Hải Phòng: Đèn giao thông mới hiện đại nhưng chưa hợp lý

Thứ Tư, 07/02/2007, 14:40
Dốc Cầu Niệm được bố trí 2 cột đèn tín hiệu mà chỉ cách nhau trên dưới 10m, đều cùng tính năng điều khiển phương tiện giao thông với 3 màu đèn xanh, vàng, đỏ.

Cuối tháng 1/2007, khu vực nội đô Hải Phòng đã hoàn thiện hệ thống đèn điều khiển giao thông bằng thiết bị hiện đại với mục đích giảm thiểu ách tắc giao thông. Thế nhưng chỉ sau một tuần đi vào hoạt động, hệ thống đèn mới đã cho thấy sự bất hợp lý.

Điều chưa hợp lý có thể thấy ngay ở khu vực trung tâm thành phố (chung quanh quảng trường Nhà hát Lớn) có đến 4 nút đèn tín hiệu, tồn tại 32 cột đèn gồm: cột điều khiển phương tiện giao thông và cột điều khiển người đi bộ ở phía đối diện. Quãng đường từ ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Trần Hưng Đạo đến ngã tư Hoàng Văn Thụ - Quang Trung chỉ cách nhau vài chục mét, đều được gắn một đèn tín hiệu.

Nhìn vào cách bố trí này, nếu một người đi vòng quanh quảng trường phải dừng xe đến 4 lần (cứ vài chục mét dừng một lần). Cả 4 trạm đèn tín hiệu quanh quảng trường cùng bật đèn đỏ thì các phương tiện giao thông vào lúc cao điểm vẫn nối đuôi nhau nếu không có các đường cắt ngang.

Xuôi xuống khu vực đường Quang Trung chỉ cách ngã tư Quang Trung - Hoàng Văn Thụ vài trăm mét lại gặp một hệ thống đèn giao thông tại nút ngã tư Lãn Ông - Quang Trung.

Đây là khu vực gần nơi buôn bán thường xảy ra tắc đường, nhưng đặt cột đèn quá gần với khu vực cắt ngang Mê Linh - Nguyễn Đức Cảnh, nên người tham gia giao thông có cảm giác bị ức chế khi xung quanh khu vực này chỉ vòng quanh cách nhau có vài trăm mét đã phải chạm tới 4 nút đèn.

Đặc biệt, cột đèn tín hiệu mới ở chân Cầu Niệm còn gây không ít khó khăn. Ví như, trên dốc Cầu Niệm được bố trí 2 cột đèn tín hiệu mà chỉ cách nhau trên dưới 10m, đều cùng tính năng điều khiển phương tiện giao thông với 3 màu đèn xanh, vàng, đỏ. Khi đèn tín hiệu chuyển màu đỏ, người điều khiển phương tiện phải dừng lại trước vạch sơn, ngang bằng hoặc sau cột đèn tín hiệu để quan sát hiệu lệnh đèn.

Song ở nút giao thông này, nếu hệ thống đèn hoạt động và chuyển sang màu đỏ, chắc chắn các phương tiện đi từ đường Trường Chinh về đường Trần Nguyên Hãn đều phải dừng trên dốc cầu. Giả thiết có 3 xe tải đang xuống dốc và dừng theo hiệu lệnh đèn, chắc chắn dòng phương tiện dừng đỗ sẽ kéo dài tới tận đỉnh cầu. Và nếu tuân theo hiệu lệnh của chiếc đèn tín hiệu thứ hai (nằm ở đúng chân cầu) người điều khiển phương tiện giao thông cũng phải dừng trên cầu mà chờ đèn xanh.

Quan sát vào đầu giờ buổi sáng và cuối giờ buổi chiều, thêm một cảnh tượng lạ mắt các xe ôtô, xe máy, xe đạp thi nhau chen lấn. Đến hết dốc cầu cũng là lúc các phương tiện phải ngoặt sang đường nhánh và lại phải gặp ngay đèn tín hiệu tại chân cầu (lối rẽ ngang duy nhất). Trên đây có thể coi là những điểm điển hình trong việc lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông khu vực nội đô Hải Phòng không mấy thuận lợi cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Thực tế, ngay cả khi hệ thống giao thông được hiện đại hóa, ách tắc giao thông vẫn xảy ra. Nguyên nhân chính không thể nói việc lắp đặt hệ thống đèn mới, hiện đại đã hợp lý và khoa học. Điều này cho thấy rằng, ngành Giao thông - Công chính cần phải nghiên cứu kỹ việc bố trí các hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông sao cho hợp lý và phát huy được hiệu quả giảm thiểu ách tắc, tai nạn không đáng có xảy ra

Mạnh Hừng
.
.
.