Hải Phòng: Phương tiện thuỷ nội địa vi phạm coi thường luật

Thứ Tư, 20/09/2006, 08:09

Từ đầu tháng 9/2006, Đoàn kiểm tra liên ngành (gồm Cảng vụ, Thanh tra giao thông, Tài nguyên - Môi trường) tiến hành 2 đợt/tuần, kiểm tra tất cả phương tiện thủy nội địa trên các tuyến luồng vào cảng. Kết quả 100% phương tiện được kiểm tra đều có vi phạm.

Ngày 13/9, trong đợt 1 của tuần thứ 2, Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tuyến luồng Quỳnh Cư đến hạ lưu cảng Vật Cách. Tuy chiều dài chỉ có gần 10km, tuyến luồng này đã có tới 6 bến cóc. Tại bến Nở, kiểm tra xà lan QN-0457 của vợ chồng anh Nguyễn Văn Dung và chị Phùng Thị Lén (ở Đức Chính, Đông Triều, Quảng Ninh), trọng tải khoảng 70 tấn, chuyên chở cát từ bến phà Đông Triều về bán cho bãi cát bến Nở, xà lan đang chở 50m3 cát (tương đương gần 70 tấn) chờ tập kết lên bãi.

Bất cần luật lệ...

Khi đoàn kiểm tra giấy đăng ký, đăng kiểm, anh Dung trình bày, gia đình anh mua lại phương tiện này của một chủ tàu ở Quảng Ninh cách đây 6 tháng, trong tình trạng chờ bán sắt vụn vì quá cũ kỹ. Không có vốn, gia đình anh cố khai thác nuôi sống gia đình, nên không có ý định làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm. Biết vi phạm đấy, nhưng để "tính sau". Đến đây, Đoàn kiểm tra chỉ biết lập biên bản vi phạm, hẹn ngày xử lý.

Đến một bến cóc khác (thuộc khu vực Công ty Xi măng cũ, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng) có 4 xà lan đang chất đầy đạm urê chở từ Móng Cái (Quảng Ninh) về Hải Phòng chờ bốc hàng. Phương tiện có trọng tải nhỏ nhất là 200 tấn, lớn nhất 350 tấn, đều trong tình trạng quá mướn nước, quá trọng tải. Cả 4 xà lan NĐ-0826, NĐ-0972, NĐ-0937 và NĐ-1753 chuyên vận chuyển hàng khô, nhưng không xin phép cập bến của Cảng vụ Hải Phòng. Nhân viên Thanh tra giao thông khi kiểm tra phương tiện đều không xuất trình được chứng nhận an toàn kỹ thuật và chứng chỉ hành nghề của thuyền viên. Lạ nhất là chưa bao giờ đóng lệ phí hàng hải...

Theo ông Nguyễn Văn Ngồng (Phó phòng Pháp chế - Cảng vụ Hải Phòng) và ông Nguyễn Duy Hiền (Đội trưởng Thanh tra giao thông), không phải đợt kiểm tra lần này, trong 19 phương tiện được kiểm tra gần đây rất hiếm phương tiện hoàn thiện hồ sơ an toàn. Càng ngày càng nhiều phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Hàng hải. Đặc biệt, khi tiến hành điều tra, xử lý, 100% phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, an toàn hàng hải.

Nguyên nhân vì đâu?

Theo Ban Thanh tra - Sở Giao thông công chính Hải Phòng, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kiểm tra phương tiện nào thì phương tiện đó vi phạm ATGT. Thứ nhất, phương tiện tham gia giao thông thủy ngày càng nhiều, chủ tàu coi thường luật lệ, trong khi đó công tác xử lý phương tiện vi phạm thiếu hiệu lực bởi không có chế tài cụ thể. Ngoài Nghị định 40/CP của Chính phủ và Nghị định 60/CP về xử phạt hành chính đối với phương tiện đường thủy và tàu biển không có quy định xử lý nào mang tính pháp lý, xử phạt nghiêm minh. Bởi thế, chủ tàu "khinh nhờn" luật lệ và hoạt động một cách tự do.

Thứ hai, Hải Phòng hiện nay chưa có điểm lưu giữ phương tiện thủy vi phạm nên dù có vi phạm nghiêm trọng cũng không bị cơ quan chức năng lưu giữ tàu. Trong đợt kiểm tra vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành phải tạm tháo máy tàu của 2 phương tiện để chờ xử lý, 4 phương tiện khác phải mang đi gửi tại các âu tàu và thuê người trông coi.

Thứ 3, thống kê đầy đủ có khoảng 1/5 số phương tiện đã cũ nát, quá hạn sử dụng và cả tàu xi măng lưới thép chở vật liệu xây dựng mà nhiều tư nhân "liều" khai thác. Khi bị kiểm tra, xử phạt nhiều, số tiền phạt lớn hơn giá trị tàu, thuyền, hầu hết các chủ phương tiện "bỏ của chạy lấy người".

Ngoài 3 nguyên nhân trên, ông Hoàng Đại Giang (Trưởng phòng ATHH - Cảng vụ Hải Phòng) cho rằng, cấp chính quyền ở một số địa phương có bến bãi không phát huy hiệu quả quản lý Nhà nước, tùy tiện cho thuê bến bãi để thu lệ phí, tạo "đất" cho các phương tiện hoạt động không đúng quy định và Luật Giao thông đường thủy nội địa. Bên cạnh cảng chính, có chính quyền địa phương tự mở bến cóc, gây cản trở trên các tuyến, luồng.

Để khắc phục những bất cập trên, các ngành chức năng đã có kiến nghị UBND thành phố cho phép thành lập điểm lưu giữ phương tiện vi phạm tại nhánh sông Rế (quận Hồng Bàng). Mặt khác, UBND thành phố nên sớm có quyết định xóa bỏ những bến cóc trên dọc các tuyến, luồng vào cảng Hải Phòng, không gây cản trở tàu, thuyền qua lại, giảm thiểu tai nạn…

Mạnh Hừng
.
.
.