Hải Phòng: Nhiều vụ công nhân đình công, khiếu kiện tập thể

Thứ Tư, 14/04/2010, 16:00
Từ đầu năm tới nay, Hải Phòng xảy ra 5 vụ đình công, ngừng việc tập thể ở 5 doanh nghiệp lớn. Cùng thời điểm, TAND ở một số quận, huyện và thành phố đang phải thụ lý hàng chục vụ án lao động. Đây là tình hình cần phải sớm khắc phục để đảm bảo ổn định sản xuất và phát triển bền vững.

Qua theo dõi, giám sát của cơ quan chức năng ở Hải Phòng, chỉ trong 1 ngày (ngày 3/2/2010) đã xảy ra 2 cuộc đình công, ngừng việc tập thể ở 2 doanh nghiệp, đó là Công ty TNHH Quốc tế Vĩnh Trân (thuộc quận Dương Kinh) và Công ty TNHH May Việt Hàn (thuộc huyện Kiến Thụy), với 1.400/2.300 công nhân tham gia. Nguyên nhân, doanh nghiệp đã cắt giảm tiền phụ cấp chuyên cần, cấp sổ bảo hiểm xã hội chậm, người lao động không đồng tình với cách tính tiền lương mới và đảo ngày làm thêm giờ từ thứ 2 chuyển sang thứ 7.

Sau đó 3 ngày (ngày 6/2), 300 công nhân Công ty TNHH JKC 100% vốn Hàn Quốc, đóng tại KCN Nomura cũng đình công, đòi trả tiền thưởng tháng thứ 13 trước Tết và tạm ứng lương tháng 1 (như đã hứa).

Ngày 11/3, phân xưởng may gồm 200 công nhân Công ty TNHH SinJobo (100% vốn của Singapore) đình công đòi tăng lương và tăng đơn giá sản phẩm. Đáng nói là vì công ty  này làm việc theo dây chuyền nên 1 phân xưởng may ngừng việc, đã kéo theo các dây chuyền khác, với số công nhân ngừng việc đông tới 700 người. Sự vụ này kéo dài đến tận ngày 17/3 mới cơ bản chấm dứt.

Tương tự, ngày 11/3, gần 500/678 công nhân Xí nghiệp Giày Hàng Kênh thuộc Công ty CP Giày Hàng Kênh (ở huyện An Lão), cũng ngừng việc tập thể với kiến nghị: Tăng lương cơ bản, lương sản phẩm; thời gian làm việc buổi sáng từ 7h30; làm tăng ca không được quá 20h30; thứ 7, chủ nhật không làm thêm giờ…

Cũng liên quan đến thực thi chế độ chính sách không đầy đủ, không đảm bảo quyền lợi của người lao động, rất đông người lao động ở một số doanh nghiệp trên địa bàn Hải Phòng gần đây đã có đơn khởi kiện ra toà, khiến TAND các cấp phải thụ lý giải quyết. Đơn cử như vụ xảy ra ở Công ty  CP Đồ hộp Hạ Long.

Công nhân ở một doanh nghiệp thuộc KCN Nomura (Hải Phòng) đình công, yêu cầu tăng lương.

Theo báo cáo của TAND quận Ngô Quyền (Hải Phòng) thì đây là vụ tranh chấp về lao động liên quan đến việc xác định hệ số lương và truy nộp tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) khi chấm dứt hợp đồng lao động với rất đông người lao động ở công ty này. Vụ việc xảy ra từ trước năm 1998 (Công ty  Đồ hộp Hạ Long lúc đó là doanh nghiệp Nhà nước), nhưng tận bây giờ vụ việc mới vỡ lở, người lao động mới có đơn khởi kiện ra toà.

Tuy vậy, hầu hết các vụ đình công, ngừng việc hay khiếu kiện đông người vừa qua, thường xảy ra ở những doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là khu vực thường có mức tiền lương thấp, cuộc sống người lao động còn khó khăn, trong khi việc thực hiện quy chế dân chủ lại không được triệt để. Vì thế, giữa chủ và thợ chưa có được sự thấu hiểu, chia sẻ lẫn nhau.

Ngoài ra, cũng cần phải xem xét lại mức lương tối thiểu quy định hiện nay. Bởi, so với thời giá, mức lương tối thiểu này là quá thấp. Trong khi đó, doanh nghiệp, lẽ ra phải căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh của mình để trả lương người lao động mới hợp tình, hợp lý, thì lại dựa vào mức lương tối thiểu để trả lương. Như vậy, không những không cải thiện được đời sống của người lao động, mà còn tiềm ẩn sự bất ổn do những bức xúc trong cuộc sống nảy sinh.

Thiết nghĩ, để đảm bảo ổn định chung, doanh nghiệp có điều kiện phát triển bền vững thì trước mắt, các vụ việc nêu trên phải được giải quyết triệt để, thấu tình, đạt lý, trên tinh thần đảm bảo quyền lợi cho người lao động và tôn trọng pháp luật. Về phía công nhân, cũng nên kết hợp đình công, ngừng việc với những biện pháp khác để giải quyết vướng mắc với người sử dụng lao động, nhằm đạt mục đích của mình. Riêng phía doanh nghiệp, cũng cần coi đây là bài học trong sản xuất kinh doanh, đừng để vụ việc xảy ra đến mức "dồn toa" gây mệt mỏi cho cả cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người lao động

Lệ Thu
.
.
.