Hải Phòng: Nguy cơ biến mất vườn chim núi Đấu

Chủ Nhật, 12/08/2012, 20:45

Núi Đấu nằm trong quần thể đồi rừng Thiên Văn, quận Kiến An, Hải Phòng với diện tích 12ha. Sự hình thành và tồn tại của một vườn chim quý hiếm nơi đây được xem là hiện tượng thiên nhiên kỳ thú không chỉ của thành phố Cảng mà của cả vùng đồng bằng Bắc Bộ, có thể sánh ngay với Đảo Cò của tỉnh Hải Dương.

Trong những năm 70 của thế kỷ trước tới nay, núi Đấu là nơi trú ngụ của hàng vạn con chim hoang dã với 98 loài, 67 họ chủ yếu là cò, vạc, cuốc, lele, vịt trời... Thậm chí, còn có loài được ghi trong Sách đỏ như cò lửa mõm vạc... chọn đất lành núi Đấu. Năm 1999, nhằm bảo vệ đàn chim này, UBND TP Hải Phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu III đã chi hàng trăm triệu đồng, giao cho Phòng Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quân khu tiến hành lập dự án bảo tồn và xây dựng hàng rào ngăn cách toàn bộ khu rừng nguyên sinh với khu dân cư để bầy chim yên ổn sinh sôi.

Năm 2004, trước đại dịch cúm gia cầm, Hải Phòng từng là một trong số địa phương bị thiệt hại nặng nhất. Không những thế, tâm điểm của ổ dịch lại cách vườn chim núi Đấu không xa. Cùng với cơ quan chức năng TP Hải Phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu III đã hạ quyết tâm bảo vệ đàn chim núi Đấu. Bởi thế, trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao nhưng vườn chim núi Đấu vẫn bình an vô sự. Tuy nhiên, từ năm 2009 trở lại đây, đặc biệt là từ năm 2012 tới nay, số lượng chim, cò tại đây dần giảm từ 10 vạn xuống còn vài vạn, rất thưa thớt và hiện hầu như không còn con nào.

Vườn chim núi Đấu chỉ còn thưa thớt, lác đác vài con chim về cư trú.

Lý giải cho tình trạng trên, một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do nguồn thức ăn của loài chim bị cạn kiệt, ô nhiễm. Khu bãi triều ven sông và những cánh đồng thuộc địa bàn các huyện An Dương, An Lão, Tiên Lãng... (Hải Phòng) là bãi ăn chính của đàn chim đang bị thu hẹp. Có thể thấy rõ nhất là khu cánh đồng và bãi bồi nằm ven sông Lạch Tray, thuộc địa phận xã Hồng Thái, huyện An Dương đang bị san lấp để xây dựng khu tái định cư, những ngôi biệt thự cao tầng. Máy trộn bê tông, san, gạt đất của các công ty xây dựng ồn ã suốt ngày đêm, cộng với khói nhựa đường nghi ngút bốc cao đã gây ô nhiễm nặng khiến đàn chim bay đi.

Ngoài ra, sự phát triển các khu công nghiệp làm cho diện tích sản xuất đất nông nghiệp của các huyện trên teo tóp lại. Bên cạnh đó, người dân sử dụng khá nhiều phân bón hóa học trong sản xuất nên đã triệt tiêu nguồn thức ăn của đàn chim. Vì lẽ đó, đàn chim di cư đến nơi khác để tìm nguồn thức ăn dồi dào hơn là điều tất yếu. Một vấn đề nữa cũng cần phải nhắc tới đó là tình trạng săn bắn trái phép các loài chim này. Các quán “chim trời” mọc lên như nấm tại Hải Phòng cũng không nằm ngoài nguyên do làm sụt giảm đáng kể số lượng đàn chim.

Sự biến mất của đàn chim núi Đấu là hiện tượng bất thường, liên quan tới nhiều lĩnh vực về sinh thái, môi trường... cần có sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học, các cơ quan chuyên ngành và của cả cộng đồng. Mất đi một địa chỉ du lịch sinh thái đặc biệt như vườn chim núi Đấu ở Hải Phòng – thật đáng tiếc lắm thay!

B.Diệp
.
.
.