Hải Phòng: Tham mưu kém, UBND thành phố “hớ”

Thứ Ba, 20/09/2005, 09:26

Do không kiểm tra kỹ lưỡng nên các cơ quan tham mưu của thành phố Hải Phòng đã đề xuất UBND thành phố cấp đất do người dân đang sử dụng cho một doanh nghiệp dẫn đến hậu quả: DN không có đất còn người dân đi khiếu kiện.

UBND thành phố Hải Phòng vừa chính thức ra Văn bản số 4317 thu hồi diện tích đất đã cấp cho Trường PTDL Nguyễn Du tại vị trí nằm trong chỉ giới bảo vệ nguồn nước thô sông Rế - nơi cung cấp nước thô cho Nhà máy nước An Dương. UBND thành phố cũng giao Sở Xây dựng cùng các ngành liên quan tìm địa điểm mới để di chuyển trường.

Khi được giao đất (tháng 12/2003), Trường PTDL Nguyễn Du đã đầu tư vào đây hàng tỷ đồng. Đến nay, hầu hết các hạng mục xây dựng đã hoàn tất với khu hiệu bộ cùng các dãy phòng học khang trang... Toàn bộ cơ ngơi của một trường trung học nay phải đập bỏ, tiền bị "ném qua cửa sổ" khi năm học mới bắt đầu... Liệu số tiền này nhà trường có được bồi thường hay không và nếu có thì nguồn kinh phí lấy ở đâu?

Một vụ việc phức tạp khác đang diễn ra ở phường Quán Trữ, quận Kiến An. Từ năm 2002, theo đề xuất của cơ quan tham mưu, UBND thành phố ra quyết định cho một công ty thuê hơn 9.000m2 đất và ngày 19/7/2004, công ty này đã nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong số 9.000m2 đất này có 20 hộ dân khu 6 phường Quán Trữ sinh sống và tháng 5/2005, họ nhận được văn bản của chính quyền địa phương về việc “lấn chiếm đất đai của Công ty TNHH Ngọc Phương”.

Sau khi kiểm tra theo đơn của 20 hộ dân này, ngày 31/8, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường báo cáo UBND thành phố: Hóa ra, trong tổng số hơn 9.000m2 đất đã giao cho công ty có cả gần 1.000m2 là đất thổ cư của 20 hộ dân nhưng các hộ này chưa hề được thông báo, chưa được nhận đền bù... Sở Tài nguyên - Môi trường bày kế: "Tạm dừng thực hiện quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Ngọc Phương; bổ sung phần bồi thường cho 20 hộ dân"...

Công ty TNHH Ngọc Phương thì cho rằng họ đã bồi thường đầy đủ cho UBND phường theo yêu cầu của các cơ quan chức năng; họ đã được giao đất, được cấp "bìa đỏ", đã xây dựng nhà máy. Do vậy, việc giải tỏa toàn bộ 9.000m2 mặt bằng để giao cho doanh nghiệp là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Phía các hộ dân thì khẳng định, các cơ quan quản lý Nhà nước đã lấy nhầm đất của dân để giao cho doanh nghiệp thì diện tích nhầm này phải trả lại cho dân, vẽ lại bản đồ địa chính mặt bằng đất của doanh nghiệp theo hướng nằm ngoài phần đất của dân.

Người lãnh đủ là Công ty TNHH Ngọc Phương: tuy nhà máy của họ đã đi vào sản xuất nhưng trong khi chờ giải tỏa phần đất của 20 hộ dân, họ phải tạm thời mở một lối đi nhờ qua đất của doanh nghiệp khác.

Công việc chung nên trách nhiệm chẳng riêng ai

Trong báo cáo trình ra kỳ họp gần đây của HĐND, lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng cũng đã chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn đến các khiếu kiện của nhân dân là "năng lực tham mưu yếu kém của một số cơ quan, ban, ngành".

Nhận định trên của UBND thành phố là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, cần bổ sung rằng nguyên nhân làm cho năng lực của các cơ quan tham mưu còn yếu kém là do sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa đồng bộ. Khi xảy ra sự cố nào đó thì không thể quy kết trách nhiệm cho ai và đó là "lỗi tập thể".

Một minh chứng là các thủ tục hành chính phức tạp trong quy trình giao đất, cho thuê đất tại Hải Phòng. Theo quy trình hiện hành thì ai cũng có quyền rất lớn: từ cán bộ địa chính đến lãnh đạo UBND xã, phường, quận, huyện rồi các cán bộ, chuyên viên ở các sở quản lý chuyên ngành... Thế nhưng, khi xảy ra khiếu kiện như các ví dụ đã nêu thì không thể quy trách nhiệm cụ thể cho ai!

Duyên Hải
.
.
.