Hải Phòng: Vận tải công cộng "sắp chết"?

Thứ Hai, 02/04/2012, 13:51
Cả TP Hải Phòng hiện mới chỉ có 11 tuyến xe buýt với 121 đầu  xe. Thế nhưng, số lượng xe ít ỏi này cũng đang... “teo” dần, thậm chí có doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động. Nếu không có động thái quyết liệt, hệ thống vận tải công cộng tại thành phố Cảng chắc chắn sẽ tụt hậu và bài toán chống ùn tắc giao thông mãi là vấn đề nan giải.

Lộ trình bị rút ngắn, chất lượng dịch vụ không đảm bảo

Theo phản ảnh của nhiều người dân, trên tuyến xe buýt từ Đồ Sơn về Bưu điện trung tâm thành phố, khách thường được nhắc nhở: “Xe chỉ chạy đến cầu Rào, ai về Bưu điện xuống chờ xe sau”. Việc bị cắt bớt tuyến, xe tranh khách, chạy không đúng giờ, giá vé liên tục tăng qua các năm, hệ thống nhà chờ, biển báo, sơ đồ tuyến dịch vụ xe buýt vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng, đang là thực trạng rất phổ biến của dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP Hải Phòng.

Theo ông Đàm Xuân Lũy, Giám đốc Sở GTVT thành phố, do hạn hẹp về kinh phí, mỗi năm Hải Phòng mới đầu tư được 2 tỷ đồng hỗ trợ 2/11 tuyến xe. Nếu so sánh, số tiền này quá “khiêm tốn” so với 1.084 tỷ đồng của Thủ đô Hà Nội và 1.268,8 tỷ đồng đầu tư của TP Hồ Chí Minh trong năm 2011. Với tình hình hiện nay, có lẽ trong tương lai rất gần, các đơn vị vận tải công cộng của thành phố sẽ bị “khai tử”.

Được biết, từ nhiều năm nay, ngành chủ quản là Sở GTVT cũng đã cố gắng đề ra phương án “đấu thầu xe buýt trợ giá” nhưng đều không thực hiện được do không có nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp nào tham gia đấu thầu. Các đơn vị kinh doanh xe buýt đã phải tính đến giải pháp cho phép quảng cáo trên xe buýt và các điểm chờ để giảm thua lỗ, song số lỗ hằng năm của các doanh nghiệp vẫn lên tới hàng chục tỷ đồng.

Tuyến xe buýt từ nội thành Hải Phòng ra Đồ Sơn.

“Xa vời” bài toán giảm ùn tắc giao thông

Thực tế cho thấy, do chất lượng phục vụ kém, thiếu sự đầu tư chiều sâu, dịch vụ xe buýt trên địa bàn Hải Phòng đã không đảm đương được “sức mạnh” vốn có của nó. Chính vì vậy mới nảy sinh mâu thuẫn: Nhu cầu đi lại hiện rất cao song người Hải Phòng đang quay lưng với xe buýt.

Theo ông Vũ Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường bộ Hải Phòng, doanh nghiệp luôn được yêu cầu phải bảo đảm đủ số chuyến, lượt, phương tiện bảo đảm chất lượng xe tham gia hoạt động/ngày. Tuy nhiên, diễn biến trong thực tiễn thì luôn ngược lại. Dịch vụ kém, khách ít, đương nhiên lỗ và càng chạy càng lỗ. Nếu doanh nghiệp chọn phương án tăng giá vé tuyến, lượng hành khách càng giảm. Nếu thành phố không sớm trợ giá và cơ quan chủ quản không có những giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, không biết các đơn vị này sẽ hoạt động được đến khi nào. Chưa nói tới việc mở thêm các tuyến mới là điều không khả thi.

Được biết, trong số 121 xe buýt đang hoạt động hiện nay có tới 35% số xe đang xuống cấp và hư hỏng không thể bảo đảm yêu cầu an toàn khi vận chuyển khách. Số “thương binh” này sẽ còn tăng lên nếu TP Hải Phòng không sớm nâng cấp. Bên cạnh đó, các đơn vị vận tải còn gặp nhiều khó khăn về bãi đỗ xe.

Điển hình như Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Quảng Đông. Dù không muốn nhưng doanh nghiệp này vẫn buộc phải mở tuyến đến Khu Công nghiệp Đình Vũ vì ở đó mới có chỗ để xe buýt.

Trong số 5 doanh nghiệp vận tải bằng xe buýt trên địa bàn thành phố, duy nhất chỉ có Công ty TNHH MTV Đường bộ Hải Phòng là có nơi để xe. Chưa kể tới hệ thống nhà chờ, biển báo, vạch sơn phần đường dành cho xe buýt, sơ đồ tuyến trong nhiều năm qua không được đầu tư đang xuống cấp nghiêm trọng.

Trong cuộc họp gần đây nhất về giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng ở Hải Phòng, đại biểu Quốc hội thành phố đã có ý kiến, cách duy nhất vực lại hoạt động trên lĩnh vực này là Hải Phòng cần khẩn trương thực hiện đầu tư kinh phí thỏa đáng cho các doanh nghiệp như cách làm của nhiều tỉnh, thành phố khác.

Đã qua 8 năm hoạt động, các cơ quan chức năng địa phương cần xem lại hiệu quả của từng tuyến, thậm chí có thể cắt bỏ ngay những tuyến ít khách và những tuyến trùng lặp, tổ chức đấu nối giữa các tuyến dài để giảm chi phí cho doanh nghiệp...

Phát triển xe buýt là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển giao thông nội đô, hình thành nên văn minh đô thị, hạn chế lượng phương tiện tham gia giao thông, góp phần thay đổi nhận thức sử dụng phương tiện cá nhân làm giảm bớt ùn tắc, tai nạn giao thông.

Việc quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng, chuẩn hóa hệ thống xe buýt là việc làm cần thiết để xe buýt Hải Phòng không bị tụt hậu, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế, an sinh xã hội tại một thành phố cảng biển, du lịch, dịch vụ lớn của khu vực phía Bắc

Đăng Hùng
.
.
.