Hải Phòng: Chưa quản lý được nước thải, chất thải cơ sở giết mổ gia súc

Thứ Hai, 19/10/2009, 10:37
Một điều rất phổ biến là hầu hết những cơ sở giết mổ gia súc lớn ở Hải Phòng thường nằm ở khu vực gần sông hay những nơi có hệ thống đầm, hồ. Do yếu tố tiêu thoát nước thuận lợi, việc gây ô nhiễm nghiêm trọng do từ chất thải, nước thải của những cơ sở giết mổ gia súc với môi trường nước dường như không được các cơ quan chức năng quan tâm.

Bằng mắt thường đã thấy "bẩn"

Nước phân lẫn tiết lợn xâm xấp trên mặt sàn nhầy nhụa. Nhưng chỉ cần luồng xả mạnh từ vòi nước máy cộng vài động tác quét, đẩy, tất cả các rác thải đó trôi tuột xuống sông. Đó là hình ảnh thường thấy khiến những ai chứng kiến không khỏi rùng mình tại điểm giết mổ lợn ở chợ Tam Bạc. Khu giết mổ nằm liền kề sông Lạch Tray. Đường cống thoát nước thải của cơ sở giết mổ này được bắt thẳng ra sông. Khu vực cuối đường cống gần sát mép song có thể bắt gặp rất nhiều chất thải, cặn bã của gia súc, bốc mùi rất khó chịu.

Có thể nói, ở rất nhiều điểm ở nội, ngoại thành Hải Phòng, tình trạng nước thải, rác thải của cơ sở giết mổ gia súc không qua xử lý, đổ thẳng ra hệ thống sông, hồ hay hệ thống thoát nước chung diễn ra thường xuyên. Điển hình nhất là khu vực đê Vĩnh Niệm thuộc phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân nơi tập trung nhiều điểm giết mổ gia súc.

Trong đó, riêng đoạn đê gần cầu Niệm đã có tới 4-5 điểm giết mổ. Các chủ hàng tập trung ở lò mổ từ 2-3h sáng và tổ chức giết mổ theo phương pháp thủ công. Mọi công đoạn cạo lông, làm lông, pha thịt được thực hiện tại cùng một chỗ.

Các chất thải từ tiết, lông và phân lợn đều không qua hệ thống xử lý nước thải mà chảy thẳng ra rãnh nước hở rồi cứ vậy "lao" xuống sông. Vào lúc 9h sáng, thời điểm hầu hết cơ sở hoàn tất việc dọn dẹp vệ sinh, nhưng mùi tanh từ tiết, lông và phân lợn vẫn rất đậm đặc.

Nhưng vẫn ngoài danh sách cần phải xử lý

Tình trạng ô nhiễm, mất an toàn vệ sinh thực phẩm ở cơ sở giết mổ gia súc là vấn đề bức xúc từ nhiều năm nay ở Hải Phòng. Thời gian qua, các ngành chức năng của thành phố đã tăng cường việc kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ sở giết mổ gia súc. Tuy nhiên, việc kiểm tra mới dừng lại ở yêu cầu, quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, còn yêu cầu xử lý, thu gom chất thải của cơ sở này chưa được quan tâm.

Có ý kiến cho rằng các cơ sở thường hoạt động về đêm nên có ít người để ý. Song, có không ít cơ sở giết mổ hoạt động giết mổ diễn ra từ 2-3h đến tận 8-9h sáng, tại ngay những nơi đông người.

Ngoài ra, cũng có nhiều cơ sở giết mổ ở đê Vĩnh Niệm chuyên giết mổ lợn sữa phục vụ cơ sở sản xuất lợn quay nên thường hoạt động vào lúc 7h sáng đến 11h trưa. Và nước thải xả vô tư xuống sông, không có sự kiểm tra nhắc nhở nào của cơ quan chức năng. Có thể thấy nước thải, chất thải của những cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ vẫn nằm ngoài danh sách những loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước cao.

Thực tế này đặt ra yêu cầu cơ quan chức năng sớm có biện pháp, quy định quản lý xử lý chất thải, nước thải đối với loại hình này. Về lâu dài, cần xây dựng, quy hoạch những khu vực giết mổ tập trung với hệ thống xử lý chất thải, nước thải vừa đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và xử lý môi trường

Thu Thủy
.
.
.