Hà Tây là nơi phát sinh dịch cúm gia cầm?

Thứ Tư, 30/05/2007, 19:58
Trong 10 tỉnh phía Bắc tái phát dịch cúm gia cầm trong tháng 5, Nam Định, Hải Phòng, Sơn La, Nghệ An đều khẳng định số vịt chết do virus H5N1 ở địa phương họ đều có nguồn gốc từ Hà Tây trong khi tỉnh này không tái phát dịch cúm gia cầm.

Trước đây, trong một cuộc họp, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm Trung ương, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã lên tiếng cảnh báo các tỉnh có thể xảy ra dịch trong mùa hè như Hà Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh do các tỉnh này đã nhập phải nguồn vịt chưa được kiểm dịch từ các lò ấp, nở tư nhân của tỉnh Hà Tây. Phóng viên Báo CAND đã về tỉnh Hà Tây để tìm hiểu sự việc.

Sáng 29/5, chúng tôi có mặt tại thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Tây, nơi nổi tiếng với đặc sản vịt cỏ Vân Đình. Hàng chục quán vịt nằm san sát nhau, hàng nào cũng nườm nượp khách, không ít khách từ Hà Nội, Hà Đông đổ về.

Rẽ vào một quán vịt nổi tiếng, từng được lên truyền hình, chúng tôi thực sự ngạc nhiên vì rất đông thực khách tại quán vẫn vô tư gọi món tiết canh. Dù những đợt dịch trước, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Tây và huyện Ứng Hoà đã tiến hành tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh ở đây nhưng với một lượng thuỷ cầm lớn được tiêu thụ mỗi ngày, lực lượng kiểm tra VSATTP chỉ tiến hành kiểm tra theo định kỳ, người bán hàng lại chủ quan trước đợt dịch mới phát, không ai dám đảm bảo số lượng thuỷ cầm được chế biến mỗi ngày không dính thuỷ cầm bệnh.

Theo lãnh đạo UBND thị trấn Vân Đình thì trong tổng số 167 cơ sở chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống của thị trấn có gần 50 hộ  có quầy bán cháo vịt, tiết canh.

Có hộ đông khách, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 200 đến 300 con, làm tới 400 đến 500 bát tiết canh trong một buổi mà vẫn hết veo. Thị trấn cũng có 13 cơ sở chuyên giết mổ gia cầm, thủy cầm cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội, Hà Đông, mỗi hộ xuất từ 70 đến 300 con/ngày.

Chính vì sự chủ quan của cả người bán lẫn khách hàng nên nếu dịch bệnh xảy ra tại đây cũng là hệ quả tất yếu.

Ông Nguyễn Xuân Vui, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tây cũng thừa nhận, ngành thú y tỉnh chưa thể thực hiện đầy đủ các quy trình kiểm dịch. Và trước ngày 28/2 (ngày theo quy định của Bộ NN&PTNT mới được phép ấp nở thủy cầm), tỉnh Hà Tây đã phải chấp nhận cho người dân nuôi chui. Một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong công tác quản lý các cơ sở ấp nở thủy cầm ở Hà Tây theo ông Vui là do không có chỗ tiêu hủy.

Một thực tế đáng buồn nữa là trong việc triển khai Quyết định 17/2007/QĐ-BNN, Hà Tây, một điểm nóng ấp nở thủy cầm khu vực miền Bắc cũng vẫn chưa có báo cáo gì về việc triển khai quyết định này.

Hiện nay, Hà Tây có rất nhiều hộ mở lò ấp vịt, ngan. Trung bình mỗi tuần có thể cung cấp tới 2 triệu con và do chính người dân sở tại vận chuyển sang các tỉnh lân cận bán.

Trung bình mỗi ngày, chỉ tính riêng tại huyện Phú Xuyên, vịt con được xuất ra khỏi địa phương từ 50 - 70 nghìn con, chưa thực hiện việc kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng khẳng định, thêm một nguy cơ nữa từ các trại ấp nở thủy cầm ở Đại Xuyên, Hà Tây là hiện nay có một nguồn trứng không rõ nguồn gốc từ Lạng Sơn được đưa vào ấp tại các lò ấp trứng, nên nguy cơ tái dịch đối với các tỉnh mua thủy cầm giống từ Phú Xuyên là rất cao

Gà, vịt tại Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Thanh Hóa chết hàng loạt.

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm Trung ương chiều 29/5, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Bùi Quang Anh cho biết, tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Thanh Hóa đã có hiện tượng gà, vịt chết hàng loạt.

Tại các địa phương Nam Định, Ninh Bình, Đồng Tháp đã có thêm các ổ dịch mới. Không chỉ xuất hiện trên thủy cầm, hiện nay dịch đã lan sang cả gà, chim cút.

Tính đến ngày 29/5, tổng số gia cầm chết và tiêu hủy trong đợt dịch này là 49.000 con, trong đó có 2.000 con gà, 1.300 con ngan, còn lại là vịt 30-40 ngày tuổi.

Theo báo cáo của các đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nam Định cho thấy, công tác tiêm phòng lơ là đã dẫn đến tình trạng tỷ lệ kháng thể bảo hộ trong đàn gia cầm rất thấp.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, nếu tỉnh nào phát hiện có đàn thủy cầm chưa tiêm phòng phải tiêu hủy ngay và yêu cầu các tỉnh phải nhanh chóng tiêm phòng triệt để cho đàn thủy cầm mới.

Ngọc Yến - Tố Quyên
.
.
.