba

Ngay mới đây thôi, đúng vào rằm tháng 2 Kỷ Sửu, trong lúc lái xe ôtô đi đến cơ quan qua ngã tư Giải Phóng, Lê Duẩn, với tốc độ 15km/h, do trời mưa, đường đông tôi thấy một người đàn ông đi xe máy bên cạnh tôi la lên: Bánh xe đè vào ngón chân tôi rồi kìa. Nghĩ không có việc gì, tôi thò đầu qua cửa xe xin lỗi người đàn ông kia do đường tắc quá, người đông tôi không cố ý, và tiếp tục chạy xe theo cung đường Lê Duẩn. Người đàn ông kia chạy xe máy vọt lên đầu xe tôi và chặn lại yêu cầu tôi xuống xe. Tôi dừng xe lại và xuống.

Người đàn ông kia làm ầm lên: "Cô đè vào chân tôi mà cô cứ thế chạy à. Cô phải làm gì đi chứ". Người đàn ông ấy tháo giày ra và ôm ngón chân trỏ xuýt xoa kêu đau. Tôi bóp vào ngón chân của anh ta thấy bình thường, tôi bảo: "Chân của anh không sao cả, em đã xin lỗi anh rồi, có gì anh thông cảm cho, em xin phép anh đi làm kẻo muộn giờ".

Đúng lúc ấy có hai người đàn ông đi bộ ở phía trong công viên chạy ra và một người phụ nữ còn trẻ khoảng 27-28 tuổi đi xe máy lên và bảo: "Thôi anh ơi, em xin anh tha cho chị ấy. Chị ấy là người nhà của em đó. Đường tắc đông, va phải anh là chuyện không may. Thôi, em thay mặt chị em xin anh và mong anh bỏ qua cho. Chị đưa cho anh kia 200 ngàn đồng rồi đi đi".

Hai người đàn ông kia vội chen vào: "Tha là tha thế nào, đưa người ta lên viện chụp phim xem ngón chân có bị làm sao không. Người phụ nữ xoắn xuýt: "Thôi, chị ấy là người nhà của em đấy, xin các anh tha cho chị ấy". Hai người đàn ông kia nói: "Hai trăm ngàn là quá ít đấy, đưa thêm cho người ta 300 ngàn rồi đi. Hai bên thông cảm cho nhau là được".

Khi nghe người phụ nữ và hai người đàn ông kia nói vậy, người đàn ông đi xe máy phản ứng: "Tôi có phải cần tiền đâu, đè lên ngón chân của tôi thì phải có ý kiến với tôi chứ. Tiền tôi không cần".

Đến lúc này, tôi phát hiện ra vệt bùn quệt ở ống chân trái của anh ta. Ngón chân mà anh ta kêu bánh xe tôi đè lên là ngón trỏ, trong khi đó chúng tôi đi cùng chiều với nhau, nếu đường chật, bánh xe ôtô của tôi có đè lấn lên chân trái của anh ta thì phải là ngón út và ngón áp út chứ. Tôi hỏi anh ta: "Sao bánh xe của em lại có thể đè lên ngón trỏ được". Người đàn ông lúc này mới tẽn tò, đuối lý biết ăn vạ bị lòi đuôi mới bảo tôi: "Thôi, cô đi đi. Tiền thì tôi không cần. Chỉ cần cô xin lỗi là được rồi".

Tôi lên xe đi. Người phụ nữ nhận tôi là người nhà còn chạy xe theo tôi và bảo: "Chị gì ơi, chị gì ơi, sáng rằm mà thế là may rồi. Nhờ có em đấy, chị cho em dăm chục uống nước nhé. Gặp phải người tốt, người ta lại còn không bắt đền tiền là may đấy nhé. Thôi, bà chị cho em xin 50 ngàn tiền lộc nhé". 

Thay lời kết  

Quá nhiều loại "cò" xuất hiện trong cuộc sống hôm nay. Nhưng có lẽ không có loại cò nào vô lương tâm và trơ trẽn như là "cò tai nạn". Chúng tôi chỉ muốn qua bài viết này, những người tham gia giao thông nên cẩn trọng hơn trong việc đi lại và càng cẩn trọng hơn với một số người trên đường phố, họ xuất hiện ngay lập tức trong bất kỳ vụ va chạm giao thông nào trên đường và sẵn sàng tìm đủ mọi cách trên rắc rối và không may của người khác để đục nước béo cò.

Với thói quen cứ xe to đền xe nhỏ, không biết bao nhiêu người đi xe to, dù xe nhỏ sai mười mươi vẫn cứ phải ngậm đắng nuốt cay rút tiền ra đền. Đến bao giờ vấn nạn này mới được dẹp bỏ, để mọi người tham gia giao thông đều được bình đẳng trước pháp luật

.
.
.