Hải Phòng: "Nóng bỏng" chạy đua vào... lớp 1

Thứ Hai, 22/06/2009, 11:20
Mới chớm hè, nhưng thành phố biển Hải Phòng oi nồng thực sự, bởi "cơn sốt" vào trường điểm, đặc biệt là vào lớp 1. Thời điểm này đang bước vào giai đoạn "nước rút", khiến các bậc phụ huynh đứng ngồi không yên.

Việc tìm thầy dạy chữ cho con hiện đang trở thành… phong trào đối với các bậc phụ huynh có con vào lớp 1 ở khu vực nội thành Hải Phòng. Dường như phụ huynh học sinh đang bị cuốn bởi "làn sóng" dạy thêm, học thêm này.

Theo điều tra riêng của chúng tôi, có đến 80-90% trẻ ở khu vực các quận nội thành Hải Phòng, nhất là con các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả đi học chữ trước tuổi. Phụ huynh coi đây là chuyện đương nhiên phải làm, vì nếu không, con mình sẽ thua bạn, kém bè (!?). Còn một số giáo viên tiểu học thì mặc nhiên, coi việc trẻ bắt đầu vào lớp 1 đã phải biết đọc, biết viết.

Được biết, UBND TP Hải Phòng năm nào cũng có văn bản nghiêm cấm việc dạy thêm, học thêm. Sở GD&ĐT thành phố cũng chỉ đạo các trường phải dạy đúng chương trình, đối tượng, nghiêm cấm giáo viên tiểu học dạy trước chương trình. Nhưng những lớp học thêm, kiểu "cho quen với mặt chữ" vẫn đua nhau mọc, vượt ngoài tầm cương tỏa.

Đáng lưu ý, việc đua nhau cho con học chữ trước khi bước vào lớp 1, không hẳn chỉ vì phụ huynh muốn "tăng tốc" việc học chữ cho con, mà còn vì tin đồn khi tuyển trái tuyến, người ta sẽ coi đấy là một trong những căn cứ (chứng chỉ) để tuyển(!?). Chính vì vậy, hầu như 100% phụ huynh có ý định xin cho con học trái tuyến vào lớp đầu cấp, đều… xin bằng được cho con học thêm.

Học sinh học chính khóa được cô chăm chút hướng dẫn.

Song như thế vẫn chưa thấm tháp vào đâu so với cuộc rượt đuổi vào lớp 1 trái tuyến. Việc lên chỉ tiêu, thẩm duyệt học sinh trái tuyến thuộc thẩm quyền UBND các quận, huyện và các phòng giáo dục, nhưng tham mưu, đề xuất và quyết định lại là hiệu trưởng các trường. Vì thế, đây là dịp để lãnh đạo các trường có học sinh trái tuyến đông "bày tỏ quan điểm" với các bậc phụ huynh: Nào mong các vị "tự nguyện" ủng hộ nhà trường thứ này, nào giúp đỡ nhà trường thứ kia.

Thậm chí, có trường còn yêu cầu phụ huynh đóng tiền mua tích kê để con mình được nhận vào lớp 1 (!?). Đương nhiên, đi kèm những tờ tích kê này, là vài triệu đến vài chục triệu đồng, khiến phụ huynh hết sức bức xúc.

Có một thực tế, hầu hết những em đã biết đọc, khi vào lớp 1 không còn hứng thú nghe cô dạy, lúc cô gợi mở tư duy cũng không thèm nghe. Trong khi đó, những em không học trước dễ lâm vào tình cảnh hoang mang, lo lắng. Khi nghe thấy các bạn đọc ào ào, các em dễ khủng hoảng ngay từ những ngày đầu tiên đi học. Ấy là chưa kể, học sinh như tờ giấy trắng, nay vì học trước, học cả những thói quen sai, rất khó sửa. Tai hại hơn, cô thấy học sinh sai, không đủ kiên nhẫn để sửa sai và thế là… "họa vô đơn chí".

Trao đổi với một chuyên gia về giáo dục tiểu học ở Hải Phòng, chúng tôi được một chuyên gia giải thích, phụ huynh không nên lo lắng về chuyện cho con đi học trước tuổi, vì ở lớp mẫu giáo là học sinh đã làm quen với 24 chữ cái, vậy là đủ và hãy để cho trẻ phát triển tự nhiên. Điều cần nhất là chuẩn bị tâm lý cho trẻ vào lớp 1, cho trẻ tham quan, làm quen ngôi trường nơi trẻ sẽ học lớp 1. Cũng có thể tập cho trẻ cách cầm bút, ngồi đúng tư thế, biết lắng nghe… Việc này có thể hướng dẫn trẻ ở nhà. Không cần gò ép trẻ học trước quá nhiều, nếu dạy sai sẽ thành tật, khó sửa.

Đối với Hải Phòng, vấn nạn "chạy trường" đã nảy sinh không ít những hệ lụy. Trước hết, nó làm mất sự công bằng ngay chính trong đội ngũ những người làm công tác GD&ĐT. Thứ đến, nó gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bởi vậy, cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để làm rõ những tiêu cực và xử lý nghiêm minh. Có như vậy mới trả lại sự trong lành cho môi trường giáo dục của thành phố

Lệ Thu
.
.
.