Hải Phòng: Hàng trăm phòng học mầm non xuống cấp

Thứ Hai, 30/08/2010, 13:15
Chỉ còn ít ngày nữa là khai giảng năm học mới, nhưng hàng trăm phòng học mầm non ở các địa phương trên địa bàn TP Hải Phòng xuống cấp chưa được sửa sang, đe dọa sự mất an toàn của cô và cháu.

Hải Phòng là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước có Nghị quyết chuyên đề về giáo dục mầm non. Theo đó, ngành học này sẽ được quan tâm nhiều hơn, toàn diện hơn, đặc biệt về cơ sở vật chất, bắt đầu từ năm học này. Đáng tiếc, chỉ còn ít ngày nữa là khai giảng năm học mới, nhưng hàng trăm phòng học xuống cấp, đe dọa sự mất an toàn của cô và cháu, vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Điệp khúc… học nhờ!

Theo bà Nguyễn Thị Vang, Phó trưởng Phòng GD huyện Vĩnh Bảo, đến cuối tháng 8/2010, chỉ riêng bậc học mầm non của huyện vẫn còn 73/230 phòng học xuống cấp nặng; 25 phòng học tạm (nhờ nhà kho, nhà văn hóa làng). Tất cả, đều rất mất an toàn vì có thể đổ sập bất kể lúc nào. Như vậy có nghĩa, phòng học đã thiếu, nay lại phải cộng thêm nỗi lo… nhà sập. Điển hình của thực trạng này phải kể đến các xã Dũng Tiến, Tiền Phong, Vĩnh Tiến…

Tại điểm trường thôn 6, xã Dũng Tiến, các cháu ở đây phải học nhờ nhà văn hoá thôn. Đây là ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng, xây dựng cách đây đã 30-40 năm, vừa dột nát, vừa hôi hám, ẩm thấp. Đã vậy, các cháu còn phải chịu cảnh "3 không": Không bếp ăn, không nước sạch, không nhà vệ sinh…

Tương tự, xã Tiền Phong cũng có tới 3-4 điểm trường, hầu hết đều không an toàn cho trẻ. Trong đó, điểm trường ở thôn Linh Đông 1 có 4 phòng học thì 2 phòng vì quá dột nát, xuống cấp, phải đóng cửa. Riêng ở xã Vĩnh Tiến, các cháu được học ở nhà 2 tầng, nhưng nỗi lo nhà sập lại luôn canh cánh, vì công trình này xây dựng cũng đã 30-40 năm, tường và trần đều đã bị bong tróc, nứt gãy.

Đối với trường lớp mầm non ở các huyện Tiên Lãng, An Lão, Thủy Nguyên, Kiến Thụy… cũng không khá hơn. Tại huyện Tiên Lãng, lãnh đạo Phòng GD huyện này cho biết, hiện có đến 50% số phòng học mầm non trên địa bàn là nhà cấp 4, 24 phòng học tạm (nhờ địa điểm), 84/244 nhóm lớp không có nhà vệ sinh cho các cháu, 11/25 trường không có nhà làm việc cho giáo viên…

Lớp học mầm non xã Dũng Tiến (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) phải học nhờ nhà văn hóa làng.

Nhiều bậc phụ huynh ở các xã Kiến Thiết, Bắc Hưng, Đông Hưng, Tiên Minh, Đoàn Lập… (cùng huyện Tiên Lãng) bức xúc phản ánh, đã nhiều năm nay, con em họ liên tục phải học nhờ trong các nhà kho tạm bợ của HTX. Do chỗ ngồi học chưa có nên các công trình phụ trợ khác, cũng như thiết bị để vui chơi vẫn chỉ là niềm khát khao của cô và cháu.

Còn ở huyện Thủy Nguyên, khảo sát của địa phương cho hay, toàn huyện có 38 trường mầm non, với 83 điểm trường, 422 phòng học. Trong số này, 59 phòng là nhà kho HTX, chỉ có thể học nhờ, học tạm; 202 phòng là nhà cấp 4; 85 phòng học xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ sập đổ cao. Hiện địa phương còn thiếu 30 phòng học mầm non, nhưng đến nay mới chỉ một số phòng được xây mới.

Việc thiếu phòng và phòng học không đảm bảo an toàn, đã dẫn đến những nghịch lý, bất cập. Trong khi hàng trăm, hàng ngàn phụ huynh cứ vào đầu năm học mới lại ùn ùn "cắm ô" xếp hàng, chờ nộp hồ sơ xin cho con vào học các trường mầm  non nội thành, thì ở khu vực ngoại thành, các cô giáo mầm non mòn chân đi vận động, vẫn chỉ đạt 40% số cháu trong độ tuổi ra lớp. Thậm chí, có trường chỉ đạt 20-30%. Chưa kể, dù đông hay ít cháu, nhưng với cơ sở vật chất tạm bợ, chật chội, chắp vá như vậy, khó có thể nâng cao chất lượng dạy dỗ trẻ.

"Vực" cơ sở vật chất ngành học mầm non bằng cách nào?

Được biết, năm 2010 này, TP Hải Phòng đã phê duyệt chương trình "chống dột, chống sập" cho riêng bậc học mầm non. Theo đó, 16 tỷ đồng được trích từ ngân sách sẽ hỗ trợ cho các địa phương xây mới 59 phòng học, cải tạo 41 phòng học không an toàn. Mục tiêu của chương trình sẽ hoàn thành trước lễ khai giảng năm học mới 2010-2011. Đây là một nỗ lực, cố gắng của TP Hải Phòng, bởi cùng lúc, các bậc học khác của địa phương cũng cần kinh phí để đầu tư cho năm học mới.

Tuy nhiên, số kinh phí trên là không đáng kể so với thực trạng cơ sở vật chất  ngành học mầm non thiếu và xuống cấp trầm trọng ở các địa phương Hải Phòng hiện nay. Vả lại, "hội chứng" trông chờ… hỗ trợ (trên trông dưới, dưới chờ trên) đã khiến việc khắc phục chống dột, chống sập trường lớp mầm non ở Hải Phòng hiện vẫn lai rai, nhà chưa xong và tiền thì cũng chưa được giải ngân, trong khi ngày khai giảng lại đang cận kề.

Để tháo gỡ khó khăn chung  này, thiết nghĩ, Hải Phòng cần phải có sự huy động tổng lực cho xây dựng, nâng cấp trường lớp mầm non, dưới mọi hình thức, chứ không chỉ là tiền ngân sách hay tiền đóng góp của dân. Song, rường cột vẫn phải là ngân sách. Nhưng trước hết, các quận, huyện cần phải quy hoạch lại hệ thống trường lớp mầm non của mình, đảm bảo quy hoạch đi đôi với xây dựng đồng bộ, tránh xé nhỏ, manh mún, khiến đầu tư dàn trải, không hiệu quả

Lệ Thu
.
.
.