Hải Phòng: Vì sao nhiều nông dân bỏ ruộng?

Thứ Bảy, 19/04/2008, 11:45
Bình quân thu nhập đầu người làm nông, lâm, thuỷ sản ở Hải Phòng hiện đạt hơn 3 triệu đồng/năm, chỉ bằng 12% so với khu vực đô thị và bằng 15% so với các hộ làm phi nông nghiệp. Vì thế, nhiều hộ nông dân đã nghĩ ra mẹo cho thuê, cho mượn ruộng, để rồng rắn ra phố tìm kế sinh nhai.

Hải Phòng là TP công nghiệp, nhưng hơn 60% dân số lại sống ở các vùng nông thôn, bằng sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, giá cả đầu vào của sản xuất nông nghiệp tăng cao, cộng với rủi ro do thiên tai, dịch bệnh khiến hiệu quả đầu tư thấp, bấp bênh. Một bộ phận nông dân vì thế bỏ ruộng, bươn chải khắp nơi kiếm sống…

Mưu sinh… "trên từng cây số"

Chủ tịch UBND xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng - ông Bùi Văn Bễ bức xúc: "Hiện đồng ruộng xã tôi chỉ còn những người tuổi cao, sức yếu sản xuất. Càng lo hơn, một số hộ cứ khăng khăng đòi trả lại xã diện tích đất 5% đang cấy, vì không có lãi".

Nguyên nhân của tình trạng này, theo một chuyên gia của Sở NN&PTNT Hải Phòng, là do thu nhập bình quân từ đất canh tác tại địa phương quá thấp.

Giá trị trồng trọt trên đất nông nghiệp của Hải Phòng, bình quân năm 2006 mới đạt 40,96 triệu đồng. Với giá trị này, nếu trừ vật tư, phân bón thì thu nhập hỗn hợp chỉ đạt 16,38 triệu, tương ứng với 590.000 đồng/sào.

Nghĩa là, người nông dân thu nhập khoảng 50.000 đồng/sào/tháng, khoảng 1.600 đồng/sào/ngày. Không những thế, người dân lại liên tục phải đối mặt với diễn biến hết sức phức tạp của thiên tai, dịch bệnh. Đợt rét đậm, rét hại hồi đầu năm nay, có tới 70% diện tích lúa của Hải Phòng bị chết, phải cấy lại, thua lỗ là điều khó tránh.

Khảo sát mới đây của Sở NN&PTNT Hải Phòng cũng cho hay, chênh lệch về thu nhập bình quân giữa khu vực đô thị với nông thôn Hải Phòng và sản xuất nông nghiệp với phi nông nghiệp ngày càng lớn.

Bình quân thu nhập đầu người làm nông, lâm, thuỷ sản ở Hải Phòng hiện đạt hơn 3 triệu đồng/năm, chỉ bằng 12% so với khu vực đô thị và bằng 15% so với các hộ làm phi nông nghiệp. Vì thế, nhiều hộ nông dân đã nghĩ ra mẹo cho thuê, cho mượn ruộng, để rồng rắn ra phố tìm kế sinh nhai.

Đồng ruộng thưa vắng bóng nông dân.

"Độc diễn" 5 sào ruộng với đủ các mô hình, nhưng mấy tháng nay, chị Phi ở xã V., huyện Vĩnh Bảo vẫn luôn phải "bắc nước chờ gạo" chồng đưa về. Nhà không còn hạt thóc nào, bốn "chiếc tàu há mồm" hàng ngày chỉ còn biết trông vào khoản tiền 40.000 đồng từ việc đội cát thuê của anh Phi ở bến Tiên Cựu.

Chị Thiết cùng xã cũng vay gạo bữa từ lâu. Biết không thể trông vào nghề làm vàng mã, vì ngày công quá "bèo", chỉ 1.000 đến 2.000 đồng, vợ chồng chị Thiết đành khăn gói nhảy tàu lên tận Thái Nguyên, tìm vào bãi vàng làm thuê. Ngày công 50.000 đồng cơm nuôi, tưởng chủ trả như vậy là đắt, nhưng cái giá vợ chồng chị trả còn đắt hơn nhiều. Chị bị đá đè gãy chân, còn anh mắc nghiện, khó có cơ khỏe lại.

Hiện, chỉ riêng xã Tân Liên, Vĩnh Bảo, đã có 500 người trên tổng số 2.000 lao động nông nghiệp bỏ ruộng, đi khắp nơi kiếm sống bằng đủ mọi nghề, từ thợ hồ, thợ xây đến Ô sin, thu gom đồng nát…

Trong số họ, có cả những phụ nữ còn đang cho con bú, sáng đạp xe đi, chiều đạp về, trên từng cây số để mưu sinh.

Để nông dân bớt nhọc, gắn bó với ruộng đồng

Nông nghiệp Hải Phòng tuy không phải là ngành kinh tế mũi nhọn của TP, nhưng là khu vực chiếm số đông dân cư (hơn 60%). Hơn thế, nó đảm bảo an ninh lương thực cho 1,8 triệu dân, tạo hậu thuẫn để các ngành kinh tế CN, DL-DV của TP phát triển.

Chưa kể, nông nghiệp Hải Phòng từng là "cái nôi" của "khoán 10", là một trong số ít địa phương ở miền Bắc đã thử nghiệm, ứng dụng sản xuất thành công hàng chục giống lúa lai, góp phần đưa năng suất vượt ngưỡng 12 tấn/ha từ cách đây gần chục năm.

Bởi vậy, sẽ thật uổng nếu như các mô hình đó không được phát huy triệt để nhằm tăng giá trị sản xuất, nâng cao mức sống nông dân.

Đáng tiếc, đi cùng với diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do chuyển đổi mục đích sử dụng (quân bình mỗi năm giảm 1.000ha), việc đầu tư  trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp ở Hải Phòng hiện chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hải Phòng, tổng đầu tư cho sản xuất nông nghiệp hàng năm, nếu tính cả đầu tư của các huyện, các xã mới đạt khoảng 12-13 tỷ đồng, bằng 0,4% giá trị sản xuất nông nghiệp.

Nói chung, đầu tư ngân sách cho sản xuất nông nghiệp của Hải Phòng hiện  mới chiếm khoảng 2% so với tổng đầu tư chương trình phát triển. Với mức đầu tư này, khó có thể thúc đẩy được sản xuất phát triển, nhất là trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh hoành hành, giá vật tư, phân bón leo thang từng ngày.

Từ thực trạng trên đây, theo chúng tôi, ngoài tăng cường đầu tư, hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, cần giảm bớt các khoản phí và lệ phí… Có như vậy mới kéo nông dân trở lại gắn bó với ruộng đồng và hơn thế, giúp họ bớt phần nhọc nhằn hơn trên đường mưu sinh

Lệ Thu
.
.
.