Hà Nội và chiến dịch “triệt tiêu chợ tạm, chợ cóc”

Thứ Tư, 20/06/2007, 19:26
Theo kế hoạch giải tỏa các tụ điểm chợ tạm, chợ cóc lớn nhất ở Hà Nội từ trước đến nay, các cơ quan chức năng ở Thủ đô sẽ phải giải tỏa 52 tụ điểm chợ tạm, chợ cóc với 3.889 hộ kinh doanh nằm trên 7 quận, huyện trong vòng 2 năm.

Tuy nhiên, ngoài 52 tụ điểm nằm trong "danh sách đỏ", vẫn tồn tại một số chợ cóc, chợ tạm họp dưới lòng đường, vỉa hè, gây cản trở giao thông, mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị nhưng các quận, huyện chưa tập trung giải quyết. Hàng nghìn hộ kinh doanh đang rất quan tâm, lo lắng đến số phận của họ khi chiến dịch giải tỏa các tụ điểm chợ tạm, chợ cóc tiến hành.

Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh

Mới 5h sáng, dọc đường Hoàng Hoa Thám (phía gần chợ Bưởi) đã đông người và xe chở cây cảnh, chim, gà… đến bán vì là ngày phiên chợ. Đoạn đường này từ nhiều năm nay đã hình thành tụ điểm cây cảnh lớn nhất nhì Hà Nội.

Vào dịp giáp Tết, ở đây thường xuyên bị tắc nghẽn giao thông bởi cây cảnh, hoa… bày tràn ra lòng đường, vỉa hè. Tình trạng này kéo dài nhiều năm, rất nguy hiểm khi mật độ xe qua lại lớn, gây va chạm và tai nạn giao thông.

Bao năm nay, tụ điểm cây cảnh Hoàng Hoa Thám cùng 14 tụ diểm, chợ tạm, chợ cóc được Phòng Cảnh sát trật tự Công an TP Hà Nội và Sở Thương mại thông báo là nhức nhối, tồn tại dai dẳng nhưng các quận, huyện chưa tập trung giải quyết.

Cách đây không lâu, Báo CAND đã phản ánh tình trạng ách tắc giao thông, ô nhiễm vệ sinh môi trường ở khu vực tụ điểm chợ đêm gầm cầu Long Biên (giáp ranh 2 quận Ba Đình và Hoàn Kiếm) đang được TP giao cho chính quyền địa phương giải tỏa, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Ngôi chợ tạm xập xệ này sẽ phải giải tỏa trong nay mai.

Tụ điểm kinh doanh rau, củ, quả đêm này tập trung khoảng 500 hộ kinh doanh, họp chợ dưới lòng đường, gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Theo Sở Thương mại Hà Nội, trên địa bàn quận, huyện còn tồn tại một số chợ cóc, chợ tạm họp dưới lòng đường, vỉa hè, gây cản trở giao thông, mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị nhưng các quận, huyện chưa tập trung giải quyết, như: chợ tạm Thanh Bảo, Hòe Nhai (quận Ba Đình), tụ điểm dọc đường Thanh Niên (giáp ranh quận Ba Đình và Tây Hồ), tụ điểm Lương Yên, tụ điểm phố Đông Tác, tụ điểm số 220 và ngõ 228 đường Nguyễn Trãi, tụ điểm đầu đường Định Công - Giải Phóng...

Giải tỏa - cần biện pháp quyết liệt

Được coi là chợ nhà giàu và là chợ tạm lớn nhất Hà Nội, Hàng Bè có 282 hộ kinh doanh chủ yếu là các loại thực phẩm tươi sống, ăn uống, hàng hóa… Theo kế hoạch, chợ tạm Hàng Bè sẽ được giải tỏa vào quý IV năm 2007.

Ngày 18/6, chúng tôi thấy mọi việc kinh doanh, buôn bán ở đây vẫn diễn ra bình thường và sầm uất. Dường như quyết định giải tỏa khu chợ vốn là nơi kiếm sống của vài trăm hộ dân và phục vụ nhu cầu thiết phẩm chủ yếu của đại bộ phận người dân sống trong khu vực phố cổ chưa có tác động gì lớn lắm.

