Hai cậu bé nghèo hiếu học

Thứ Ba, 30/09/2008, 09:34
Một người mồ côi cả cha lẫn mẹ, một người sớm thiếu vắng tình cảm của cha nhưng cả hai cùng có một điểm chung là ham học và học rất giỏi. Năm học vừa qua, cả hai em đều thi đỗ vào những trường ĐH danh giá.

Cậu học trò mồ côi vào Học viện Cảnh sát nhân dân

Ngày cậu bé mồ côi Nguyễn Văn Dũng ở xã Quảng Phong, Quảng Trạch, Quảng Bình khăn gói ra Hà Nội học đại học trở thành sự kiện của làng quê nghèo xã Quảng Phong. Năm Dũng mới lên 6 tuổi thì mẹ mất vì căn bệnh ung thư. Chưa vơi nỗi đau mất mẹ, trái tim non nớt của em lại gánh thêm nỗi đau mất bố nên Dũng phải tự lập từ rất sớm.

Ở với các anh chị đến năm lớp 8 thì Dũng chỉ còn lại một mình khi anh chị lần lượt xây dựng gia đình và ở xa. Bố mẹ mất, tài sản để lại cho Dũng chỉ là một căn nhà trống và 2 sào ruộng khoán. Chỉ còn một mình nhưng Dũng không bỏ ruộng, đến ngày mùa không làm nổi một mình thì em đổi công với bà con làng xóm và làm rất chu tất. Nhưng 2 sào ruộng cũng chỉ đủ gạo ăn. Để có thêm tiền ăn học, Dũng cố học thật giỏi để giành các suất học bổng ở trường và đi làm thêm.

Dũng thường đi với thầy giáo Lê Thái Hà - giáo viên kỹ thuật của Trường THCS Quảng Phong để nhận lắp đặt hệ thống điện cho các hộ dân vừa xây nhà ở trong xã. Gặp ai thuê việc gì làm việc ấy, Dũng tỉ mẩn chắt chiu ươm mầm học của mình. Mưa, nắng, khó khăn rồi cũng qua, Dũng tự tin nộp hồ sơ thi đại học cùng các bạn.

Cậu học trò mồ côi Nguyễn Văn Dũng và bà nội.

Hôm nhận được giấy báo trúng tuyển vào Học viện Cảnh sát nhân dân, mừng quá mà không còn bố mẹ để khoe nên nước mắt Dũng cứ lưng tròng. "Tội nghiệp thằng Dũng, côi cút một mình nhưng chịu thương chịu khó lắm. Ba mạ hắn chết sớm, anh chị hắn mải lo cho gia đình riêng không ai lo được cho hắn. Rứa mà hắn tự lo được cho mình, tự đi thi rồi đậu đại học, rứa là giỏi lắm rồi". Người dân Quảng Phong tự hào về Dũng.

Cậu bé "chằm nón"... đậu hai trường đại học

Cậu bé đó là Phan Tiến Đạt ở thôn Tân Lộc, xã Quảng Tân, huyện Quảng Trạch. Đạt nhận một lúc hai giấy báo đậu vào Trường Đại học Y Huế với số điểm 28 và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm 28,5. Anh Nguyễn Văn Hạnh - Bí thư xã Đoàn Quảng Tân dẫn tôi đến thăm ngôi nhà nhỏ của Đạt nằm khuất sâu hút trong làng. Khi đến nhà, thấy Đạt đang thoăn thoắt với mũi kim và chiếc nói lá trên tay, tôi đùa: "Con trai mà chằm nón khéo hè!". Đạt dừng tay, cười bẽn lẽn: "Có chi đâu anh, em làm kiếm thêm ít tiền để nhập trường". Anh Hạnh nghe vậy, ghé sát tai tôi nói nhỏ: "Đó là công việc thường xuyên ngoài giờ học của Đạt đó anh ạ!".

Hoàn cảnh gia đình Đạt rất khó khăn. Bố bỏ mẹ con Đạt khi em còn quá nhỏ. Thương mẹ tảo tần, chị em Đạt cùng xúm vào giúp mẹ. Đạt là con trai, nhưng chằm nón, đi giặm lúa, đi gặt lúa không hề thua kém các chị. Khi hai chị gái lần lượt vào đại học, hoàn cảnh gia đình đã khó khăn càng khó khăn hơn, Đạt gánh luôn công việc giúp mẹ của hai chị. Hằng ngày, ngoài giờ học ở lớp Đạt lại lao vào chằm nón, xắt chuối nấu cháo heo, giặm lúa ngoài đồng...

Không hề biết đến chuyện học thêm, sách vở chủ yếu "thừa kế" của các chị và đi mượn, thế nhưng 12 năm học liền Đạt đều là học sinh xuất sắc, năm học nào cũng giật giải cao ở các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Năm nay Đạt đã quyết định chọn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để theo học. Bà con hàng xóm ai cũng trầm trồ, nhưng mẹ Đạt thì thở ngắn thở dài... Món nợ hơn 30 triệu đồng ở ngân hàng mà mẹ Đạt vay cho hai chị học đại học nay lại tiếp tục tăng lên khi em vào đại học

Dương Sông Lam
.
.
.