Hải Phòng: “Khát” nước sạch do ô nhiễm nguồn nước

Thứ Sáu, 17/06/2005, 07:49

1,7 triệu dân cả nội và ngoại thành Hải Phòng đều phải trông chờ vào nguồn nước sinh hoạt từ các con sông qua xử lý ở các nhà máy nước. Nhưng số sông đủ tiêu chuẩn cung cấp nước thô ở Hải Phòng không nhiều và lại đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm.

Ngoài quận mới Hải An vừa thành lập, trong quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, một ngày không xa, Hải Phòng sẽ có thêm 3 quận mới: khu vực Bắc sông Cấm, khu vực phía Tây - Bắc và khu vực ven đường Phạm Văn Đồng từ cầu Rào đi Đồ Sơn. Do vậy, nhu cầu cung cấp nước sạch của đô thị Hải Phòng sẽ là vô cùng lớn.

Ngoài ra, ở 6 đô thị vệ tinh của Hải Phòng là các thị trấn thuộc các huyện ngoại thành, thậm chí ở tất cả các xã ngoại thành hiện nay cũng đang diễn ra quá trình đô thị hoá mạnh mẽ. Hiện mới chỉ có 57% dân số ngoại thành được sử dụng nước tương đối hợp vệ sinh. Hơn 50% số giếng khoan và 70% số giếng đào ở ngoại thành đã bắt đầu bị ô nhiễm nước, chất lượng ngày càng kém, khó sử dụng.

Sông Rế là con sông cung cấp nước thô cho Nhà máy nước An Dương, đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt của 82% cư dân đô thị Hải Phòng hiện nay. Ngày 21/10/2003, UBND thành phố ban hành Quyết định 2584/QĐ-UB phê duyệt Quy hoạch chi tiết bảo vệ nguồn nước thô sông Rế. Theo đó, trong chỉ giới 100m tính từ mép sông, nghiêm cấm xây dựng bất cứ công trình nào và không được xả nước thải, dù đã được xử lý chảy xuống sông.

Bất chấp quy định trên, ngày 5/12/2003, Trường Trung học dân lập Nguyễn Du lại có được Quyết định giao đất số 3208/QĐ-UB với diện tích 8.620m2, để xây trường tại vị trí đến sát mép sông, cách trạm bơm Quán Vĩnh chỉ có 200m về phía thượng lưu!

Ngày 20/7/2004, khi phát hiện sự việc trên, Công ty Cấp nước đã lập biên bản vi phạm và báo cáo UBND thành phố. UBND thành phố giao cho các ngành hữu quan kiểm tra và đề xuất giải pháp xử lý. Điều đáng nói là các cơ quan này vừa tham mưu cho UBND ban hành quy hoạch chi tiết bảo vệ nguồn nước sông Rế và sau đó, cũng chính họ lại tham mưu cho UBND giao đất vi phạm chỉ giới.

Trường Trung học dân lập Nguyễn Du vẫn đang thi công bên bờ sông Rế.

Đã gần 1 năm, nhiều cuộc họp được tổ chức nhưng chưa có giải pháp nào đưa ra. Mới đây, dù chưa có giấy phép xây dựng nhưng Trường Trung học dân lập Nguyễn Du tiếp tục thi công và dự kiến sẽ hoàn thành công trình vào tháng 9 tới!

Trước đó, Công ty Cấp nước cũng phải chạy tới chạy lui gõ cửa nhiều cơ quan, ban, ngành mới có thể giải tỏa được 1 trang trại chăn nuôi lợn cạnh trạm bơm của Nhà máy nước Vật Cách.

Trường hợp vi phạm của gia đình ông Lương Đình Lập - một cán bộ cấp sở ở Hải Phòng - được phát hiện từ tháng 2/2004 đến nay vẫn chưa xử lý được. Ông này ngang nhiên xây dựng nhà kiên cố, có tổng diện tích sử dụng 420m2 nằm hoàn toàn trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt của trạm bơm Vật Cách.

Tình trạng vi phạm, gây ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản… ở sông Đa Độ (nguồn nước thô cho Nhà máy nước Cầu Nguyệt), ở sông He (nguồn nước thô cho Nhà máy nước Đồ Sơn) cũng rất đáng báo động.

Năm ngoái, ông Vũ Trọng Quyền ở xã Hoà Nghĩa còn ngang nhiên thuê máy đào hút bùn trong lòng sông He, khiến nước sông đục ngầu, trạm bơm buộc phải ngừng hoạt động!

Từ đầu năm tới nay, thanh tra của Công ty Cấp nước lập biên bản, xử lý được 38 trường hợp vi phạm chỉ giới bằng cách tự dỡ bỏ công trình, khôi phục lại hiện trạng ban đầu cho khu vực bảo vệ nguồn nước thô. Có 42 trường hợp vi phạm khác, chủ hộ vi phạm đã ký cam kết không xây dựng thêm công trình trong chỉ giới bảo vệ

Phan Anh Cường
.
.
.