Chị Hoa, một người kinh doanh ở chợ cho biết, việc giải tỏa khu chợ này đối với chị là rất tiếc, bởi việc kinh doanh buôn bán ở đây rất thuận lợi. Những người gắn bó với chợ tạm này hơn chục năm như chị Hoa đều có chung nguyện vọng, tôn trọng quyết định của quận và thành phố, nhưng quận và thành phố cần có giải pháp bố trí cho họ được tiếp tục kinh doanh ở một chợ nào đó.

Thành lập theo quyết định của UBND quận Hoàn Kiếm, chợ Hàng Bè đi vào hoạt động đến nay được hơn 10 năm. Theo Ban quản lý chợ thì cử tri phường Hàng Bạc đã có ý kiến di dời chợ này từ nhiều năm nay.

Ý tưởng của UBND quận Hoàn Kiếm giải tỏa chợ tạm Hàng Bè lần này là cùng với phố đi bộ, muốn tạo ra một không gian mang đậm chất phố cổ bên bờ hồ Hoàn Kiếm, thu hút khách du lịch.

Danh sách di chuyển đã được lập, người kinh doanh có người muốn di chuyển, có người lại chưa. Hiện nay, Ban quản lý đang phải tuyên truyền để các hộ kinh doanh nắm được chủ trương và ủng hộ cách làm của thành phố.

Theo kế hoạch của Sở Thương mại, phương án bố trí người kinh doanh một phần vào khu vực thực phẩm tươi sống phía sau chợ Đồng Xuân - Bắc Qua, còn lại sắp xếp chuyển bán đồ lưu niệm. Những hộ nào được bố trí tiếp tục kinh doanh ở chợ Đồng Xuân - Bắc Qua thì quận còn phải họp bàn.

Việc giải tỏa chợ tạm, chợ cóc được đưa ra bàn bạc và thực hiện rất nhiều năm qua, sau rất nhiều nỗ lực đã giải tỏa đã có những thành công nhất định. Bên cạnh đó nhiều chợ tạm, chợ cóc gây mất vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông, lấn chiếm các ngõ, ngách vốn đã nhỏ của Hà Nội nhưng việc giải tỏa vẫn dai dẳng, kéo dài từ năm này qua năm khác.

Theo Sở Thương mại thì trên địa bàn của 7 quận, huyện ở Hà Nội còn 52 tụ điểm chợ tạm, chợ cóc với 3.889 hộ kinh doanh. Năm 2007 sẽ giải tỏa 24 tụ điểm, từ nay đến hết năm 2007 còn 22 tụ điểm sẽ phải giải quyết. Phương án bố trí người kinh doanh tiếp tục vào kinh doanh tại các chợ đã được lập, tuy nhiên để đưa chợ tạm vào các chợ vốn kinh doanh ổn định không phải là chuyện dễ.

Vì như chợ tạm ngõ Phan Chu Trinh và chợ tạm ngõ Thanh Hà, chợ tạm ngõ Văn Chương phải giải tỏa trong quý III năm 2007 là giải tỏa trắng (không có phương án bố trí kinh doanh tiếp tục). Chợ tạm Hòa Bình (700 hộ kinh doanh); chợ tạm đường Lương Yên; đường Bạch Đằng cụm 7, cụm 9… đều chưa có địa điểm di chuyển quận đề nghị tạm thời để lại, giao UBND các phường có chợ quản lý tốt vệ sinh môi trường, an toàn giao thông và PCCC.

Để đưa Hà Nội trở thành trung tâm thương mại, văn minh và hiện đại thì cần phải xóa bỏ việc kinh doanh nhếch nhác như hiện nay. Thành phố cần có những giải pháp thỏa đáng cho các hộ kinh doanh, đồng thời có biện pháp quyết liệt, tránh để các tụ điểm này phát sinh và tồn tại dai dẳng kéo dài nhiều năm, gây bức xúc và mất trật tự giao thông, mỹ quan đô thị

Trần Hằng
.
.
.