Hà Nội triển khai 7 nhóm giải pháp chống ùn tắc

Thứ Tư, 04/08/2010, 15:19
Để hạn chế tình trạng ùn tắc và TNGT, các cơ quan chức năng Thủ đô đang triển khai 7 nhóm giải pháp mang tính đồng bộ và dài hạn, trong đó nhấn mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông…

Theo báo cáo của liên ngành Giao thông Vận tải - Công an thành phố, Hà Nội có 124 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, các nút giao thông thuộc tuyến đường vành đai, hướng tâm có lưu lượng giao thông vượt quá khả năng thông hành của nút theo thiết kế ban đầu.

Sở Giao thông Vận tải và Công an thành phố đã tiến hành các bước cải tạo, tổ chức lại giao thông tại một số tuyến, nút có nguy cơ ùn tắc giao thông cao: đóng giải phân cách tại nút giao và mở giải phân cách tại 2 vị trí ngoài nút giao để buộc các dòng giao thông quay đầu tại các vị trí này; phối hợp phân luồng giao thông và tạo luồng quay đầu; tách dòng giao thông theo phương tiện; tận dụng, tổ chức lại hệ thống đèn tín hiệu giao thông, điều chỉnh pha đèn hợp lý và lắp đặt đèn tín hiệu giao thông mới phục vụ cho người đi bộ và điều tiết lưu lượng giao thông trên tuyến đường. Nhờ đó đã giải quyết được 66/124 điểm nút có nguy cơ ùn tắc giao thông cao.

Hà Nội vẫn còn một số điểm có nguy cơ ùn tắc cao vào giờ cao điểm.

Tuy nhiên, sau một thời gian thí điểm, các biện pháp tổ chức giao thông vẫn còn một số hạn chế là vẫn xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm tại một số nút, tuyến giao thông phức tạp có mật độ phương tiện cao; một số điểm dải phân cách giữa hẹp gây khó khăn cho việc quay xe; do đóng dải phân cách tại nút giao nên có hơn 20 nút không sử dụng đèn tín hiệu để điều khiển giao thông và người đi bộ qua đường cũng khó khăn.

Để hạn chế tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn, thành phố Hà Nội đang triển khai 7 nhóm giải pháp mang tính đồng bộ và dài hạn gồm: đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (PLTTATGT); kiên quyết cưỡng chế thi hành PLTTATGT và nâng cao năng lực cho lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông, cơ quan quản lý điều hành giao thông; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật của phương tiện giao thông vận tải; nâng cao tránh nhiệm đối với người điều khiển phương tiện; giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Hiện nay, Sở GTVT, Công an thành phố và các đơn vị liên quan đang tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp của các cá nhân, các tổ chức nghiên cứu khoa học cùng tham gia nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tổ chức lại hệ thống giao thông trên địa bàn để khắc phục tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông

Thanh Tùng
.
.
.