Hà Nội sau 2 ngày đổi giờ làm, giờ học: Sẽ sửa đổi những bất cập

Thứ Sáu, 03/02/2012, 14:01
Sau một buổi sáng có vẻ suôn sẻ khi thực hiện đổi giờ với hầu hết các tuyến đường đều thông thoáng, chiều tối 1/2 và chiều 2/2, giao thông Hà Nội dường như lại rơi vào lộn xộn, ùn tắc, đặc biệt là trên các tuyến phố có trường học. Trước thực tế này, nhiều chuyên gia trong ngành giao thông cho rằng, hiệu quả của phương án đổi giờ có thật hữu ích hay không thì còn phải chờ đợi thêm một thời gian nữa, chứ chưa thể khẳng định ngay trong ngày một ngày hai.
>>Ngày đầu đổi giờ làm, giờ học: Giao thông đã thông thoáng hơn

Sáng thông, chiều tắc

Bắt đầu khoảng 17h15, mật độ giao thông trên các tuyến đường của Hà Nội tăng nhanh chóng và dần ùn ứ, tắc ở nhiều phố. Ngay những tuyến phố ít tắc như Đại Cồ Việt, đoạn qua trường THCS và tiểu học Tô Hoàng đã tắc cả đoạn dài do phụ huynh đổ dồn đón con.

Ngay như phố Quang Trung, nơi có Trường Tiểu học Quang Trung, cả đoạn phố tắc cứng gần 1 tiếng đồng hồ. Những chiếc xe máy, ôtô đón con đỗ ngay trên lòng đường càng khiến tình trạng ùn tắc thêm trầm trọng. Đây là tuyến phố một chiều, cũng là tuyến phố có nhiều đường giao nhỏ hẹp, dưới lòng đường lại được cấp phép trông giữ ôtô. Đây cũng là tuyến đường luôn có nhiều xe ôtô du lịch cỡ lớn đi vào.

Chính những yếu tố này đã góp phần làm tắc đường vào mỗi buổi chiều, chứ không chỉ bị tắc trong ngày đầu tiên thực hiện đổi giờ. Dọc tuyến đường Phạm Ngọc Thạch, xuất hiện ùn tắc kéo dài do ôtô nhiều, đi hai hàng. Phải mất hơn mười phút mới có thể đi qua đoạn phố chỉ chừng 1km này theo hướng từ Xã Đàn tới Chùa Bộc. Ngoài lực lượng CSGT, sinh viên tình nguyện cũng được huy động hướng dẫn phân luồng trên tuyến Chùa Bộc – Thái Hà nhưng tình trạng ùn tắc không hề giảm.

Giao thông Hà Nội vẫn còn cảnh ùn tắc trên nhiều tuyến đường vào chiều tối ngày 1 và 2/2.

Trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc buổi sáng đã cơ bản hết tắc đường đã phần nào chứng minh hiệu quả của phương án đổi giờ. Nhưng chỉ qua một, hai ngày thì không thể đánh giá ngay được tác động giảm ùn tắc.

Theo ông Tân: “Đổi giờ là một trong nhiều biện pháp, nếu điều chỉnh tạo hiệu quả ngay thì người ta đã thực hiện từ lâu. Đây là biện pháp có tính chất tình thế khi mật độ giao thông quá lớn tập trung vào giờ cao điểm, nguy cơ ùn tắc cao. Nếu giãn thêm giờ cao điểm vào sáng và chiều thì giảm mật độ phương tiện”. Thừa nhận việc đổi giờ làm ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân, đặc biệt là với học sinh, ông Tân nhận định, phải ưu tiên cho giao thông trước, vì nếu tắc đường thì học sinh cũng không thể tới lớp đúng giờ.

“Người dân đã có thói quen từ lâu nên dễ phản ứng khi điều chỉnh giờ học, giờ làm. Tất nhiên mỗi góc nhìn và vị trí khác nhau thì có ý kiến khác nhau, mình cũng phải chia sẻ. Song tôi cho rằng, ngoài các giải pháp đã nêu trong đó có đổi giờ thì chắc ít người có thể đưa ra giải pháp nào có thể hay hơn”, ông Tân chia sẻ.

Đổi giờ chỉ là biện pháp tình thế

Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, việc tắc đường vào buổi chiều trong hai ngày đổi giờ chưa thể nói lên điều gì. Ông Tân cho biết, nếu trong quá trình thực hiện có gì bất cập thì sửa đổi. Và điều này cần cả quá trình chứ không thể vừa triển khai đã điều chỉnh. “Chúng tôi sẽ lấy ý kiến của các trường đại học về thuận lợi và khó khăn. Chúng tôi sẽ tổ chức điều tra tại các nút giao thông trọng điểm xem có những thay đổi gì sau khi đổi giờ”, ông Tân khẳng định.

Chiều 2/2, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng cho phóng viên Báo CAND biết, việc chuyển đổi giờ trong bối cảnh này là chưa đủ cơ sở để đánh giá hiệu quả giảm ùn tắc hay không. Lý do mà ông Hùng đưa ra là tính đến thời điểm này vẫn còn một số trường chưa thay đổi giờ học theo đúng yêu cầu.

Thứ hai là do mật độ người tham gia giao thông còn thấp, do phần lớn lao động ngoại tỉnh chưa lên Hà Nội. Theo ông Hùng, giãn cách giờ cao điểm từ 30 phút đến một giờ là tốt song cũng có thể các dòng phương tiện lại lưu thông lặp lại. Biện pháp đổi giờ, thu phí chỉ là hỗ trợ chứ không phải là quyết định để giải quyết ùn tắc giao thông.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Giáp - Chánh thanh tra giao thông vận tải (Sở GTVT), phương án đổi giờ chỉ là một trong nhiều giải pháp giảm ùn tắc giao thông. Cùng với biện pháp đổi giờ, thời gian tới Sở GTVT cũng đã có kế hoạch mở rộng các nút giao thông, tổ chức lại một số tuyến đường, tiếp tục hạn chế phương tiện ra vào thành phố giờ cao điểm, tăng cường xử lý các xe dừng đỗ sai quy định... Bằng các giải pháp đồng bộ, tôi tin tình trạng ùn tắc sẽ được cải thiện hơn nữa. 

Sở GTVT Hà Nội kiến nghị điều chỉnh hệ thống chiếu sáng cho phù hợp với việc điều chỉnh giờ

Chiều 2/2, Giám đốc Sở GTVT cũng đã có báo cáo nhanh về việc thực hiện phương án điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội: Tình hình giao thông đi lại trên các tuyến đường của thành phố được cải thiện.

Tuy nhiên trên một số tuyến đường trọng điểm, hệ thống chiếu sáng chưa điều chỉnh cho phù hợp với thời gian sinh hoạt của một số đối tượng thuộc diện điều chỉnh như học sinh, sinh viên cũng như điều kiện thời tiết mùa đông tại miền Bắc, dẫn đến việc gây ảnh hưởng tới khả năng điều khiển giao thông trong khoảng thời gian buổi sáng từ 5h đến 6h và buổi chiều từ 18h00 đến 19h00.

Đề nghị Sở Xây dựng điều chỉnh giờ đóng, mở hệ thống chiếu sáng trên toàn bộ hệ thống tuyến đường của thành phố cho phù hợp với nội dung quyết định của UBND thành phố về thay đổi giờ làm, giờ học trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ngọc Yến - Thanh Huyền
.
.
.